Giảm chi phí thương mại để tăng năng lực cạnh tranh

Giảm chi phí thương mại để tăng năng lực cạnh tranh

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để giảm chi phí thương mại thông qua hợp lý hóa các biện pháp phi thuế quan hoặc kiểm tra chuyên ngành, nâng cao hiệu quả quản lý cửa khẩu và dịch vụ hậu cần. Đó là những ưu tiên cải cách để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.


Gánh nặng chi phí “mềm”

Báo cáo của WB chỉ rõ, trong vòng 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt những thành tựu lớn trong mở cửa nền kinh tế, nâng cao năng lực xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm. Đặc biệt, chi phí thương mại của Việt Nam đã giảm rất lớn bằng cách giảm hàng rào thuế quan.

Ảnh minh há»a. Nguá»n: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải tiếp tục cải cách mở cửa và thực thi các hiệp định thương mại tự do. Để giảm hơn nữa chi phí thương mại thì không thể chỉ trông chờ vào giảm hàng rào thuế quan mà còn phải chú ý đến giảm hàng rào phi thuế quan và chi phí logistics.

Theo đánh giá của WB, DN xuất khẩu Việt Nam đang bị mất lợi thế cạnh tranh trên thế giới do chịu gánh nặng chi phí thương mại trong nước. Báo cáo cho thấy, các chi phí “mềm” của chi phí thương mại, bao gồm: tuân thủ về kiểm tra chuyên ngành; tuân thủ hải quan tại cửa khẩu và tuân thủ các thủ tục của các cơ quan khác hải quan tại cửa khẩu cùng với chi phí logistics (vận chuyển nội địa từ kho DN tới cảng; chi phí xếp dỡ, lưu kho tại cảng) là những những rào cản thương mại đối với DN. 

Đối với nhập khẩu, thời gian tuân thủ kiểm tra chuyên ngành là lớn nhất, chiếm tới 55% chi phí về thời gian nhập khẩu của Việt Nam. Đối với xuất khẩu, thời gian xếp dỡ, lưu kho tại cảng chiếm tới 44% và tình trạng lưu kho kéo dài chủ yếu do chậm trễ của quá trình phê duyệt và kiểm tra thông quan tại cảng.

Đáng lưu ý, mặc dù Hải quan là cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng để thông quan hàng hóa tại cửa khẩu song nhiều cơ quan khác còn tạo ra chi phí cao hơn rất nhiều do các thủ tục thanh tra chuyên ngành. Có đến 74% các biện pháp được áp dụng để kiểm tra chuyên ngành đến từ các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế.

Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2020, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam sẽ đạt được mức trung bình của các nước ASEAN 4. Tuy nhiên, WB cho rằng, hiện Việt Nam còn khoảng cách khá lớn so với các nước xét về mọi góc độ.

Những trụ cột cải cách cần ưu tiên

Từ thực tế trên, Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm của WB đã đưa ra nhiều khuyến nghị về ưu tiên cải cách, tập trung vào 4 trụ cột chính nhằm giảm chi phí thương mại và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Ông Phạm Minh Đức - chuyên gia kinh tế của WB - khuyến nghị, trước hết, Việt Nam cần tăng cường tạo thuận lợi thương mại thông qua đơn giản hóa thủ tục hải quan và các quy định quản lý chuyên ngành nhằm tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng, giảm các chi phí, gánh nặng thủ tục đối với DN.

Cùng với cải cách của ngành hải quan thì việc cải thiện khung khổ pháp lý để tạo thuận lợi thương mại, gồm các quy trình cấp phép, thủ tục hành chính áp dụng trước và tại cửa khẩu cần được hoàn thiện, tránh sự chồng chéo. 

Đặc biệt, WB nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp liên ngành và cơ chế thực hiện để giảm chi phí thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó ưu tiên cải cách tạo thuận lợi thương mại phải dựa trên những trụ cột chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Theo đó, cần áp dụng chuẩn quốc tế trong phân loại các biện pháp kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở thực hiện phân tích chi phí - lợi ích của từng biện pháp; tăng cường hiệu quả kiểm tra chuyên ngành bằng cách áp dụng quản lý tuân thủ dựa trên rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua cơ chế một cửa quốc gia và cho phép áp dụng kiểm tra sau thông quan; đồng thời cải thiện tính minh bạch các quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, tránh gây khó khăn cho DN.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải ưu tiên cải cách hạ tầng kết nối. Bởi theo đánh giá, hiện nay, vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam đã tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, tốc độ di chuyển trung bình, chất lượng cơ sở hạ tầng vận tải còn thấp và có sự chênh lệch lớn giữa cung - cầu về khả năng xếp dỡ hàng hóa, do quy hoạch không hiệu quả và không dự báo được nhu cầu vận tải chuỗi giá trị hàng hóa.

Do đó, Việt Nam cần có kế hoạch tích hợp về hỗ trợ kết nối vận tải đa phương thức, với sự tham gia của khu vực tư nhân để đảm bảo cung - cầu, nhằm đáp ứng được các chuỗi giá trị quan trọng nhất và kết nối được với giá trị toàn cầu.

Nêu lên những hạn chế, yếu kém của ngành logistics Việt Nam, WB nhấn mạnh việc cần cải thiện chất lượng dịch vụ logistics, trong đó cần ưu tiên xây dựng và phát triển một hệ thống thống kê logistics đáng tin cậy để hỗ trợ các cơ quan chính phủ xây dựng chính sách, giám sát tiến độ cải cách logistics tạo thuận lợi cho DN có điều kiện phát triển chiến lược kinh doanh hợp lý, giảm chi phí logictics một cách hiệu quả hơn.

Theo Kiểm toán

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang