Hiểu tập quán tiêu dùng để chinh phục thị trường ngoài nước

Hiểu tập quán tiêu dùng để chinh phục thị trường ngoài nước

Trước xu thế hội nhập, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang dần chiếm lĩnh thị trường nước ngoài và có mức tăng trưởng tốt trong năm 2017.


Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi lưu thông bởi những quy định chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu, cũng như tập quán tiêu dùng của người dân các nước. Do đó, giải pháp để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam thâm nhập thị trường nước ngoài dễ dàng hơn đã được cả nhà chức năng và doanh nghiệp quan tâm hơn trong chiến lược xuất khẩu năm 2018.

thuy.jpg
Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Hiểu tập quán tiêu dùng

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tập quán tiêu dùng của người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Với các thị trường "khó tính" cũng không ngoại lệ. Khi nhu cầu về an toàn sức khỏe và an toàn môi trường sống càng được quan tâm, thì sự tiếp nhận nguồn thực phẩm phục vụ cho cộng đồng càng khắt khe.

Ông Bùi Vũng Thêm, Chánh Văn phòng Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA), mỗi giai đoạn người tiêu dùng sẽ thay đổi thòi quen và tập quán tiêu dùng. Vì vậy, trước khi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, nhu cầu tiêu dùng của thị trường đó. Với các sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm đồ gỗ nói riêng cũng không ngoại lệ. Khoảng 5 năm trước đây, người tiêu dùng tại thị trường Mỹ và châu Âu thường chọn sản phẩm gỗ từ các loại gỗ cứng, mẫu mã có thể sản xuất số lượng lớn và đại trà. Nhưng hai năm gần đây, vì nhu cầu tiết kiệm diện tích, sử dụng một sản phẩm đa chức năng và mẫu mã phải độc quyền thì mới dễ dàng tiêu thụ.

Để có thể nắm được thông tin và tập quán tiêu dùng, với các doanh nghiệp vốn không phải dễ dàng. Một trào lưu tiêu dùng sẽ được khởi xướng bởi một nhóm người tiêu dùng. Với thị trường nước ngoài, công tác thu thập thông tin thị trường vốn không dễ,. Vì vậy, để công tác sản xuất, xuất khẩu thực hiện tốt, phải có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng từ khâu xúc tiến thương mại, marketing và phân tích thị trường trước khi sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước những nỗi lo của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã có động thái hỗ trợ doanh nghiệp và nguồn tin tiêu dùng tại các thị trường Mỹ, Australia, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Ông An Thế Dũng, Trưởng đại diện Trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York (Mỹ) nhấn mạnh, Bộ Công Thương cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế. Thông qua những hội chợ này, các doanh nghiệp có thể quan sát phong cách tiêu dùng của người dân quốc gia đó. Từ đó, có thể lập kế hoạch sản xuất phù hợp.

Mặt khác, tập quán tiêu dùng của người dân còn được thể hiện qua các phương tiện thông tin, truyền thông của quốc gia đó. Hiện Việt Nam có nhiều sản phẩm xuất khẩu, người tiêu dùng cũng đa dạng. Để thuận lợi hơn trong việc cung cấp thông tin tiêu dùng của các tham tang thương mại Việt Nam tại các thị trường quốc tế, mỗi doanh nghiệp phải đăng ký cụ thể từng mặt hàng, và cả kế hoạch sản xuất để cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ hơn.

"Các doanh nghiệp muốn đẩy mạnh mặt hàng của doanh nghiệp nghiệp mình tại thị trường nước ngoài, cũng phải hiểu rõ quá trình sản xuất, cũng như nguồn nguyên liệu làm ra sản phẩm tại quốc gia đó. Những người dân châu Âu ưa chuộng chocolate, nhưng họ chỉ có công nghệ chế biến, hầu như thiếu nguyên liệu để phục vụ cho chế biến. Trong khi đó, sản lượng ca cao làm nguyên liệu sản xuất chocolate là thế mạnh của Việt Nam, có thể cung cấp nguyên liệu để phục vụ cho những thị trường này. Khi các doanh nghiệp hiểu rõ thì có thể liên kết trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài để hợp tác sản xuất và xuất khẩu.", ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ chia sẻ.

thanh.jpg

Sơ chế thanh long tại Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Lấy lòng tin làm tiền đề
 

Bên cạnh việc nắm vững thông tin tiêu dùng của thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp cũng cần phải có thêm nhiều phương pháp thâm nhập thị trường khác, bởi người tiêu dùng thế giới vốn đa dạng và nhiều phân khúc khác nhau. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đã “điêu đứng” trước những rào cản kỹ thuật, cũng như rào cản thương mại khi hàng hóa Việt Nam muốn lưu thông trên thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng nước ngoài, đặc biệt là những thị trường "khó tính", đó không phải là rào cản dành cho hàng hóa, mà chính là những tiêu chuẩn để bảo vệ người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney (Australia) chia sẻ, thị trường Australia vốn là thị trường mở và sẵn sàng hạ thuế xuất nhập khẩu xuống chỉ còn từ 0% đến 5%. Tuy nhiên, chỉ những hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp Australia đưa ra mới được lưu hành trên thị trường. Không riêng các doanh nghiệp nhập khẩu vào Australia, mà chính những doanh nghiệp của nước Australia cũng phải tuân thủ nghiệm ngặt, chặt chẽ thì mới có thể tồn tại được ở thị trường này.

Do đó, điều kiện để các doanh nghiệp của chính nước Australia phát triển là chữ tín, tạo lòng tin vững chắc với người tiêu dùng, thương hiệu được xây dựng rõ ràng, minh bạch. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào sân chơi thị trường thế giới, cũng phải tạo được lòng tin và những tiêu chuẩn cao, an toàn cho con người, môi trường như vậy.

Khi làm được những tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt Nam có thể mạnh dạn đi vào thị trường Australia. Ngược lại, khi doanh nghiệp Việt Nam tôn trọng người tiêu dùng trong nước giống như nước Australia, thì cũng có thể mạnh dạn yêu cầu sản phẩm chất lượng nhập khẩu từ các quốc gia khác, và bắt buộc họ phải tuân thủ. Trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam chưa hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn của người tiêu dùng thế giới, chỉ còn giải pháp là chính phủ hai bên trực tiếp đàm phán, thương lượng để tháo gỡ rào cản cho cả hai cùng có lợi.

Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp rất nghiêm túc trong sản xuất và xuất khẩu. Riêng tại tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã chú trọng vào chất lượng con tôm nhiều hơn, đẩy mạnh sản xuất tôm sinh thái và tôm hữu cơ, phục vụ cho thị trường tiêu dùng nước ngoài, mang về kim ngạch 1,17 tỷ USD trong năm 2017. Đây là tiến bộ vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường nước ngoài về sản phẩm thủy sản, nâng cao uy tín của con tôm Việt Nam. 

Tuy nhiên, để thuận lợi hơn, phía doanh nghiệp Việt Nam cũng cần biết được thêm thông tin của thị trường nước ngoài, ngoài nhu cầu hiện thời của người tiêu dùng, thông tin của các doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược sản xuất và cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Khi làm được những điều này, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản Việt Nam sẽ dễ dàng vượt khó, vươn tới chất lượng cao hơn phục vụ thị trường thế giới, nâng tầm giá trị của sản phẩm Việt.

Theo TTXVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang