Bệnh nhân trẻ được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1 đã 5 năm nay, nhưng không theo phác đồ điều trị ảnh hưởng đến sức khỏe phải cấp cứu tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: Thúy Quỳnh
Trẻ nhỏ đã mắc đái tháo đường
Bé gái 8 tuổi, khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân, mờ mắt, đái dầm, được gia đình đưa vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương kiểm tra phát hiện đường huyết tăng cao 26,1mmol/l, cao gấp nhiều lần người bình thường. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, khoa Nội tiết (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đái tháo đường type 1 ở trẻ em đã được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Nhiều ca bệnh từ 7-18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương còn đưa ra cảnh báo về nguy cơ người bị béo phì dễ dẫn tới đái tháo đường type 2. Điển hình như trường hợp bệnh nhân Đ.T.M (22 tuổi, ở Hà Nội) bị béo phì từ nhỏ. Khi đến khám tại bệnh viện, bệnh nhân rất bất ngờ khi phát hiện mắc đái tháo đường type 2.
Bệnh nhân Đ.T.M chia sẻ, từng nỗ lực giảm cân nhưng do lo ngại chế độ ăn kiêng không bảo đảm nên đã dừng lại. Vì vậy, cân nặng từ lúc trưởng thành tới thời điểm hiện tại vẫn duy trì ở mức cao.
Theo Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, thông thường đái tháo đường type 2 sẽ xuất hiện ở những người bước vào độ tuổi trung niên. Còn với bệnh nhân M, đái tháo đường type 2 xuất hiện từ sớm, trên nền thể trạng béo phì, chế độ ăn giàu glucid, chất béo, ít vận động.
PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, tại Việt Nam, số liệu tích lũy đến nay có khoảng 1.750 trẻ mắc đái tháo đường type 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi lớn trên cả nước. Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đang theo dõi, điều trị cho ngoại trú khoảng 1.000 trẻ bị đái tháo đường type 1.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu 10 năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm, có cả trẻ sơ sinh cũng mắc đái tháo đường.
Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin mới có cơ hội sống.
Hơn 60% người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán
Tại Việt Nam, điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương (năm 2002) cho thấy, tỉ lệ bệnh đái tháo đường trên toàn quốc là 2,7%; sau 10 năm, tỉ lệ này đã tăng lên 5,4%. Kết quả khảo sát trên toàn quốc gần đây nhất (năm 2020) cho thấy, tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam là 7,3%; tỉ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%.
Trong đó, các số liệu đáng quan tâm đó là tỉ lệ người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60% và có hơn 1/2 số người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh đái tháo đường.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, để quản lý hiệu quả bệnh lý này, người bệnh cần có một phác đồ điều trị toàn diện bao gồm chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể chất đều đặn, sử dụng thuốc theo chỉ định và các kỹ năng tự chăm sóc như tự đo đường huyết và tiêm Insulin.
"Tỉ lệ người béo phì ngày càng tăng trong khi lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa thực sự đáng báo động"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Để ứng phó với tình trạng trên, hệ thống phòng, chống bệnh đái tháo đường đã hoàn thành mục tiêu khống chế tỉ lệ gia tăng của bệnh đái tháo đường toàn quốc, giai đoạn 2020 - 2026 ở mức 7,3% so với chỉ tiêu dưới 10% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.