Giữ hay bỏ văn hóa vỉa hè?

Giữ hay bỏ văn hóa vỉa hè?

“Văn hóa vỉa hè” - ngồi vỉa hè uống trà đá, thưởng thức ẩm thực, tán chuyện… được xem là nét văn hóa làng quê Việt còn sót lại nơi đô thị Hà Nội.

 


Tuy nhiên, trên thực tế, các hoạt động trên vỉa hè đang khiến bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác. Làm thế nào để có được văn hóa vỉa hè mới trong thời kỳ nói “không” với kinh doanh vỉa hè là điều nhiều người đang nghĩ tới.

 Dãy hàng ăn uống trên vỉa hè phố Tạ Hiện. Ảnh: Công Hùng

Tại Hà Nội, nhiều năm vỉa hè không phải dành cho người đi bộ. Bước ra khỏi cửa, người Hà Nội có thể tìm thấy đủ thứ nhu cầu thiết yếu trên vỉa hè: Từ trà đá đến cà phê, nước mía rồi đến cơm, phở vỉa hè… Thú vị hơn, trên con phố du lịch của khách Tây như Mã Mây, Hàng Bạc…, vỉa hè trở thành phố của ẩm thực, với đủ thứ hàng ăn thức uống. Khách nước ngoài, người Việt Nam ung dung ngồi vỉa hè thưởng gió trời, ăn thịt bò nướng... Vỉa hè Hà Nội trở thành nơi sinh hoạt công cộng thú vị của nhiều người, và cũng là nơi mưu sinh của không biết bao nhiêu người dân lao động.

Chỉ cần vài cái bàn, đôi ba cái ghế và bộ ấm chén cũng có thể tạo nên một kiểu quán cóc rất nhộn nhịp trên vỉa hè. Khách của quán cóc vỉa hè cũng rất đa dạng, từ người mặc complet, đi dày da bóng lộn đến những người mặc quần áo lao động, đi dép tổ ong; từ cậu sinh viên đến bác xe ôm và có khi còn bắt gặp cả các cô ca sĩ, người mẫu nổi tiếng. Nhiều người đến Hà Nội là có thói quen ngồi quán vỉa hè. Với những du khách ghé thăm Hà Nội nhiều lần đã thừa nhận ăn uống, tán chuyện trên vỉa hè đã trở thành nét văn hóa riêng biệt.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định, cái gọi là văn hóa vỉa hè không phải là nét sinh hoạt gốc tích của người Hà Nội xưa, mà nó được nảy nở trong mấy chục năm gần đây, khi mà hầu hết người Hà Nội bây giờ đều đến từ các làng quê hoặc có nguồn gốc từ các làng quê. Người ở quê vẫn có thói quen thích tụ họp nhau bên chén trà, hay tụ năm tụ ba ở gốc cây đa đầu làng để “buôn” chuyện, thích sự tiện lợi, có thể mua bán trao đổi ở bất cứ nơi nào…, và thói quen ấy được kéo giữ khi họ lên TP. Họ sử dụng vỉa hè như khoảng trống ở gốc đa làng mình mà không hề để ý đến bộ mặt văn minh đô thị. Thế nên, khi Hà Nội mở chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, thứ văn hóa tưởng ăn vào gốc rễ nhiều người dân nông thôn lên TP bỗng chốc cũng phải thay đổi theo. Người ta nghĩ rằng, để dung hòa cái thói quen ấy cũng là lúc phải nghĩ ra một kiểu văn hóa vỉa hè thời kỳ mới.

Không chỉ có ở Việt Nam, mà nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á đều có văn hóa vỉa hè. Nhưng trong kế hoạch trả lại vỉa hè cho người đi bộ, để du khách đi giữa Hàng Ngang, Hàng Đào… mà có cảm giác rộng thênh thang, gọn vỉa hè như ở Tokyo hay Singapore, nếu như thế phố Mã Mây sẽ còn nét đẹp gì của ẩm thực, và bao nhiêu con người mưu sinh trên vỉa hè đi đâu về đâu?

Thái Lan từng tiến hành một “cuộc cách mạng” quy hoạch lại vỉa hè Thủ đô theo mẫu của Hongkong (Trung Quốc), Singapore. Những người bán rong được gom về 600 khu vực thiết kế theo chuẩn mẫu chung như quầy hàng diện tích dưới 2m2, bề rộng phải chừa ra 1m vỉa hè và không được cao quá 1,5m. Hàng nghìn người bán hàng rong sống bám vào vỉa hè Bangkok nhiều chục năm đối diện với nguy cơ mất nguồn sống. Và cuộc cách mạng ấy cũng vấp phải không ít phản ứng dữ dội từ những người bám vỉa hè để mưu sinh. Tuy nhiên, sau một thời gian, Thái Lan cũng thành công với mô hình này. Singapore và Hongkong đều quy hoạch chợ cùng khu vực bán hàng rong riêng biệt, người bán hàng rong cũng phải đăng ký với chính quyền, được cấp phép và đảm bảo ATTP, phải đóng phí để hoạt động.

“Hà Nội không thể dọn sạch vỉa hè như các nước phương Tây được, vì văn hóa vỉa hè là một nét đặc trưng. Vì vậy, cũng nên tính việc quy hoạch lại thành các khu kinh doanh riêng, rà soát lại chức năng khai thác vỉa hè, những đoạn nào, vị trí nào có thể khai thác, chỗ nào không. Ngoài ra, có thể tính tới việc kẻ riêng một màu sơn để phân định phần dành riêng vỉa hè cho người đi bộ” – TS Đinh Thị Thanh Bình - Viện trưởng Viện Quản lý quy hoạch GTVT hiến kế.

Thời gian Hà Nội có những hình thức kinh doanh vỉa hè kiểu mẫu, có thể sẽ không còn xa. Người ở tỉnh lên Hà Nội vẫn mong muốn kiểu mẫu ấy sẽ ra đời, vừa để họ mưu sinh, vừa để nhớ về nếp sinh hoạt gốc gác của người nhà quê.

Theo KTĐT

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang