Vào Việt Nam từ năm 2014, Uber tạo nên cả một trào lưu khi mang công nghệ, dịch vụ giá rẻ và tiện ích cho khách hàng đồng thời mở ra cơ hội làm giàu cũng như tận dụng xe nhàn rỗi của hàng chục nghìn lái xe. Tuy nhiên, những nỗ lực quản lý của cơ quan chức năng, sự thích ứng nhanh nhạy của đối thủ cùng đòn phản công của các hãng taxi truyền thống khiến Uber không còn duy trì được lợi thế và buộc phải tăng cước, giảm chiết khấu cũng như thưởng với lái xe đồng thời đối mặt với lệnh truy thu thuế của cơ quan chức năng. Những lái xe ban đầu đến với Uber chỉ để làm thêm “đỡ tiền xăng” mà không bị bất cứ ràng buộc nào nay phải đáp ứng đủ các quy định của một lái xe taxi chính hiệu và thu nhập cũng không còn xông xênh như trước.
Uber gặp nhiều khó khăn tại thị trường Việt Nam. Ảnh: PV
Chia sẻ với báo Lao Động, anh Tuấn Anh - một cựu tài xế Uber tại Hà Nội - cho biết mới quyết định chia tay Uber sau hơn 1 năm gắn bó. “Có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là lượng khách giảm khá nhiều trong khi hiện nay xe Uber hiện bị cấm tại nhiều tuyến đường tại Hà Nội giống taxi truyền thống nên việc bắt và trả khách khó khăn hơn” - anh Tuấn Anh chia sẻ.
Vẫn tiếp tục chạy xe Uber nhưng anh Trần Nam, một tài xế khác không khỏi lo lắng khi nhiều quy định siết xe Uber đã và sẽ được áp dụng. Theo đề xuất của Bộ GTVT, nghị định mới về kinh doanh vận tải bằng ôtô sẽ đưa ra nhiều quy định bắt buộc như xe Uber, Grab phải dán logo với kích thước tối thiểu 90mm x 80mm (dài x rộng), gửi hóa đơn điện tử tới cơ quan thuế…
Bên cạnh đó, Uber cũng chưa giải quyết được câu chuyện lùm xùm với Cục thuế TPHCM sau khi bị toà án nhân dân TPHCM bác đơn kiện. Trong năm 2017, Cục thuế TPHCM đã ra quyết định truy thu 66,68 tỉ đồng với Uber. Sau đó, Uber đã đóng số tiền hơn 13 tỉ đồng, số tiền còn lại chưa thu được là khoảng 53 tỉ đồng.
Chưa thu được thuế, Cục thuế TPHCM đã gửi văn bản yêu cầu 5 ngân hàng thương mại để thực hiện cưỡng chế tài khoản Uber B.V trong 10 ngày (1.1.2018 đến 10.1.2018).
Theo LĐ