|
Cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp. Ảnh tư liệu |
Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Nghị quyết 02/NQ-CP (Nghị quyết 02) mang theo thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Qua đó kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, DN; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo các chuyên gia, môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của ngành, địa phương và của quốc gia.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; được thực thi xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.
Từ năm 2014, hàng năm Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02).
Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm nhằm khẳng định môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết 01/NQ-CP nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương mờ nhạt hơn. Trong khi đó, năm 2023, DN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như lực cản trong nước; nhiều lĩnh vực rào cản đầu tư, kinh doanh trở nên nặng nề hơn; môi trường kinh doanh chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành.
Năm 2024 vừa qua, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Thực tế cho thấy DN đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho DN.
Với các lý do nêu trên, Chính phủ đã khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02 ngày 5/1/2024 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự trở lại của Nghị quyết mang theo thông điệp rằng cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng DN. Qua đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP trong năm 2024 và tiếp tục được Chính phủ ban hành ngay từ đầu năm 2025 sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, DN; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Tháo gỡ nút thắt hành chính để doanh nghiệp phát triển
Nghị quyết 02 đặt mục tiêu số DN gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số DN rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 02 là thách thức lớn. Chính vì vậy, Nghị quyết 02 đề ra các nhóm giải pháp tháo gỡ nút thắt, cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy sự phục hồi phát triển của DN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bình luận về nội lực của DN, ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, năm 2024, số lượng DN tăng thêm chỉ khoảng 35.500 DN, chỉ bằng 1/3 so với năm 2017, thấp hơn các năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19.
“Thực tế này cho thấy những cải thiện môi trường kinh doanh vừa qua chưa đủ để khỏa lấp những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến DN dè dặt hơn. Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng triển khai các nhóm giải pháp nêu tại Nghị quyết 02 mạnh mẽ trong thời gian tới” - ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02, bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, cần tập trung vào tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, bên cạnh các chỉ đạo thường thấy, như sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính đơn giản, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp... Nghị quyết 02 nhấn mạnh các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, đó là thực hiện nghiêm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, xoá bỏ cơ chế xin - cho.