Chiều 12/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Tham dự Diễn đàn có các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, luật sư, các doanh nghiệp ngành hàng và các địa phương.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh vai trò của việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam RamlaKhalidi đã trao đổi về các xu hướng thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong khu vực và trên thế giới, về nội dung Diễn đàn của Liên Hợp Quốc về kinh doanh có trách nhiệm và quyền con người năm 2024 cũng như các bước tiếp theo của việc tăng cường triển khai Chương trình hành động quốc gia (NAPs), tăng cường nghĩa vụ rà soát quyền con người của doanh nghiệp (HRDD).
Tại Diễn đàn, TS. Trần Minh Sơn (Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế PACC đã chia sẻ thực tiễn kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp nói chung trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam trong thời gian qua và hiện nay, qua đó đưa ra các định hướng cơ bản cho các doanh nghiệp trong thực hiện trách nhiệm xã hội như việc phát triển tầm nhìn chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; lồng ghép việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp với sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược, văn hóa của doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; gắn công tác quản trị của doanh nghiệp với thực hiện trách nhiệm xã hội; đảm bảo các tiêu chí về môi trường, lao động, quản trị tổ chức và nhân quyền, kinh doanh trung thực, bảo vệ người tiêu dùng, gắn kết với cộng đồng.
Đề cập đến giải pháp để thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, theo TS. Trần Minh Sơn cho rằng, ngoài giải pháp phát huy vai trò của Nhà nước đảm bảo cho Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, cần xây dựng cơ chế, kế hoạch cụ thể về cơ chế tư pháp rất quan trọng.
Trong đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực lao động, bảo vệ người tiêu dùng; các cơ chế phi tư pháp cũng là những giải pháp cần được quan tâm như việc hoàn thiện, áp dụng hiệu quả cơ chế hòa giải, trọng tài thương mại ở Việt Nam trong thời gian tới.
Đồng tình với TS. Trần Minh Sơn, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhấn mạnh đến kết quả nổi bật trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong đội ngũ Luật sư TP. Hà Nội thông qua các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng yếu thế.
Theo đó, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội rất chú trọng, khuyến khích các luật sư hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện việc giải quyết tranh chấp qua các hình thức phi tòa án, ưu tiên áp dụng các cơ chế hòa giải và trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp thương mại, người tiêu dùng.
Bà HarpreetKaur, Chuyên gia Kinh doanh và quyền con người của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh đến các nhân tố thúc đẩy về thể chế trong thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Theo bà HarpreetKaur thì tố tụng xuyên biên giới trong bối cảnh hiện nay là vấn đề không thể tránh khỏi đối với các doanh nghiệp kinh doanh.
Qua Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia bộ, ngành và địa phương cũng đã đánh giá kết quả và thảo luận cởi mở về việc thực hiện Chương trình hoạt động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, đánh giá từng kết quả bước đầu và những thuận lợi khó khăn để trao đổi đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhất nhằm chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong thời gian tới.