Chúng ta thường nói về định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị, nhưng lại không tạo ra được sự liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Chúng ta cũng ứng dụng nhiều công nghệ vào nông nghiệp, nhưng lại không bắt đầu từ thay đổi tư duy của nông dân, chính vì vậy mà chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện và phát triển.

Giải pháp toàn diá»n cho chuá»i giá trá» nông sản

Vì sao chuỗi giá trị nông nghiệp thất bại?

Ghi nhận tại Hội thảo quốc tế Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế được tổ chức tại TP.HCM cho thấy, chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam sau một thời gian dài xây dựng vẫn chưa thành công, nguyên nhân chính là do mối liên kết chính giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn lỏng lẻo.

Theo đó, tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân phá vỡ hợp đồng diễn ra khá phổ biến. Cả doanh nghiệp và nông dân đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất khiến nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn đã triển khai đang gặp khó khăn. Nông dân thì làm việc một cách cảm tính, dễ vi phạm các nguyên tắc sản xuất nông nghiệp sạch. Thậm chí, nhiều nông dân còn phá vỡ hợp đồng khi có thương lái hoặc doanh nghiệp Trung Quốc trả giá cao hơn.

Bảo hiểm nông nghiệp được triển khai từ năm 2011 đến nay vẫn chưa đủ sức hút, nông dân thì thờ ơ mà doanh nghiệp cũng không muốn tham gia vì phí bảo hiểm cao mà thủ tục xác minh thiệt hại lại mất nhiều thời gian. Thực tế, khi xảy ra sự cố, việc xác định thiệt hại rất khó khăn vì thông tin về sản xuất thiếu thốn và không minh bạch.

Việc ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam là yêu cầu bức thiết và cũng đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Ở thời điểm này, không khó để có thể bắt gặp những nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố như nước, phân, thuốc, độ ẩm, ánh sáng và chuyển nó vào các thiết bị kết nối intenet như máy tính, điện thoại. Họ có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình trang trại.

Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cùng internet kết nối vạn vật đã mở đường cho những hoạt động quản lý nông nghiệp hoàn toàn mới. Con người không cần có mặt trực tiếp, thậm chí ở một số khâu, robot sẽ thay thế con người, từ đây sẽ hình thành một nền nông nghiệp chính xác và tự động. Tuy nhiên, đây là khả năng chỉ một số ít doanh nghiệp lớn như Tập đoàn FPT làm được. Còn đa số nông dân cần một nền tảng công nghệ rẻ tiền và dễ sử dụng hơn.

Cần một giải pháp toàn diện trên chuỗi giá trị

Đến năm 2020, cả nước có 500 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Bên cạnh đó, nâng giá trị sản lượng của các sản phẩm nông nghiệp sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ cao lên gấp 5 lần so với hiện nay và thu nhập/đơn vị diện tích hay đơn vị sản phẩm tăng từ 1,5 lần hiện nay lên 3 lần so với sản phẩm thông thường… Mục tiêu này của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) sẽ khó hoàn thành nếu không có một giải pháp toàn diện cho toàn bộ chuỗi giá trị nông sản, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó chủ tịch CLB Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) nói.

Nhiều ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong đợi là do chỉ thực hiện một cách manh mún. Chẳng hạn như tem truy xuất nguồn gốc hiện nay chưa được người tiêu dùng tin tưởng do “loạn thông tin”. Vì thực tế, có không ít cửa hàng gắn biển hiệu thực phẩm sạch mà nguồn gốc đồ ăn, thức uống không rõ ràng, không có gì bảo đảm là… sạch.

Thậm chí, họ mua thực phẩm bẩn, trôi nổi ngoài thị trường với giá rẻ, sau đó gắn mác “sạch” hay “siêu sạch” để thu lợi nhuận. Càng ngày, người tiêu dùng càng mất niềm tin vào thị trường, vào những con tem chống hàng giả. Vì vậy, người mua hàng thì không bao giờ kiểm tra truy xuất nguồn gốc trên bao bì khi mua hàng ở cửa hàng thực phẩm, siêu thị còn nhà phân phối phải sắm xe kiểm tra nhanh trực tiếp tại nhà vườn để loại sản phẩm không đạt ngay tại gốc và chủ động tìm nguồn thay thế.

“Chúng ta cần một lộ trình để thay đổi toàn diện chuỗi giá trị nông sản, bắt đầu từ nông dân. Vì vậy, tôi và những người tâm huyết với nông nghiệp nước nhà trong Hội Nông nghiệp công nghệ cao DAA đã bắt tay vào việc này. Chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn đầu, là giai đoạn thay đổi ý thức trách nhiệm trong canh tác của nông dân, chuẩn bị bước vào giai đoạn tiếp theo là tích hợp công nghệ tự động vào thu thập phân tích dữ liệu…”, ông Nguyễn Trường Sơn nói.

Và sau 2 năm nghiên cứu, ông đã đưa ra ứng dụng “Nông dân” trên điện thoại thông minh. Ứng dụng này được xem là “nhật ký điện tử” theo dõi toàn bộ quá trình canh tác, từ việc đo đạc diện tích đất đến việc nuôi trồng hằng ngày. Họ cũng được kết nối với các chuyên gia kỹ thuật từ xa để xử lý sâu bệnh một cách kịp thời. Việc ghi nhật ký là do nông dân tự thực hiện nhưng được giám sát chặt chẽ bằng hệ thống công nghệ cùng nhân sự trực tiếp tại địa phương.

Như vậy, mỗi nông dân và thửa ruộng, mảnh vườn của họ đều có thương hiệu riêng, buộc họ phải canh tác trung thực, vì những thông tin không trung thực của nông dân sẽ bị phản ánh trên cộng đồng tham gia nên có thể bị ảnh hưởng uy tín lâu dài. Ngoài ra, ứng dụng “Nông dân” cũng giúp hạn chế được tình trạng sản xuất ế thừa, khi thông tin người bán đến được với doanh nghiệp thu mua một cách đầy đủ hơn. Bảo hiểm nông nghiệp hay các chính sách hỗ trợ nông nghiệp khác từ Chính phủ cũng sẽ có cơ sở dữ liệu minh bạch để thực thi tốt hơn.

Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Giải pháp tôi đưa ra đã nhận được sự ủng hộ đông đảo từ nông dân và các anh em làm công nghệ trên cả nước. Chắc hẳn giải pháp này sẽ cần đến chục năm mới cho kết quả như mong đợi, nhưng tôi tin rằng đây là nhu cầu của đông đảo các thành phần từ Nhà nước đến doanh nghiệp cũng như nông dân và sự chung tay của mọi người sẽ giúp chúng ta nhanh chóng có được một nền nông nghiệp công nghệ cao đúng nghĩa”.

Theo DNSG

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang