Trong 5 ngày (từ 29/5 - 2/6) đoàn 30 doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm gồm Vinamit, Trung Nguyên, VinEco, Cỏ May, Petrolimex, Sa Giang... đã đến hội chợ quốc tế Thaifex (Bangkok) chào hàng người tiêu dùng Thái. Các doanh nghiệp này mang những sản phẩm nổi bật, là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam như cà phê, nông sản tươi, bánh kẹo, trái cây sấy, các sản phẩm từ dừa, trà sen, bột thực phẩm, sản phẩm từ trái cây, mì, bún, miến, bánh phồng tôm với quyết tâm chinh phục thị trường mà lâu nay Việt Nam phải nhập siêu.

Hàng Viá»t ná» lá»±c chinh phục thá» trÆ°á»ng Thái

Hàng Việt tại Thaifex rất được khách hàng quốc tế quan tâm. Ảnh: T.Quỳnh

Nếu như Vinamit đem các sản phẩm mới như gạo organic, xoài organic, chuối organic, sữa chua khô đến với người Thái thì Cỏ May giới thiệu gạo hữu cơ, Công ty Chế biến thực phẩm Năm Thụy chào hàng tôm khô Tiến Hải, cốm dẹp Trà Vinh, Công ty Betrimex giới thiệu nước dừa, sữa dừa, nước ép dừa.

Bà Đặng Thị Diễm Thúy - phụ trách mảng kinh doanh nội địa Công ty CP Vinamit chia sẻ: Vinamit chỉ đưa sang Thái những sản phẩm mới vừa phát triển và giới thiệu ra thị trường. Lợi thế của những sản phẩm này là hàng tự nhiên, không đường, không có chất bảo quản trong khi các sản phẩm của Thái Lan dùng phẩm màu. Tại hội chợ, sữa chua sấy của Công ty khiến khách tham quan thích thú.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, khá nhiều khách tham quan và doanh nghiệp nước ngoài ngạc nhiên về gạo hữu cơ của Cỏ May, ấn tượng với các sản phẩm từ dừa của Betrimex.

Những ngày qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với khách hàng, nhà phân phối ngay tại hội chợ. Chỉ riêng VinEco, trong ngày khai mạc Thaifex đã tiếp xúc đến 25 khách hàng là doanh nhân.

Tìm hiểu các sản phẩm Việt Nam tại Thaifex, bà Alice Sim Bee Oui - Giám đốc Phát triển Công ty Tai Foong USA cho biết sẽ làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam để qua CJ mua gạo hữu cơ của Việt Nam đưa vào đồ ăn tiện lợi của Tai Foong USA.

Trung Nguyên mang đến hội chợ Thaifex cà phê rang xay với hy vọng có thêm những bạn hàng mới. Ông Nguyễn Xuân Hiếu - phụ trách thị trường khu vực châu Á, châu Phi của Cà phê Trung Nguyên cho biết, năm trước thị trường Thái Lan mang về cho Trung Nguyên 1,5 triệu USD, và năm nay Công ty muốn phát triển lên khoảng 3 triệu USD. Hiện người Thái biết khá rõ về cà phê G7 nhưng chưa rõ về cà phê rang xay của Trung Nguyên. Vì thế, đến Thaifex lần này, Công ty mong sẽ tìm được nhà phân phối cho loại cà phê này.

Hàng Việt Nam đã được doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan tin dùng từ vài năm trước. Năm ngoái, thông qua Central Group, Công ty Nội thất Bình Phú đã ký hợp đồng trị giá 1,2 triệu USD xuất khẩu đồ nội thất cho khách sạn 6 sao tại Bangkok. Trước đó, thương hiệu mỹ phẩm LP Natural Beauty của Công ty Nhật Linh cũng đã đưa sản phẩm tiêu thụ tại các trung tâm thương mại lớn đến chuỗi cửa hàng tiện lợi của Thái Lan.

Mỗi năm, doanh thu từ thị trường này của Nhật Linh tăng gần 20%. Trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, sữa chua và các loại sữa tiệt trùng của Vinamilk đã có mặt tại Thái qua chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson, trung tâm mua sắm và siêu thị Foodland. Kể từ năm 2016, các sản phẩm của Vinamilk đã được bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị Thái thông qua đối tác chiến lược là Công ty Topmost Enterprise Thái Lan.

Với kinh nghiệm nhiều lần đưa đoàn doanh nghiệp Việt tham gia các triển lãm quốc tế tại Thái Lan, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, hàng Thái được tiếng rẻ, đa dạng, phong phú và chất lượng không kém bất cứ đối thủ nào trong khu vực. Tuy nhiên, hàng Việt vẫn có thể cạnh tranh được với hàng Thái, nhất là những mặt hàng thực phẩm, sản phẩm organic. Điển hình như trái cây sấy của Vinamit gần như "đánh bại" sản phẩm của Thái Lan. Rất nhiều khách hàng Nhật sau khi nếm thử sầu riêng sấy của Vinamit đã tròn mắt tâm phục, còn yaourt khô dòn và thơm, tan trong miệng hấp dẫn hơn hẳn các sản phẩm của Thái cùng loại. Tuy nhiên, điểm yếu của sản phẩm Việt là bao bì sản phẩm.

Cùng nhận định này, bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm - quản lý dự án và phát triển kinh doanh của Central Food Retail (công ty con thuộc Central Group) cho rằng, điểm yếu lớn nhất của hàng Việt là bao bì. Người Thái thích những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng bên cạnh đó cũng quan tâm đến mẫu mã đẹp. Điểm yếu thứ hai là các doanh nghiệp Việt thiếu đại lý phân phối trực tiếp tại Thái Lan nên khâu tiếp thị còn hạn chế. Dù các siêu thị có lấy hàng Việt nhưng chưa nhiều, vì vậy cần có các đại lý phân phối để tiếp cận với nhiều nguồn tiêu thụ hơn.

Muốn chinh phục được thị trường Thái Lan, doanh nghiệp Việt Nam cần phải cải thiện 2 điểm yếu trên.

Số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2017, kim ngạch 2 chiều Việt Nam - Thái Lan đạt 15,3 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2016. Tính đến hết tháng 4/2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 19,76% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan đạt 1,7 tỷ USD (tăng 23,5%), kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 3,4 tỷ USD (tăng 16,4% so với cùng kỳ). Việt Nam đứng thứ 12 trong các nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu vào Thái Lan nhưng vẫn là nước nhập siêu từ Thái Lan.

Theo DNSG 

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang