Đi một vòng khu vực làng Địa Linh, khi được hỏi người làm nghề ông Táo nổi tiếng nhất ở đây thì ai ai cũng nói nhà ông Võ Văn Lạc. Sau một hồi tìm kiếm thì chúng tôi tìm vào được nhà ông nhưng tiếc rằng ông đã qua đời và người kế nghiệp làm ông Táo hằng năm là ba người con trai của ông là các anh: Võ Văn Đức, Võ Văn Nam và Võ Văn Hay. Tất cả đều là con trai ruột ông Lạc. Hiện, nghề làm ông Táo ở làng nghề Địa Linh nói riêng và ở Huế nói chung chỉ còn gia đình ba anh em ruột này làm.
Gia đình ba anh em ruột quyết tâm giữ nghề làm ông Táo của cha ông để lại.
Bước vào nhà anh Nam, trước mắt chúng tôi là rất nhiều hình ông Táo đã thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường. Trong không gian chật hẹp đó, những tiếng gõ phạch phạch vang lên là từng sản phẩm cho ra hình ông Táo. Anh Nam cho biết: “Gia đình tôi làm nghề ông Táo đã được nhiều năm rồi, từ thời ông nội mấy đứa cho tới giờ đã được mấy chục năm. Bây giờ, ông mất đi thì ba anh em tôi nối nghiệp, muốn giữ nghề truyền thống của cha ông cũng như nghề của địa phương chứ bây giờ người ta bỏ hết vì làm không có ăn”.
Phơi khô là công đoạn quan trọng khi nhờ vào điều kiện của thời tiết.
Nghề làm ông Táo mang lại lợi nhuận thấp, mỗi ngày gia đình anh Nam làm được 500 – 600 ông Táo, mỗi ông Táo như vậy bán ra cho các đầu mối ở chợ chưa được 1 nghìn đồng mà phải chi phí cho đủ thứ như tiền mua đất sét, mua sơn, mua túi ni lông…. Tuy nghề này cũng không nặng nhọc lắm nhưng cũng rất công phu và mất nhiều thời gian. Để thành thành phẩm bán ra thị trường phải trải qua rất nhiều công đoạn: chọn đất sét, nhào đất, dập khuôn (in ra hình ông táo), phơi khô, nung và sơn màu.
Quá trình nung ông công, ông Táo phải mất gần một tuần.
Ông Táo được người ta chú trọng sắp đặt kĩ càng, ngăn nắp trong lò nung.
Cứ đến mùa các gia đình này sản xuất ra khoảng 70.000 tượng ông Táo để cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, họ đã cải thiện mẫu mã cũng như màu sắc ông Táo thêm phần đa dạng để có thể thu hút được khách hàng và góp phần tăng giá cả kiếm thêm lợi nhuận, trang trải cuộc sống gia đình.
Công đoạn nhẹ nhàng những cũng cần sự khéo léo.
Nói đến việc tại sao các gia đình ở đây lại dần bỏ nghề, anh Đức chia sẻ: Trước hết do công việc việc vất vả, trải qua nhiều công đoạn nhưng thu nhập lại thấp. Những gia đình khác con họ toàn đi làm ăn xa nên cũng không đủ người để làm nên đa phần nhiều hộ dân họ chuyển nghề hoặc đi buôn bán.
Các sản phẩm đã hoàn thành chuẩn bị đưa ra thị trường.
Theo tín ngưỡng của người Việt Nam, Táo quân được xem là vị thần cai quản việc bếp núc và luôn được thờ ở gian bếp mỗi gia đình. Vào ngày 23 tháng chạp (âm lịch) hằng năm người dân sẽ đưa ông Táo về trời.
Khuôn in tượng ông Táo đã cùng anh Nam và gia đình giữ lại nghề của cha ông và địa phương.
Những đôi tay khéo léo làm ra ông Táo sắc sảo phục vụ cho người mua, tạo sự may mắn.
Những khó khăn, vất vả với việc không mang lại lợi nhuận đã khiến nhiều gia đình ở đây phải bỏ nghề, nhưng đối với gia đình ba anh em này việc giữ được nghề truyền thống của gia đình, của quê hương cũng chính là giữ cho mình cái gốc văn hoá tốt đẹp ngàn đời.
Theo Công luận