Nhiều chuyên gia nhận định, dù kinh tế toàn cầu vẫn còn đối mặt với nhiều bất ổn, nhưng với quyết tâm tháo gỡ khó khăn cùng các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, kinh tế Việt năm 2025 sẽ có tăng trưởng tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trung và dài hạn.
Kỳ vọng từ những tín hiệu vui
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, những tín hiệu tích cực từ trong và ngoài nước đang mở ra triển vọng cho một năm tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Báo Thanh tra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, gần đây nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Việc kiểm soát lạm phát hiệu quả, duy trì ổn định tỷ giá và tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển.
“Nền kinh tế nội địa với sức tiêu dùng ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu mở rộng là cơ sở vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Các ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản và du lịch cũng được kỳ vọng duy trì đà phát triển mạnh mẽ trong năm 2025”, ông Thịnh nhận định.
Kinh tế Việt năm 2025 được dự báo sẽ có tăng trưởng tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trung và dài hạn. Ảnh: VGP
Vẫn theo chuyên gia, mặc dù kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn, Việt Nam vẫn có cơ hội lớn từ sự phục hồi thương mại quốc tế. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu (EU). Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP tiếp tục mang lại lợi thế cạnh tranh về thuế quan, mở ra cơ hội xuất khẩu đáng kể cho doanh nghiệp.
Đáng chú ý, ông Thịnh nhận định việc ông Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng sẽ vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Trong nhiệm kỳ trước, các chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump đã có tác động lớn đến kinh tế toàn cầu, bao gồm Việt Nam.
“Nếu ông Trump tiếp tục áp thuế cao lên hàng hóa từ Trung Quốc và Mexico, Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ lợi thế cạnh tranh về giá cả. Các mặt hàng xuất khẩu như cá tra, cá basa với giá thành thấp hơn cá Mỹ và Trung Quốc sẽ có cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ”, ông Thịnh lạc quan.
Thống kê cho thấy, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 98,4 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, chiếm trên 29% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việc Fed giảm lãi suất khiến đồng USD suy yếu, khuyến khích tiêu dùng tại Mỹ và tạo lực đẩy cho xuất khẩu Việt Nam.
“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tiềm năng từ thị trường Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh”, ông Thịnh nói thêm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 được đánh giá tích cực, nhờ vào các yếu tố nội tại mạnh mẽ và sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,6%, trong khi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) kỳ vọng mức tăng trưởng đạt 6,2%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nghị quyết của Quốc hội cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7%, với kỳ vọng đạt 7-7,5% nếu điều kiện thuận lợi.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông Long cho rằng, các giải pháp đột phá như cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ tài khóa cho doanh nghiệp và người dân cần được triển khai quyết liệt hơn nữa. Trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 xuống còn 3,2% do căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến xuất khẩu và đầu tư.
PGS.TS Ngô Trí Long. Ảnh: N.T.L
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính nhận định một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là việc cải cách bộ máy nhà nước. Những chính sách chống lãng phí và tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều thay đổi tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Theo ông Long, tinh gọn bộ máy không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng chồng chéo chức năng mà còn nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành. Điều này vừa tiết kiệm ngân sách, vừa tăng tính minh bạch và hiệu quả, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư. Một bộ máy vận hành gọn nhẹ nhưng hiệu quả sẽ giảm bớt gánh nặng hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Đồng thời, các chính sách tăng cường minh bạch và chống tham nhũng đang góp phần loại bỏ những trở ngại lớn đối với môi trường kinh doanh, như chi phí không chính thức hay sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Chính những cải cách này đã và đang thu hút các tập đoàn lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư ưu tiên tiêu chí minh bạch. Một hệ thống minh bạch hơn còn giúp củng cố lòng tin giữa chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực công cũng là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ giảm áp lực lên ngân sách, nguồn lực được tập trung đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng, giáo dục, và công nghệ. Một môi trường kinh doanh ít rào cản hành chính và chi phí lãng phí sẽ giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong việc thu hút dòng vốn FDI so với các quốc gia trong khu vực.
Cùng với đó, các chính sách tinh gọn và chống lãng phí không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững. Việc sử dụng ngân sách hiệu quả hơn sẽ tạo điều kiện để đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, đảm bảo tăng trưởng gắn liền với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Một bộ máy vận hành hiệu quả cũng giúp chính phủ tập trung vào các mục tiêu dài hạn, như phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng hiện đại và thúc đẩy chuyển đổi số.
“Từ những điều đã nêu trên, dù đối mặt với những thách thức từ môi trường kinh tế toàn cầu, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 vẫn khả quan nhờ vào các yếu tố nội tại mạnh mẽ và chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.
Kịch bản tăng trưởng nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã đưa ra hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Ở kịch bản thận trọng, GDP được dự báo tăng trưởng từ 6,8-7,3%, trong khi lạm phát giữ ở mức 3,2-3,5%. Trong kịch bản tích cực hơn, GDP có thể đạt từ 7,3-7,8%, với lạm phát dao động trong khoảng 3,5-3,8%.
Theo ông Thịnh, hai kịch bản này phản ánh tiềm năng của Việt Nam trong việc duy trì đà tăng trưởng ổn định, bất chấp những thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu. Sự khác biệt giữa hai kịch bản phụ thuộc vào hiệu quả của các chính sách hỗ trợ và cách ứng phó với biến động kinh tế trong thời gian tới.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: VGP
Trước đó, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) đã công bố dự báo kinh tế Việt Nam cho quý IV/2024 và năm 2025, với những tín hiệu tích cực từ kết quả tăng trưởng trong quý III/2024. GDP thực tế của Việt Nam tăng mạnh 7,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa dự báo trung bình của thị trường (6,1%) và mức dự báo của UOB (5,7%). Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý III/2022, thời điểm các hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Kết quả ấn tượng này đã góp phần nới rộng mức tăng trưởng 7,09% trong quý II (sau điều chỉnh), đưa tăng trưởng tích lũy 9 tháng đầu năm 2024 lên 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, những con số trên đạt được bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ cơn bão Yagi, cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
“Đối với năm 2025, chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,6%”, đại diện UOB nhận định, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách kinh tế linh hoạt và kịp thời để tận dụng tối đa các cơ hội, đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế, đánh giá Việt Nam hiện đang khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng quan trọng. Các yếu tố truyền thống như đầu tư công, đầu tư tư nhân và xuất nhập khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì sự ổn định kinh tế. Bên cạnh đó, các động lực mới đang nổi lên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển du lịch đang dần trở thành những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phân cấp quản lý, giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện để các địa phương phát huy tối đa tiềm năng sẵn có. Việc khai thác tốt nguồn lực và sáng tạo từ từng khu vực sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
“Với kịch bản tích cực, GDP Việt Nam có thể tăng trưởng từ 7,5-8% vào năm 2025, một mức tăng trưởng đầy triển vọng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt”, ông Lạng chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng. Ảnh: N.T.L
Tuy vậy, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái toàn cầu, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cần tập trung điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và thận trọng. Ngân hàng Nhà nước nên thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Việc điều chỉnh lãi suất và tỷ giá cần phải phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo sự cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, nhằm tạo động lực cho nền kinh tế. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số và năng lượng tái tạo.
Chính phủ cũng cần triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế, phí và lãi suất vay, nhằm giảm chi phí sản xuất và thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển sản xuất kinh doanh.
Để đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động mất việc làm, người nghèo và các đối tượng yếu thế, qua đó duy trì trật tự xã hội trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần chú trọng phát triển các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển các ngành công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Những chính sách trên cần được triển khai đồng bộ nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động phức tạp, khó lường”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.