Hồi tháng 3/2020, Grab đã triển khai dịch vụ đi chợ hộ GrabMart tại TP HCM. Tới đầu tháng 4, khi chính phủ triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, GrabMart liên tục đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Mới đây, Grab tiếp tục thông báo việc triển khai GrabMart ở Đà Nẵng, tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ hai. Thành phố cũng đã tiến hành triển khai các biện pháp giãn cách, thậm chí yêu cầu ngừng bán món ăn, đồ uống online.
Lần này, với việc cung cấp dịch vụ đi chợ hộ, Grab tiến hành thêm một bước là triển khai chiến dịch đổi miễn phí với GrabMart. Người mua sẽ nhận hàng trong vòng 1 tiếng, đồng thời công ty sẽ hỗ trợ đổi hàng nếu sản phẩm gặp vấn đề với chất lượng tươi sống. Công ty áp dụng chương trình đổi trả với chuỗi siêu thị Big C và giải quyết trong 24 giờ (trừ thứ bảy và chủ nhật).
"Thông qua chương trình đổi miễn phí và triển khai GrabMart tại Đà Nẵng, chúng tôi hi vọng người dùng có thể an tâm mua sắm thực phẩm đảm bảo chất lượng tươi ngon, an toàn một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất", bà Nguyễn Thái Hải Vân, giám đốc Grab Việt Nam, nói.
Mô hình GrabMart đã chứng minh tính hiệu quả với sự hiện diện ở 8 thị trường của Grab trong khu vực, thậm chí ở các quốc gia chậm phát triển hơn như Campuchia hay Myanmar. Hồi đầu tháng 6, dịch vụ đi chợ hộ của Grab đã xuất hiện tại 50 thành phố với hơn 3.000 đối tác nhà hàng. Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Tăng trưởng hai chữ số mỗi tuần
Ngoài việc mô hình đi chợ hộ đã chứng minh khả năng thích nghi tại các thị trường khác, GrabMart cũng có đà tăng trưởng đáng kinh ngạc, đặc biệt tại hai thị trường Hà Nội và TP HCM, trước khi triển khai tại Đà Nẵng.
Tốc độ tăng trưởng GrabMart đang ổn định ở mức 2 chữ số qua mỗi tuần. Theo tuyên bố của công ty, họ đạt mức tăng trưởng cao nhờ mạng lưới đối tác kinh doanh mở rộng dần theo thời gian, cùng với ưu thế về số lượng tài xế đông đảo.
Lượng đơn hàng GrabMart theo ngày và lượng đối tác của công ty đã tăng gấp 10 lần so với cuối tháng 4, thời điểm các biện pháp giãn cách xã hội vừa kết thúc.
Chiến lược liên kết với nhiều chuỗi siêu thị lớn (Big C, AEON, Lotte Mart, các chuỗi của Saigon Co.op...) và các cửa hàng tiện lợi giúp GrabMart luôn đảm bảo mạng lưới đối tác đủ để phục vụ khách hàng. Công ty sẽ tiếp tục triển khai mở rộng dịch vụ đi chợ hộ tại các thị trường tiềm năng.
Xu thế của tương lai
Số liệu mà Grab công bố cho thấy, 10 mặt hàng bán chạy nhất trên GrabMart là hàng tươi sống (rau củ quả, thịt cá tươi); món ăn vặt; sữa; nước giải khát; hàng đông lạnh; sản phẩm chăm sóc cá nhân (dầu gội, sữa tắm); mì ăn liền; gia vị & dầu ăn; bánh mì và các loại bánh ngọt; thức ăn nấu sẵn.
Chúng đều là nhóm sản phẩm phục vụ những nhu cầu cơ bản và khách hàng, bùng nổ trong khi dịch COVID-19 khiến nhiều người buộc phải hạn chế tối đa việc ra ngoài.
Trên thực tế, Grab không phải là hãng gọi xe/giao đồ ăn duy nhất triển khai dịch vụ đi chợ hộ. Be và Baemin cũng từng tung dịch vụ Be đi chợ hộ. Thậm chí Baemin có thể mua hộ những sản phẩm không quá thiết yếu như gương, lược hay túi xách.
Dịch bệnh và sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng đang tạo cơ hội phát triển mạnh cho các dịch vụ đi chợ hộ. GrabMart đã chứng minh khả năng mở rộng ở mô hình kinh doanh này. Có thể trong tương lai, đây sẽ là mảng kinh doanh mà các ứng dụng kết nối hướng tới khi thị trường gọi xe, giao món đang trở nên rất chật chội.