Những cái tên “một thời vang bóng” như Phở 24, Nhựa Tiền Phong, Metro Việt Nam… cứ nổi lên rồi lại chìm dần sau những thương vụ sáp nhập. Trong đó có nguyên nhân từ sự thâm nhập của người Thái Lan càng ngày càng mạnh mẽ thực sự dấy lên những quan ngại đối với các DN Việt ngay tại chính sân nhà.
Sáp nhập, mua bán thương hiệu là hệ quả tất yếu của hội nhập.
Ngay sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC đăng ký bán toàn bộ hơn 24,1 triệu cổ phần nắm giữ tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), DN nhựa của Thái Lan có tên The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd đã nhảy vào đăng ký tham gia đấu giá và trở thành cổ đông lớn nắm giữ hơn 16,7 triệu cổ phiếu BMP, tương đương hơn 20,4% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh.
Đến thời điểm này, Công ty CP Nhựa Bình Minh đã chính thức lọt vào tay Tập đoàn SCG (Thái Lan) khi đơn vị này nâng tỉ lệ sở hữu lên 50,12%. Sau khi sở hữu Nhựa Bình Minh, ông chủ người Thái Lan đã quyết định mua toàn bộ nguyên liệu PVC để sản xuất thành phẩm từ Công ty TPC Vina thuộc Tập đoàn SCG.
Những động thái này đang bộc lộ rõ ràng rằng, Tập đoàn SCG đang dần thâu tóm toàn bộ chuỗi ngành nhựa của Việt Nam từ nguyên liệu, sản xuất cho đến phân phối, bán hàng. Mới đây nhất, thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage, ThaiBev (thuộc sở hữu của TTC Holdings) chi 110.000 tỷ đồng (xấp xỉ 4,8 tỷ USD) mua cổ phần bia Sài Gòn – Sabeco.
Tiếp sau sự thâu tóm Metro Việt Nam, Big C cùng nhiều những tên tuổi khác, người Thái Lan dường như đang minh chứng cho chúng ta thấy rõ rằng, họ đang ngày càng lớn mạnh và sẵn sàng “nuốt gọn” DN Việt Nam ngay tại trên sân nhà ở bất kỳ thời điểm nào.
Đáng chú ý, không chỉ lĩnh vực bán lẻ như chúng ta đã chứng kiến, Thái Lan tham gia hầu hết các “chiến trường” từ hàng tiêu dùng nhanh, năng lượng sạch, dược phẩm cho đến bất động sản, viễn thông…
Đặc biệt, nhà đầu tư Thái sẽ không chịu đứng ngoài cuộc khi các doanh nghiệp lớn như MobiFone, PV Oil, Satra, Becamex IDC… bán cổ phần lần đầu ra công chúng.
Theo ông Lê Đăng Doanh khi đã chiếm được tỉ lệ áp đảo, nhà đầu tư Thái sẽ giữ quyền quyết định và dẫn đến những hệ lụy chưa thể lường trước.
“Một điều chúng ta đang lo lắng bấy lâu có thể xảy ra, đó là khi đã giữ quyền chi phối, DN Thái sẽ kiểm soát khu vực phân phối, đưa hàng Thái vào thay thế hàng Việt” – ông Doanh nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, bằng mọi giá, mỗi DN cần phải tìm cách tạo nên được thương hiệu và khi đã gây dựng được rồi, giữ gìn và bảo vệ thương hiệu đó là “lá bùa hộ mệnh” của chính DN.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang lại cho rằng, không nên quá đặt nặng vấn đề giữ thương hiệu Việt cho người Việt mà quan trọng là hiệu quả kinh tế và đóng góp gì cho sự phát triển của DN và cả nền kinh tế.
Do đó, để tồn tại và cùng phát triển với các ông chủ Thái, ông Quang đề xuất, DN Việt nên khai thác quan hệ 2 chiều theo cách thức “tương kế tựu kế” với họ để cùng phát triển.
Theo vị chuyên gia thương hiệu, trong bối cảnh kinh tế hội nhập, câu chuyện sáp nhập, mua bán diễn ra trên thương trường là điều hết sức bình thường.
Ở đó, những DN lớn, mạnh thâu tóm dần những DN nhỏ, yếu thế hơn đó là quy luật thương trường. Cũng giống như chúng ta nhìn thấy người Mỹ, Nhật Bản, EU đi thôn tính thị trường ở các quốc gia khác, đặc biệt là ở những thị trường mới nổi. Điều này chỉ làm cho nền kinh tế thêm sôi động và phát triển theo hướng cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Theo ĐĐK