Kinh tế khó dự báo
Khi đánh giá khái quát về kinh tế Việt Nam trong suốt 2 năm đại dịch vừa qua, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) - cho rằng:
Thứ nhất, Việt Nam không phải ngoại lệ trong “trận cuồng phong” của đại dịch COVID-19, gây ra khủng hoảng kép cho toàn cầu, mà trước tiên là khủng hoảng y tế, kéo theo khủng hoảng kinh tế xã hội.
Năm 2022, việc dự báo kinh tế là không dễ, trong khi thế giới còn nhiều bất định, trắc trở và có những cú sốc khó lường (ảnh minh hoạ)
Thứ hai, nếu nhìn cả hai năm 2020 – 2021, bức tranh của kinh tế Việt Nam cũng có những điểm nhấn nhá khác với tình hình chung của kinh tế thế giới. Đây là hai năm tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp nhất trong lịch sử 35 năm đổi mới đất nước, một năm tăng 2,9%, một năm tăng 2,6% (làm tròn). Riêng năm 2020 mặc dù tăng trưởng rất thấp, nhưng lại được coi như là điểm khá trong bức tranh xám xịt của kinh tế thế giới đang suy thoái nặng nề. Còn năm 2021, Việt Nam tăng trưởng thấp, nhưng trong một bức tranh khác của kinh tế thế giới, đó là khi đà phục hồi đã mạnh mẽ, mà theo IMF dự tính là gần 6%. Đó là điều khác biệt của Việt Nam so với toàn cầu.
Thứ ba, năm 2021, chúng ta chịu tác động hết sức nghiêm trọng của đại dịch và trong một chừng mực nào đó, cách ứng xử, phản ứng đối với dịch bệnh, cũng như đối với nền kinh tế có những điều tiếc nuối như: Một là đã để cho vaccine về chậm. Mặc dù từ tháng 8/2021 đến nay, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất và độ phụ ở trong top 10 của thế giới. Hai là, các gói hỗ trợ không được ráo riết, quyết liệt triển khai. Cho đến bây giờ, Chính phủ mới đang bàn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thì sẽ là bị chậm.
Như vậy, cùng với ứng xử với dịch bệnh trong việc tiêm vaccine, rồi xử lý biến thể mới, các gói hỗ trợ hai năm qua tương đối nhỏ so với nhiều nước và việc thực thi chưa thật hiệu quả, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tiếp cận được với các gói hỗ trợ thấp, khiến chúng ta rút ra rất nhiều bài học.
“Ngược lại với những điều tiếc nuối đó, có một số điểm tích cực rất rõ ràng như, kinh tế vĩ mô khá ổn định, lạm phát thấp, ngân sách Nhà nước không bị quá căng thẳng về thâm hụt, thu ngân sách vẫn vượt đôi chút so với kế hoạch, hệ thống tài chính ngân hàng vẫn giữ được mức lành mạnh dù nợ xấu có dềnh lên.
Cùng với đó, khi nhìn lại kinh tế Việt Nam, dù một số thời điểm, có những hiệp hội nước ngoài nói rằng, chúng tôi có thể phải chuyển 20% đơn đặt hàng sang những nước khác, nhưng nếu nhìn những con số cam kết của FDI hay con số giải ngân thì vẫn khá và FDI cam kết vẫn tăng 9-10 %, còn giải ngân đâu đó vẫn như năm 2020 trong bối cảnh giãn cách xã hội, đứt gãy nguồn cung, nguyên, nhiên liệu tăng cao”, TS. Võ Trí Thành nói.
Cũng theo vị chuyên gia, năm 2022, việc dự báo là không dễ, trong khi thế giới còn nhiều bất định, trắc trở và có những cú sốc khó lường, ngay cả những nhà khoa học hàng đầu cũng không thể nói được dịch bệnh bao giờ chấm dứt.
Một cái khó nữa, nếu nhìn sâu vào nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng không hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào Việt Nam muốn gì, hay có thể làm được gì, mà đó là biến số của thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng, năm 2022 kinh tế thế giới hay kinh tế Việt Nam nói riêng phụ thuộc vào cách nhìn nhận tích cực hay tiêu cực.
Về dịch bệnh, điểm trừ đầu tiên là không lường được dịch này đến đâu, nhưng điểm cộng là năng lực y tế đã tốt hơn. Đây không chỉ nói đến tốc độ tiêm phủ vaccine, mà là khả năng tạo ra những loại thuốc mới, vaccine mới để có thể ứng phó với biến thể mới tốt hơn.
Đồng thời, chúng ta đã sống một cách bình tĩnh hơn với đại dịch, đã hiểu nó rõ hơn, nhất là thông điệp từ Nghị quyết 128 của Chính phủ, là sống chung hoàn toàn với dịch. Khi chúng ta sống được như vậy, kinh tế sẽ bắt đầu nhúc nhích dần lên và có sự khởi sắc.
Nguy cơ bong bóng bất động sản
TS. Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh, tất cả các dự báo cho đến thời điểm này chỉ là dự báo, dù kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, nhưng tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại vì hai lý do: Thứ nhất, nền tảng kinh tế năm 2021 đã cao hơn, phục hồi mạnh mẽ hơn; Thứ hai, nhiều nước bắt đầu giảm dần các gói kích thích kinh tế và các gói hỗ trợ để phòng chống nguy cơ lạm phát. Như vậy, lãi suất sẽ tăng, đồng USD cũng tăng ít nhiều, cả việc dịch chuyển dòng vốn có thể làm khó cho các nước, đặc biệt là những nước đang phát triển hay mới nổi, dẫn đến đà tăng trưởng chững lại.
Chuyên gia ánh giá thị trường đang có dấu hiệu hình thành bong bóng trong tương lai, cộng với cuộc đấu thầu Thủ Thiêm vừa qua đã kích hoạt toàn bộ thị trường bất động sản tăng lên một cách đáng ngờ (ảnh minh hoạ)
Về cách thức hỗ trợ của Chính phủ, hiện nay đang nói rất nhiều về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022-2023. Chương trình này chắc chắn sẽ được thông qua với tổng số tiền khoảng trên dưới 350.000 tỷ, chia cho các lĩnh vực như y tế, an sinh xã hội, việc làm, người lao động và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh,... và thúc đẩy thêm về phát triển hạ tầng. Điểm cộng của chương trình này là có sự đánh giá tác động các cơ quan, tổ chức nghiên cứu. Nếu thực hiện tốt, đúng, trúng, quyết liệt, thì đâu đó sẽ góp phần tăng trưởng của Việt Nam lên từ 1- 1,5 điểm phần trăm.
“Ngoài ra, chúng ta có hy vọng trong chương trình này là trụ cột “thực thi”, có đánh giá tác động tích cực, tiêu cực, áp lực lên lạm phát, làm tăng thâm hụt ngân sách, tăng nợ công,... Có nhiều cơ chế bàn thảo để làm cho nhanh, nhưng vẫn đảm bảo giải trình, tính minh bạch và chống lợi ích nhóm. Với sự quyết liệt, dám làm của bộ máy Nhà nước sẽ tránh được những điểm yếu kém rút ra từ các gói hỗ trợ lần trước để thực hiện tốt hơn.
Tôi rất hy vọng, chương trình phục hồi này không chỉ là vượt khó phục hồi, mà còn tạo được đà cho phát triển bền vững, gắn với cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế”, TS, Võ Trí Thành bày tỏ.
Về những điểm cần lưu ý cho năm nay, TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, đã nêu ra 3 vấn đề lớn cần được quan tâm, đó là:
Thứ nhất, là nợ xấu của ngân hàng, theo các chuyên gia ngân hàng dự đoán, nợ xấu tiềm ẩn vào khoảng trên 8,7%, cũng có những chuyên gia nước ngoài nghiên cứu nói rằng phải trên 10%. Như vậy đâu đó, mức độ nợ xấu sẽ ở giữa hai con số này và là vấn đề rất lớn.
Thứ hai, việc xử lý nợ xấu lại phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản, trong khi đây là thị trường làm tài sản đảm bảo cho 10 triệu tỷ tín dụng. Vấn đề là thị trường này hiện đang rất khó lường, vì đã có khu vực đất nền tăng 2-3 lần trong vòng một năm qua.
Đặc biệt, số dự án được cấp phép rất ít, hay nói cách khác, nguồn cung rất khan hiếm, cộng với tâm lý đầu cơ, ngay cả ở dự án và đầu cơ thứ cấp rất nặng nề. Giao dịch yếu, nhưng giá trên trời, nghĩa là đường cung đường cầu gần như song song chứ không còn cắt nhau nữa.
“Vì thế chúng tôi đánh giá thị trường đang có dấu hiệu hình thành bong bóng trong tương lai, cộng với cuộc đấu thầu Thủ Thiêm vừa qua đã kích hoạt toàn bộ thị trường bất động sản tăng lên một cách đáng ngờ. Tất cả các tỉnh đình lại các cuộc đấu giá bất động sản, vì sợ nó xảy ra giống như Thủ Thiêm, hoặc có những biến đổi nào đó mà mình phải chịu trách nhiệm...
Tại các thành phố phía Nam cũng bắt đầu có hiện tượng giá đất tăng lên, nhất là giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng rất nhanh. Các nhà đầu tư bất động sản mới chập chững bước vào thị trường đã gặp ngay một đòn “búa bổ” vì gặp phải giá đền bù theo cơ chế thỏa thuận, nhưng ngay cả những công trình cơ sở hạ tầng của Chính phủ cũng đang đứng trước nguy cơ sẽ bị giá đền bù cao hơn, hoặc tâm lý người tiêu dùng đòi giá cao hơn.
Khi chập hai vấn đề lại: Nợ xấu của ngân hàng trong điều kiện thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu kể trên sẽ rất đáng lo ngại trong tương lai và vài năm tới. Nếu bong bóng bất động sản nổ, sau đó xẹp xuống sẽ đóng băng toàn thị trường và giá bất động sản xuống rất thấp, dẫn đến toàn bộ tài sản thế chấp trong ngân hàng cũng sụt giảm, khiến một đống nợ xấu không có tài sản nào bổ sung đủ để đảm bảo”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Thứ ba, là thị trường chứng khoán không lên xuống theo quan hệ cung - cầu, mà đang biến động theo quan hệ lòng tham và nỗi sợ hãi. Hay nói cách khác, thị trường chứng khoán đang đứng trước vấn đề rất đáng lo ngại, là có hàng triệu nhà đầu tư nhảy vào thị trường mà không hiểu biết gì, không có thông tin và đầu tư theo số đông.
“Chúng ta cũng nhìn thấy hiện tượng mặc dù nước ngoài đã rút vốn ra khỏi thị trường trong năm vừa rồi khoảng 3 tỷ USD, thì các nhà đầu tư Việt Nam không chỉ bù được 3 tỷ đô đó, mà còn đẩy lên cao hơn, như vậy để biết sức nóng của thị trường như thế nào. Nhưng vấn đề là các nhà đầu tư nghe thấy người đi trước nói rằng đầu tư lãi, nên họ lao vào, mà đến giờ, số lượng các nhà đầu tư có lãi bắt đầu giảm xuống, còn những tiếng than về lỗ bắt đầu tăng lên. Vì thế, nếu chúng ta không cẩn thận thì thị trường chứng khoán có thể sẽ có những cú sốc lớn khi đám đông rút vốn ồ ạt.
Chúng tôi cũng đề nghị với các cơ quan quản lý phải có biện pháp cụ thể hơn nữa để cảnh báo cho thị trường, giữ vững thị trường, mặc dù có những dấu hiệu như vậy nhưng ảnh hưởng để dẫn đến sụp đổ thì chưa xuất hiện”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI