Kiên Giang nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu

Kiên Giang nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu

Kiên Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ nay đến năm 2020, định hướng năm 2030, tỉnh này nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu, nhất là những sản phẩm hàng hóa chủ lực có tiềm năng, lợi thế.

 


Xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức 

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt kết quả tích cực, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm bình quân hơn 540 triệu USD; trong đó, hàng nông sản gần 355 triệu USD/năm, thủy sản gần 150 triệu USD/năm, còn lại là các sản phẩm hàng hóa khác.

Những sản phẩm xuất khẩu chủ lực là gạo 820.000 tấn/năm, tôm đông hơn 3.000 tấn/năm, mực và bạch tuộc đông 2.600 tấn/năm, cá cơm sấy 450 tấn/năm, đồ hộp khoảng 22 triệu lon,… 

 

120703_161351-kien-giang-giong-lua-nhat-cho-hieu-qua-kinh-te-cao.jpg

Kiên Giang phát triển giống lúa Nhật có giá trị xuất khẩu cao. Ảnh: Lê Sen - TTXVN


Kiên Giang hiện có 36 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp nông sản chiếm 60%, thủy sản chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh hàng năm là gạo và thủy sản; còn lại các doanh nghiệp xuất khẩu qua đường bộ biên giới tiếp giáp với Campuchia. 

Nếu năm 2011, các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất sang gần 30 quốc gia thì đến nay mở rộng hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, hình thành các thị trường trọng điểm, truyền thống kim ngạch xuất khẩu cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore, Trung Quốc và các nước Châu Âu, Châu Phi,… 

Ông Ngô Công Tước - Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện cho các mặt hàng chủ lực của tỉnh cùng với cả nước chiếm lĩnh được nhiều thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nam Phi,… góp phần tiêu thụ hàng hóa, tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy sản xuất và phát triển thương mại. 

Tuy nhiên, hoạt động và các mặt hàng xuất khẩu của Kiên Giang hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi rào cản kỹ thuật từ những thị trường nhập khẩu và sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và thế giới như Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan,…

Trong khi đó, các sản phẩm xuất khẩu của Kiên Giang phần lớn là chế biến thô, chưa có thương hiệu, sức cạnh tranh thấp; hệ thống cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hoạt động xúc tiến chưa thực sự đạt kết quả, kim ngạch xuất khẩu những năm gần đây có xu hướng giảm, phát sinh nhiều bất cập. 

Nâng cao sức cạnh tranh 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn khẳng định, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gần 2 lần năm 2010, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 10% đến năm 2030. 

Tỉnh sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm đang có lợi thế về khả năng cạnh tranh trong nước, khu vực và thế giới gồm: gạo, tôm, các loại thủy sản, nước mắm và một số sản phẩm hàng hóa có tiềm năng khác như may mặc, giày da, gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, xi măng, khóm (dứa), hồ tiêu.

Mục tiêu là nâng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô dựa trên việc ứng dụng các tiến bộ về khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Theo đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu được gắn với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tỉnh; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định, nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và hiệp hội ngành hàng đóng vai trò hỗ trợ, liên kết các doanh nghiệp hội viên. 

Mục tiêu đến năm 2020, Kiên Giang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 780 - 1.000 triệu USD; nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu như: gạo các loại 1 triệu tấn, tôm đông 6.400 tấn, cá đông 3.800 tấn, mực và bạch tuộc đâong 15.000 tấn, nước mắm 310.000 lít, hải sản đông khác 20.000 tấn, giày da 13,2 triệu đôi,.; trong đó, tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đến 50%; có ít nhất 2 doanh nghiệp xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. 

Năm 2030, Kiên Giang kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 10%/năm gia đoạn 2021 - 2030; nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu như: may mặc, giày da, hàng thủ công mỹ nghệ, rau quả, hồ tiêu,…; ít nhất 4 doanh nghiệp xuất khẩu có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. 

Để đạt những mục tiêu này, Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho chế biến xuất khẩu. 

Tỉnh đã tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị đối với ngành hàng xuất khẩu chủ lực và ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng và thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và khu vực đối với những sản phẩm hàng hóa chủ lực - ông Mai Anh Nhịn chia sẻ. 

Cùng đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp thực thi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh; chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng có thế mạnh, đặc biệt là gạo và tôm; chú trọng triển khai chiến lược về chất lượng sản phẩm, chi phí thấp, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn nguồn nhân lực; tìm kiếm cơ hội và phát triển thị trường, từng bước đưa sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đến người tiêu dùng, khẳng định uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. 

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại 

Ông Ngô Công Tước - Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho hay, một trong những giải pháp chủ đạo nâng cao sức cạnh tranh hàng xuất khẩu của tỉnh là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; trong đó, tập trung củng cố các thị trường truyền thống; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tại các nước mà Việt Nam tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do. 

Thông qua các hoạt động thông tin đối ngoại, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, chú trọng công tác tiếp thị, quảng bá giới thiệu sản phẩm; lồng ghép các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh với vùng, miền và cả nước. Tận dụng lợi thế về thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, tiềm năng theo lộ trình giảm thuế tại các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và mở rộng các thị trường tiềm năng. 

Kiên Giang còn phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các ngành có lợi thế xuất khẩu như nông sản, thủy sản, giàu da,…; đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư xây dựng logistics về kho, bãi, dịch vụ vận chuyển,… nâng cấp cơ sở hạ tầng về chợ, siêu thị,… 

Năng lực canh tranh được nâng cao thông qua việc thực hiện hiệu quả tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đến năm 2020; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế; nâng cao điểm số và thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp ở nhóm đầu cả nước. 

Kiện Giang tập trung xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, trung tâm nghề cá của tỉnh và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên; hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động của doanh nghiệp; đẩy mạnh mối liên kết giữa người sản xuất, cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào với doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu khoa học, nhằm tổ chức hiệu quả chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất nguyên, vật liệu đầu vào đến khâu tổ chức sản xuất hàng hóa xuất khẩu đạt hiệu quả. 

Nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang có nguồn nguyên liệu phong phú và đa dạng phục vụ sản xuất chế biến hàng hóa xuất khẩu. Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt 750.000 tấn trở lên; sản lượng lúa 4,5 triệu tấn.

Ngoài ra, một số ngành công nghiệp mới phát triển như: giày da, may mặc, gỗ,… được hình thành với quy mô lớn, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh này./. 

Theo TTXVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang