Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, MB, VPBank, ACB và HDBank sẽ có lợi thế và khó khăn gì trong năm 2023?

Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, MB, VPBank, ACB và HDBank sẽ có lợi thế và khó khăn gì trong năm 2023?

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa đánh giá về những lợi thế và khó khăn mà một số ngân hàng lớn của Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023.

Nguồn:Cafef

Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, MB, VPBank, ACB và HDBank sẽ có lợi thế và khó khăn gì trong năm 2023?

Vietcombank

Theo VDSC, Vietcombank là ngân hàng sẽ ít phải đối mặt về áp lực trích lập dự phòng trong năm 2023 nhờ vào chính sách thận trọng trong nhiều năm qua. Bộ đệm dự phòng hàng đầu ngành sẽ đảm bảo ngân hàng khỏi mọi sự gián đoạn bao gồm rủi ro sự kiện và rủi ro tín dụng, vốn có thể tác động khó lường đến lợi nhuận.

Ngoài ra, Vietcombank cũng ít phơi nhiễm với trái phiếu doanh nghiệp và phân khúc rủi; do đó, tỷ lệ nợ xấu dự kiến sẽ được kiểm soát tốt trong năm 2023. Nói chung, VDSC đánh giá bảng cân đối lành mạnh, và bộ đệm dự phòng vững chắc của Vietcombank.

VDSC cho rằng lợi thế cạnh tranh này đóng vai trò then chốt để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023. Ngân hàng có thể tận dụng bộ đệm dự phòng dày để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận theo kế hoạch dù cho những rủi ro bất định phía trước.

Mặt khác, danh tiếng hàng đầu, mạng lưới rộng khắp và tệp khách hàng chất lượng giúp củng cố và nâng cao lợi thế về nền tảng huy động và thúc đẩy thu nhập ngoài lãi.

Vietcombank được NHNN chỉ định là ngân hàng duy nhất thực hiện thanh toán bù trừ cho các giao dịch Visa nội địa. Hệ thống thanh toán đa tiền tệ (VCB-Money) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thanh toán chung. Đó là những trụ cột vững chắc cho phép ngân hàng này nhận được nguồn vốn với chi phí thấp từ khách hàng và các định chế tài chính bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau. Điều này cũng hỗ trợ tăng trưởng doanh thu ngoại hối.

Bên cạnh đó, Vietcombank đã cải thiện tỷ lệ CASA qua từng quý kể từ khi Ngân hàng triển khai chương trình miễn phí dịch vụ vào đầu năm nay. Cơ sở huy động lớn và ổn định này tạo ra chi phí vốn thấp nhất ngành giúp ngân hàng thu hút được các khách hàng chất lượng thông qua lãi suất cho vay cạnh tranh và mạng lưới rộng lớn.

VDSC cũng kỳ vọng Vietcombank sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao so với ngành nhờ (1) Bảng cân đối lành mạnh và bộ đệm dự phòng rủi ro vững chắc nhất, (2) Hỗ trợ NHNN trong chương trình chuyển giao ngân hàng yếu kém và giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng trong năm 2022.

VietinBank

Mặc dù hướng tới mức dài hạn bền vững khoảng 3%, VDSC cho rằng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của Vietinbank có thể sẽ giảm vào năm 2023 do gói hỗ trợ của các NH quốc doanh và những trở ngại trước mắt của môi trường bên ngoài có thể dẫn đến áp lực chi phí cao hơn. Điều đó sẽ mang lại mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần trung bình và khuyến khích mở rộng mức đóng góp từ các nguồn thu ngoài lãi vào thu nhập hoạt động. Tuy nhiên, tình hình này dự kiến sẽ được cải thiện từ năm 2024 khi những căng thẳng sẽ dần được xoa dịu.

Tuy ngân hàng có mức độ tiếp xúc rủi ro phù hợp với các phân khúc rủi ro, nhưng mối đe dọa suy thoái kinh tế gia tăng có thể khiến tình hình tài chính của khách hàng gặp khó khăn trong khi vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc đại dịch. Điều này sẽ gây áp lực lớn hơn đối với chất lượng tài sản và cản trở ngân hàng trong việc giảm chi phí tín dụng, phản ánh ở việc chi phí tín dụng biên có thể tiếp tục ở mức cao vào năm 2023 trong bối cảnh tỷ lệ cho vay không tài sản bảo đảm gây quan ngại. Song khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, bộ đệm dự phòng được tăng cường tốt của VietinBank dự kiến sẽ “gặt quả”.

VDSC cũng nhận định, chuyển đổi số và dịch chuyển sang phân khúc bán lẻ dự kiến sẽ giúp VietinBank nâng cao hiệu quả sinh lời hơn nữa bằng cách thúc đẩy thu nhập ngoài lãi bao gồm bancassurance và giảm chi phí huy động vốn thông qua mở rộng CASA, nhờ vào cơ sở khách hàng rộng lớn và quan hệ đối tác doanh nghiệp mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, khả năng áp dụng Dự thảo sửa đổi Thông tư 22 sẽ tạo thêm dư địa cho việc tận dụng bảng cân đối hiệu quả nhằm thúc đẩy thu nhập và khả năng sinh lời lên mức cao hơn.

Mặt khác, lộ trình tăng vốn của VietinBank dường như chậm hơn so với dự báo của VDSC do thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều bất ổn khó lường, dẫn đến việc chậm thực hiện các đợt chào bán trái phiếu ngân hang thứ cấp để cải thiện vốn cấp 2. Tuy nhiên, chất xúc tác tăng vốn vẫn thuận lợi vì việc đa dạng hóa theo định hướng bán lẻ sẽ giúp kiểm soát hệ số rủi ro bình quân và cải thiện hiệu quả hoạt động sẽ hỗ trợ tăng vốn cấp 1.

BIDV

Theo VDSC, chất lượng tài sản của BIDV đã được cải thiện tốt kể từ khi tất toán trái phiếu VAMC. Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng cũng như tỷ lệ nợ xấu và dư nợ cơ cấu Covid-19 đã cho thấy xu hướng đi xuống từ mức nền cao trước đó mặc dù có bật tăng trở lại trong một số giai đoạn căng thẳng.

Điều này được cho là nhờ cách tiếp cận thận trọng hơn đối với chính sách trích lập dự phòng khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đã chuyển sang mức ba con số kể từ đầu năm 2021 và duy trì ở mức cao cho đến thời điểm hiện tại, điều này đã thúc đẩy khả năng phục hồi của ngân hàng để đối phó với những bất ổn sắp tới.

Về dài hạn, chi phí tín dụng biên dự kiến sẽ giảm dần xuống mức bền vững hơn nhờ vào bộ đệm vững chắc trước đó và sự chuyển đổi toàn diện theo hướng mở rộng tài sản lành mạnh. Kế hoạch tăng vốn tiềm năng cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự mở rộng hiệu quả cùng với hành trình nâng cao chất lượng tài sản thông qua tăng cường tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng

Độ nhạy với chi phí tín dụng sẽ mang lại động cơ tăng trưởng nhờ cắt giảm chi phí khi các điều kiện bên ngoài trở nên thuận lợi hơn. Mức độ tiếp xúc thấp đối với các lĩnh vực rủi ro bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản cũng giúp giảm bớt áp lực trích lập dự phòng thông qua việc kiểm soát tổn thất tín dụng dự kiến.

Mặt khác, mạng lưới rộng lớn của ngân hàng và cơ sở tiền gửi giúp đảm bảo năng lực huy động vốn với khả năng định giá cạnh tranh trong môi trường chi phí cao hơn, do đó giảm thiểu áp lực về chi phí vốn và hỗ trợ NIM. Với định hướng bán lẻ và chuyển đổi số, BIDV cũng có thể kiểm soát hệ số rủi ro bình quân cũng như chi phí hoạt động và tiếp tục mở rộng cơ sở tiền gửi thông qua thâm nhập phân khúc khách hàng bán lẻ.

Nếu Dự thảo sửa đổi Thông tư 22 có hiệu lực, VDSC cho rằng áp lực huy động của BIDV sẽ phần nào được giảm bớt nhờ nguồn vốn được sử dụng hiệu quả hơn để khuyến khích hoạt động ngân hàng và tài trợ nền kinh tế, khi kể đến lượng tiền gửi Kho bạc lớn nhất của BIDV trong số NH quốc doanh niêm yết.

Techcombank

Trên đà khởi sắc của ngành bất động sản, Techcombank đã mở rộng bảng cân đối với tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) 5 năm qua là 16%. Tuy nhiên, VDSC cho rằng những yếu tố thúc đẩy thu nhập trong giai đoạn trước có thể là yếu tố cản trở đà tăng trưởng trong ngắn hạn do những bất ổn ngày càng tăng của lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đến cuối quý 3/2022, khoảng 75% danh mục đầu tư tín dụng của Techcombank tài trợ cho lĩnh vực bất động sản bao gồm các nhà phát triển và các khoản vay mua nhà và trái phiếu doanh nghiệp.

Theo VDSC, bảng cân đối của Techcombank có thể sẽ mở rộng với tốc độ chậm hơn do hạn mức không mong muốn trong giai đoạn sắp tới. Bên cạnh đó, niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp suy giảm sẽ tác động tiêu cực đến thu nhập ngoài lãi của Techcombank và chiếm khoảng 20% thu nhập phí.

Tóm lại, trong bối cảnh những bất ổn ngày càng tăng đối với thị trường trái phiếu và ngành bất động sản, động lực tăng trưởng có thể tạm thời bị phai nhạt dẫn đến thu nhập không như mong đợi vào năm 2023. Tuy nhiên, VDSC cho rằng đó là sự suy giảm tạm thời trong khi nền tảng cơ bản dài hạn vẫn duy trì, bao gồm cơ sở hạ tầng công nghệ hàng đầu, bộ đệm vốn vững chắc và một hệ sinh thái được kết nối tốt.

Mặt khác, nhóm phân tích đánh giá, cấu trúc huy động được thiết lập vững chắc hỗ trợ bởi mạng lưới tiền gửi bán lẻ hàng đầu tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp vốn là lợi thế cạnh tranh của Techcombank.

Theo đó, trong giai đoạn từ 2019 đến đầu 2022, với các sản phẩm đa dạng được hỗ trợ bởi công nghệ tiên tiến, các sáng kiến tiên phong trên nền tảng thanh toán và hệ sinh thái toàn diện, Techcombank đã tạo dựng được uy tín, sự kết nối và nâng cao thị phần trong phân khúc khách hàng đại chúng và thượng lưu. Kết hợp với khả năng tài chính vững chắc của khách hàng, Techcombank nắm giữ lợi thế cạnh tranh cốt lõi về tiền gửi với tỷ lệ CASA cao và ổn định.

Trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với hiệu ứng rút vốn gần đây, Techcombank đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn để giải quyết lo ngại về thanh khoản. Bên cạnh đó, với việc nhiều ngân hàng nhân rộng mô hình thu hút CASA từ đầu năm, Techcombank cũng tăng lãi suất huy động không kỳ hạn lên 1% để giữ chân khách hàng hiện tại. Trong ngắn hạn, VDSC dự báo chi phí huy động vốn có thể duy trì ở mức cao và NIM tiếp tục chịu áp lực, do đó cần theo dõi chặt chẽ chiến lược của ngân hàng để xem xét lại lợi thế cạnh tranh này trong dài hạn.

MB

VDSC cho rằng NIM của MB có thể thu hẹp tạm thời do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản Mức độ phơi nhiễm cao với ngành bất động sản: dư nợ cho vay mua nhà, cho vay chủ đầu tư BĐS chiếm lần lượt 23,7% và 4,5% tổng dư nợ, TPDN BĐS chiếm 2,5% tổng tài sản.

Thêm vào đó, nhu cầu vay mua nhà giảm do lãi suất cho vay cao kết hợp với định hướng giảm cho vay các lĩnh vực rủi ro khiến tỷ trọng phân bổ tín dụng vào BĐS giảm, gián tiếp làm giảm lợi suất tài sản.

Ngoài ra, độ trễ tái định giá trong lãi suất cho vay cũng làm giảm NIM nhưng mức độ ảnh hưởng có thể thấp hơn các NHTMCP nhỏ nhờ MB có thanh khoản và danh tiếng tốt

Mặt khác, VDSC đánh giá bộ đệm dự phòng vững chắc giúp lợi nhuận MB tăng trưởng ngay cả khi sức khỏe bảng cân đối tương đối yếu hơn. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu hình thành tăng dần từ quý 2/2022, phản ánh các ảnh hưởng tiêu cực từ vĩ mô thế giới. Tuy nhiên, chi phí tín dụng biên giảm mạnh hơn tỷ lệ nợ xấu do MB đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong các quý trước. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức cao lịch sử và thứ hai toàn ngành tạo dư địa cho xóa nợ cho MB.

Nhóm phân tích dự báo, tăng trưởng tín dụng dẫn dắt tổng thu nhập của MB trong năm 2023 và bù đắp cho sự thu hẹp tạm thời về NIM và thu nhập ngoài lãi. Hạn mức tăng trưởng tín dụng có thể được ưu tiên cao hơn trung bình ngành nhờ tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém và chất lượng thanh khoản tốt. Khi áp lực từ vĩ mô bên ngoài tạm lắng từ giữa năm 2023, thanh khoản hệ thống ngân hàng và lãi suất huy động được kỳ vọng giảm dần, giúp NIM bắt đầu cải thiện.

Ngoài ra, thu nhập dịch vụ dự báo giảm tốc ở mảng bảo hiểm và ngân hàng đầu tư chủ yếu do tăng trưởng tín dụng năm 2023 thấp hơn năm 2022 và các điều chỉnh của cơ quan quản lý về phát hành riêng lẻ TPDN. Thu nhập từ thu hồi nợ đã xóa giảm do sự kết hợp nền so sánh cao năm 2022 với triển vọng hấp thụ kém của thị trường BĐS.

Mặt khác, chất lượng tài sản dự báo suy yếu từ quý 4/2022 do nhiều khó khăn trong nền kinh tế. Chi phí tín dụng biên có thể tăng trong nửa đầu năm 2023 trước khi dịu đi trong nửa cuối năm nhờ vĩ mô cải thiện dần. Song dư địa lớn về dự phòng sẽ giúp MB duy trì được tăng trưởng lợi nhuận thuộc nhóm cao trong danh mục theo dõi.

VPBank

VDSC cho rằng các nguồn vốn mới có thể giúp VPBank giảm áp lực về huy động, bù đắp một phần cho lợi suất tài sản dự báo chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường bất động sản. Theo đó, nhờ nguồn vốn gia tăng từ khoản phí trả trước bancassurance và phát hành riêng lẻ (kỳ vọng hoàn tất đầu năm 2023), áp lực huy động năm 2023 không quá cao sẽ là một yếu tố hỗ trợ NIM cho VPBank.

Tuy nhiên, mức độ phân bổ tín dụng của ngân hàng mẹ vào ngành BĐS cao: dư nợ cho vay mua nhà, cho vay phát triển BĐS chiếm lần lượt 17,6% và 12,6% tổng dư nợ, TPDN BĐS chiếm 3,4% tổng tài sản. Trong khi đó, nhu cầu vay mua nhà dự báo giảm do lãi suất cao kết hợp với định hướng giảm cho vay các lĩnh vực rủi ro khiến tỷ trọng phân bổ tín dụng vào BĐS giảm, gián tiếp làm giảm lợi suất tài sản.

VDSC cũng cho rằng độ trễ tái định giá trong lãi suất cho vay cũng tạo áp lực lên NIM nhưng mức độ ảnh hưởng có thể thấp hơn các NHTMCP nhỏ nhờ VPBank có thanh khoản tốt. Tuy nhiên, VPBank có thể vẫn phải đánh đổi NIM cho mục tiêu kiểm soát nợ xấu khi cho phép chuyển đổi từ lãi suất thả nổi sang lãi suất cố định cho một số khách hàng.

Thực tế, NIM cuối quý III của cả ngân hàng mẹ và hợp nhất đều giảm do áp lực từ chi phí huy động và khó khăn của thị trường tài chính tiêu dùng. Xu hướng giảm sẽ tiếp tục trong quý 4/2022 và năm 2023.

VDSC cũng cho rằng, VPBank sẽ đối mặt với áp lực nợ xấu cao trong ít nhất một năm tới do nhiều yếu tố kết hợp: (1) Mức độ tiếp xúc cao với thị trường bất động sản thông qua dư nợ cho vay và đầu tư vào TPDN trong khi thị trường BĐS được dự báo không sớm phục hồi. (2) Động lực tăng trưởng vĩ mô kém ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng của các khách hàng vay, nhất là khách hàng thu nhập thấp tại FE Credit. (3) Lãi suất cao bào mòn khả năng trả nợ của khách hàng. Khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính của khách hàng vay suy yếu nhưng đệm dự phòng mỏng (dự phòng chỉ bằng 62% nợ xấu cuối Q3/2022) trong khi chưa hoàn tất nghĩa vụ trích lập cho nợ cơ cấu sẽ gây căng thẳng trên bảng báo cáo lợi nhuận năm sau.

Mặt khác, lợi thế cạnh tranh của VPBank trong chu kỳ kinh tế mở rộng tạm thời trở thành gánh nặng khi nền kinh tế vào pha suy giảm. Theo đó, giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng 2016-2021 đã tạo điều kiện cho VPBank gia tăng quy mô và tỷ suất lợi nhuận nhanh chóng nhờ mảng tài chính tiêu dùng và khách hàng đại chúng.

Sang năm 2022, khả năng sinh lời của nhóm khách hàng thu nhập thấp đã bị xói mòn kể từ Q2/2022 khi các yếu tố bất lợi của vĩ mô nước ngoài và bất ổn chính trị toàn cầu gia tăng tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

Các động lực tăng trưởng vĩ mô yếu đi hơn nữa trong năm 2023 sẽ đưa đến các hạn chế về tăng trưởng và chất lượng tài sản của mảng tài chính tiêu dùng và khách hàng đại chúng, các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong một chu kỳ kinh tế thu hẹp.

Mục tiêu chiến lược của FE Credit đã chuyển từ tập trung vào tăng trưởng sang phục hồi, cho thấy viễn cảnh kém tích cực của nhóm khách hàng chiến lược, làm giảm tính chắc chắn về khả năng duy trì sức sinh lời cao trong trung hạn.

Theo VDSC, diễn biến vĩ mô trong thời gian tới không hỗ trợ cho phục hồi của phân khúc khách hàng chiến lược của VPBank. Khả năng mở rộng bảng cân đối sẽ bị hạn chế trong khi NIM dự báo thu hẹp bởi nhu cầu vay thấp và các chính sách đối với thị trường bất động sản.

Điểm tích cực là hạn mức tăng trưởng được cấp có thể cao hơn trung bình ngành nhờ bộ đệm vốn lớn và tham gia tái cấu trúc TCTD yếu kém. Chi phí huy động vốn sẽ tăng nhưng quy mô vốn tăng nhờ tăng các nguồn từ bancassurance và phát hành riêng lẻ giúp giảm CoF. Tăng trưởng thu nhập lãi thuần là động lực chính tạo tăng trưởng thu nhập.

Đóng góp từ các công ty con mới đầu tư trong mảng bảo hiểm và chứng khoán dự báo chưa tăng mạnh trên cơ sở doanh số bảo hiểm thường đi cùng với tăng trưởng tín dụng, nhu cầu bảo hiểm thu hẹp trong giai đoạn kinh tế khó khăn và thị trường chứng khoán không có nhiều động lực tăng điểm. Hoạt động tư vấn phát hành TPDN sẽ tăng trưởng âm do thay đổi chính sách quản lý TPDN phát hành riêng lẻ.

VDSC cho rằng nhóm khách hàng chiến lược của VPBank có khả năng chống chịu kém với các diễn biến vĩ mô bất lợi và mảng tài chính tiêu dùng chiếm tỷ trọng cao trong tín dụng hợp nhất. Do đó, nhóm phân tích thận trọng dự báo chi phí tín dụng biên sẽ tăng mạnh nhất trong số các ngân hàng theo dõi. Khả năng phục hồi của nhóm khách hàng này cũng sẽ chậm hơn các phân khúc thu nhập khác, làm gia tăng lo ngại tỷ suất sinh lời trong trung hạn sẽ không sớm trở lại mức cao.

ACB

Theo VDSC, biên NIM của ACB được quản lý tốt bất chấp lãi suất huy động tăng. Cụ thể, tỷ trọng cho vay ngắn hạn cao (63% cuối Q3/22) tạo điều kiện cho ngân hàng nhanh chóng chuyển giao chi phí đầu vào cho khách hàng. NIM cuối Q3 tiếp tục tăng so với Q2 và so với cuối năm 2021, mặc dù tốc độ huy động tăng dần theo quý và tốc độ cấp tín dụng giảm dần theo quý trong 9T2022.

Nhu cầu vay mua nhà dự báo giảm do lãi suất cho vay cao sẽ làm giảm lợi suất cho vay trung bình năm 2023. Tuy nhiên, mức giảm dự báo không đáng kể nhờ tập khách hàng có sức khỏe tài chính tốt, ít cho vay bất động sản cùng với chính sách cho vay thận trọng. Tỷ trọng cho vay mua nhà và cho vay phát triển BĐS chiếm lần lượt 21,5% và 1,2% tổng dư nợ và không đầu tư vào TPDN.

Sức khỏe bảng cân đối ít suy giảm nhưng chi phí tín dụng biên của ACB dự kiến đảo chiều mạnh. Theo đó, khả năng chống chịu tốt của nhóm khách hàng thu nhập trung bình cao giúp chất lượng bảng cân đối ít suy giảm so với mặt bằng chung khi tác động của tình hình vĩ mô là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hiệu ứng của hoàn nhập dự phòng sẽ giảm dần trong năm 2022 trong khi tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng sẽ tăng dần trong vài quý tới, kéo theo sự đảo chiều đi lên nhanh chóng của chi phí tín dụng biên

Tăng trưởng bảng cân đối được dự báo chậm lại trong năm 2023 do nhu cầu vay giảm và hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao dự báo ở mức trung bình. NIM duy trì tốt trên 4% mặc dù chi phí huy động tăng.

Đà tăng thu nhập phí chậm lại với mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất (57% cuối Q3) là bancassurance có doanh số thường đi cùng với tăng trưởng tín dụng và nhu cầu bảo hiểm thu hẹp trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Thu nhập của mảng chứng khoán chưa phục hồi mạnh với thị trường chứng khoán được dự báo khó tăng điểm.

VDSC kỳ vọng chất lượng nợ của ACB sẽ chỉ suy giảm nhẹ khi ưu tiên hàng đầu và xuyên suốt của ngân hàng là giữ vững hiệu quả tổng thể. Trên nền so sánh thấp của hoàn nhập dự phòng ròng năm 2022, sự đảo chiều xu hướng của chi phí tín dụng biên khiến lợi nhuận trước thuế năm 2023 chỉ tăng nhẹ.

HDBank

Năm 2023, VDSC kỳ vọng đà tăng trưởng của HDBank sẽ ổn định nhưng có thể chậm lại so với năm 2022.

Xét trên toàn ngành, VDSC vẫn cho rằng HDBank sẽ được cấp hạn mức cao nhất nhờ hỗ trợ quỹ tín dụng, giảm lãi suất lãi suất để hỗ trợ khách hàng và cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Hạn mức tín dụng cao sẽ giúp thu nhập lãi thuần tăng trong bối cảnh chi phí vốn tăng.

Nhóm phân tích cho rằng, HDBank có khả năng sinh lời tốt và tăng trưởng bền vững với định hướng phân khúc trung lưu được hỗ trợ bởi công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu. Theo đó, ngân hàng này có tỷ lệ NIM điều chỉnh theo rủi ro mạnh mẽ với chênh lệch lãi suất cho vay-tiền gửi phù hợp. Tỷ lệ nợ xấu hình thành cũng được kiểm soát ở mức tốt, giảm áp lực lên chi phí tín dụng biên và NIM điều chỉnh theo rủi ro.

VDSC dự báo ngân hàng sẽ tiếp tục nâng cao ROA khi ứng dụng công nghệ giúp cải thiện năng suất, qua đó giúp giảm CIR và thúc đẩy biên lợi nhuận ròng.

Bên cạnh đó, với cơ cấu nguồn vốn ổn định gồm tiền gửi dài hạn và giấy tờ có giá, cùng nguồn vốn linh hoạt với dư địa phát triển thông qua phát hành cổ phiếu, HDBank được kỳ vọng sẽ đạt hạn mức tín dụng cao trong giai đoạn sắp tới.

Mặt khác, HDSaison là một trong những định chế lớn nhất trong mảng cho vay tiêu dùng, thúc đẩy hệ sinh thái của ngân hàng và tạo lợi thế cho ngân hàng trong việc tiếp cận những khách hàng giai đoạn đầu, những người sau này sẽ phát triển lên tầng lớp thượng lưu khi nền kinh tế phát triển và trở thành khách hàng trung thành của ngân hàng mẹ.

Năm 2023, VDSC kỳ vọng tăng trưởng của HDBank sẽ tiếp tục ổn định. Xét trên toàn ngành, HDBank sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao nhất giúp thu nhập lãi thuần tăng 17% trong bối cảnh chi phí vốn tăng. Thu nhập phí dự kiến tăng 28% trong năm 2023. Lợi nhuận trước thuế dự báo vượt 12.400 tỷ đồng.

Cafef
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang