Bà Đèo Thị Sớp bên gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc sản thịt sấy được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Gia đình bà Đèo Thị Sớp, ở tổ 9, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, đã có tới 30 năm làm và bán thịt sấy. Thịt sấy là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái khu vực Tây Bắc. Món thịt sấy đầu tiên chỉ xuất hiện trong một bộ phận nhỏ người Thái sinh sống lâu đời, được các cụ truyền lại cho con cháu và chỉ có vào những dịp Lễ, Tết.
Để bắt nhịp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại, những năm gần đây thịt sấy được sản xuất và bán ra thị trường đều đặn, với số lượng ổn định. Bà Sớp cho biết, là người con dân tộc Thái, bà quyết tâm giữ gìn, phát huy những món ăn mang đậm nét ẩm thực truyền thống của bản làng. Thấu hiểu những lo lắng của khách hàng về chất lượng sản phẩm cũng như các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, gia đình bà đã đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất công nghệ mới, hoàn toàn khép kín, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng cho sản phẩm.
Bà Đèo Thị Sớp thực hiện quy trình sấy thịt
Bà cho biết, cơ sở đã thu mua thịt tươi của giống lợn địa phương, chế biến, sấy theo quy trình cần thận, tỉ mỉ và bí quyết gia đình truyền lại. Thịt sấy cung cấp ra thị trường luôn đảm bảo các tiêu chí: ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có hương vị đặc sắc riêng.
Những bắp thịt trâu hay thịt lợn được chọn lọc kỹ càng, lấy phần bắp nạc, xẻ từng miếng dày, vuông vắn sau đó rửa sạch, sơ chế, tẩm ướp những gia vị đặc trưng của núi rừng như: bột thảo quả, bột tiêu, mắc khén, hạt dổi, bột ớt, rượu ngon và các loại gia vị khác.
Hiện tại, cơ sở sản xuất Ninh Sớp của bà Đèo Thị Sớp đã có 2 sản phẩm: thịt trâu và thịt lợn sấy khô được UBND tỉnh Lai Châu công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Sau khi đưa sản phẩm về Hà Nội trưng bày, giới thiệu đã có một số siêu thị, nhà hàng liên hệ để liên kết sản xuất, tiêu thụ. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng trong nước biết tới cũng mua sản phẩm của gia đình bà, mang đi nước ngoài làm quà biếu.
Phát huy thế mạnh của sản phẩm vùng miền núi
Tại toạ đàm: "Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới", tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho biết: Nâng sản phẩm hàng hoá của vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số lên tầm cao mới, chính là sự "chuyển đổi về nhận thức và tư tưởng phát triển". Đồng thời, sản phẩm ở đây không đơn thuần là hàng hoá, mà nó còn là truyền thống, văn hoá, tập tục hấp dẫn. Đây chính là lợi thế của sản phẩm hàng hoá vùng dân tộc thiểu số.
Để phát huy hơn nữa thế mạnh này, theo ông Võ Trí Thành, nâng sản phẩm lên tầm cao mới, trước tiên phải đáp ứng được xu hướng tiêu dùng mới, xu hướng xanh, an toàn, sạch sẽ, đảm bảo tính nhân văn gắn với tư tưởng phát triển, gắn với truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, các sản phẩm độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số cần gắn bó chặt chẽ trong hệ sinh thái để hỗ trợ được tốt hơn. Bà con có thể tận dụng các chương trình hỗ trợ đang triển khai, đồng thời đòi hỏi phải tận dụng công nghệ số; kỹ năng, cách thức quảng bá thương hiệu và đặc biệt là tận dụng sự hỗ trợ từ các hệ thống phân phối lớn trong nước cũng như nước ngoài để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh và bền vững hơn.