Hàng Việt giảm năng lực cạnh tranh vì chi phí cao, mẫu mã xấu

Hàng Việt giảm năng lực cạnh tranh vì chi phí cao, mẫu mã xấu

Khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do FTA cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa thị trường rộng mở cho các doanh nghiệp Việt xâm nhập thị trường nước ngoài với dân số lên tới hàng trăm triệu người. 


Thế nhưng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc vấp phải sự cạnh tranh gay gắt trên chính thị trường nội địa khi sản phẩm nước ngoài tràn vào. Khó khăn càng nhân lên khi sản phẩm của doanh nghiệp nội hiện đang phải gánh quá nhiều chi phi bất hợp lý bởi cả lý do khách quan lẫn chủ quan.

Để lên được kệ hàng trong các chuỗi siêu thị, các doanh nghiệp Việt phải trả chi phí chiết khấu rất cao. Ảnh: PV

Để lên được kệ hàng trong các chuỗi siêu thị, các doanh nghiệp Việt phải trả chi phí chiết khấu rất cao. Ảnh: PV

Hàng Việt yếu thế vì “cõng” nhiều chi phí?

Trong công bố báo cáo khảo sát về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới hồi năm 2017 về chi phí kinh doanh ở Việt Nam cho biết, chi phí tại Việt Nam cao hơn nhiều so với một số quốc gia cùng khu vực như Maylaysia, Singapore... Doanh nghiệp Việt phải nộp thuế, chi phí về thủ tục xuất khẩu, chi phí vận chuyển, logistics… cũng cao hơn nhiều lần và điều này dẫn tới hệ lụy là làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt. Cùng với đó là sự trì trệ trong công tác thông quan, kiểm tra chuyên ngành kéo dài dẫn tới phát sinh chi phí kho bãi, chi phí sinh hoạt, đi lại cho nhân viên thực hiện cũng tác động tới giá thành sản phẩm. Đối với một số mặt hàng, thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cao, trong khi hàng hóa thành phẩm của nước ngoài lại được hưởng nhiều ưu đãi về thuế nên càng làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt.

Song song với đó là hàng loạt các chi phí khác như chi phí vay vốn, lãi suất cao và ngắn hạn, chi phí thuê mặt bằng kinh doanh đắt đỏ… nên rất khó cạnh tranh với hàng ngoại, đặc biệt là với sản phẩm tới từ các tập đoàn lớn như Metro, Lotte, Aeon… Trong vòng 2 năm qua, hàng loạt các siêu thị bán lẻ về tay các ông chủ nước ngoài càng khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Theo ông Phạm Ngọc Thành- Giám đốc Cty CP Tư vấn phát triển & Thương mại Phúc Lâm - cho biết: “Doanh nghiệp phải chấp nhận mức chiết khấu lên tới 15% từ khi các hệ thống bán lẻ được chuyển giao về ông chủ mới” đủ cho thấy mức độ ảnh hưởng thế nào tới doanh thu của các doanh nghiệp.

Một số chủ doanh nghiệp khác cũng thừa nhận, nếu muốn cạnh tranh với hàng nước ngoài, nhất thiết phải có hàng Việt trên kệ các chuỗi siêu thị danh tiếng. Thế nhưng, để đặt được hàng Việt lên đó, họ phải chấp nhận mức chiết khấu cao, cùng với nhiều chi phí “không tên” khác như chi phí cho từng vị trí “vàng” trên khu vực trưng bày hàng, hỗ trợ doanh số, tờ rơi, các chương trình khuyến mãi… Trong khi các doanh nghiệp Việt chủ yếu vẫn là vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên rất khó chạy đua cùng hàng ngoại được bảo trợ bởi các tập đoàn kinh tế hùng mạnh.

Đó là chưa kể tới những chi phí không chính thức, khó đặt tên khi theo kết quả nghiên cứu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do VCCI công bố hồi cuối năm 2017 cho biết, có tới 66% số doanh nghiệp được khảo sát đều cho biết đã phải trả những loại phí này. Đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết, khoản chi phí không chính thức có khi lên tới 10%, cao hơn giai đoạn 5 năm trước.

Doanh nghiệp tự làm khó mình

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 diễn ra hồi cuối năm 2017, đại diện VCCI cho biết, việc cắt giảm một số loại phí, lệ phí vẫn còn rất khiêm tốn. Nhiều trường hợp dù đã giảm chi phí cấp phép nhưng khi thực hiện, doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí cao hơn mức nhà nước bỏ ra thực hiện thẩm định cấp phép.

Mặc dù vậy, tín hiệu tốt để các doanh nghiệp có thể đặt niềm tin là việc Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt xóa bỏ, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh do Bộ Công Thương đề xuất, cùng với quyết tâm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm của các bộ, ngành, doanh nghiệp có quyền hi vọng cải thiện các “chỉ số nhũng nhiễu, lót tay…” khi phải thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, hoặc đăng ký kinh doanh.

Ở góc độ chủ quan, có thể nói, một phần khiến hàng hóa Việt phải chấp nhận mức chi phí cao là do chưa tạo được nhu cầu thực sự cho người tiêu dùng bởi cả chất lượng, mẫu mã và giá thành.

Việc các doanh nghiệp Việt chưa đầu tư thích đáng để nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực quản lý để tìm cách hạ giá thành sản phẩm khiến cho người tiêu dùng chủ động chọn lựa các sản phẩm ngoại cùng loại chính là nguyên nhân không nhỏ của bài toán thu hút người Việt dùng hàng Việt.

Vòng luẩn quẩn mức tiêu thụ thấp, giá thành cao, sản xuất cầm chừng với số lượng ít lặp đi lặp lại không chỉ làm cho doanh nghiệp ngày càng “gầy gò, teo tóp” mà còn bóp chật thị trường, “nhường” sân chơi cho hàng ngoại.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, ngoài việc các cơ quan nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, thay đổi những cơ chế gây hạn chế khả năng của doanh nghiệp thì chính doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao năng lực quản lý, chủ động xây dựng chuỗi liên kết để tạo thành chuỗi sản xuất mà ở đó, mỗi doanh nghiệp được phân công theo thừng giai đoạn cụ thể của quy trình, có sự giám sát nghiêm túc từ các cơ quan chức năng thì khi đó, tự nhiên chất lượng sản phẩm nâng cao, hình thức được cải thiện và chi phí sản xuất sẽ giảm, kéo theo giá thành sản phẩm cũng hợp lý hơn.

Một khi đã liên kết được, tạo thành khối sức mạnh cả về nguồn lực lẫn tiềm năng thì các hệ thống phân phối bán lẻ thậm chí còn phải chủ động tìm đến để tiêu thụ, chứ không phải “vật vã” chịu chiết khấu cao như hiện nay.

Theo LĐ

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang