Bộ YT cho biết, ngày càng có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mới lưu hành SXH. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng SXH lưu hành, bệnh này đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của khoảng một nửa dân số thế giới, với ước tính 100 - 400 triệu ca nhiễm xảy ra mỗi năm.
Tiến sĩ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục YT dự phòng, Bộ YT - cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 30.265 ca SXH, 3 trường hợp tử vong; so với cùng kỳ năm 2023 giảm hơn 30% số ca mắc, riêng số tử vong giảm 6 trường hợp. Dù số ca mắc có giảm nhưng theo các chuyên gia, SXH không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ, mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư... Thời gian gần đây, một số địa phương ghi nhận sự gia tăng số bệnh nhân mắc SXH, nguyên nhân chủ yếu do mưa đã xuất hiện trên diện rộng, là điều kiện thuận lợi sản sinh bọ gậy. Ngoài ra, việc chủ quan, lơ là, chưa tự giác thực hiện hoạt động phòng, chống (PC) SXH của người dân đang dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay ghi nhận 745 ca mắc SXH tại 30/30 quận, huyện, thị xã; không có trường hợp tử vong, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (360 ca). Tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 2.162 ca mắc SXH trong 6 tháng qua (tăng 1.200 ca so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 1 trường hợp tử vong tại TP.Bảo Lộc. Ở Đắk Nông, ngày 01/7 Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh này cho biết đã có báo cáo về trường hợp bệnh nhân T.V.H (42 tuổi, ở xã Kiến Thành, huyện Đắk Rlấp) tử vong do SXH. Theo Sở YT Đắk Nông, hiện số ca mắc SXH đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 và vẫn đang tiếp tục tăng mạnh. Hiện toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.200 ca mắc SXH, tập trung nhiều nhất ở TP.Gia Nghĩa và các huyện Đắk Song, Đắk Rlấp... Ngành YT Đắk Nông đã phối hợp với chính quyền các địa phương phun thuốc diệt muỗi, loại trừ loăng quăng nhằm PC dịch SXH.
Dọn dẹp vệ sinh môi trường, chủ động diệt lăng quăng, muỗi là cách tốt nhất để phòng, chống sốt xuất huyết
TPHCM và các tỉnh Nam Bộ đã vào mùa mưa, ngành YT ghi nhận khuynh hướng gia tăng số ca mắc SXH. Các chuyên gia cảnh báo nếu không phòng dịch tốt, đặc biệt là trách nhiệm của địa phương trong công tác giám sát cộng đồng, nguy cơ bùng phát dịch SXH rất cao, sẽ kéo theo nhiều ca nặng và tử vong.
Đến nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vắc-xin phòng bệnh đã có nhưng chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống SXH hiện nay chủ yếu dựa vào PC véc-tơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, có nhiều vắc-xin phòng SXH được nghiên cứu, phát triển. Hiện có 2 vắc-xin đã được WHO tiền thẩm định và một số nước cấp phép là: vắc-xin CYD-TDV và TAK-003 (đã được Bộ YT Việt Nam cấp đăng ký lưu hành). Tuy nhiên, vắc-xin không phải là giải pháp duy nhất mà phải có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và ý thức người dân trong việc chủ động vệ sinh môi trường sống, loại bỏ những vật dụng chứa nước lâu ngày, diệt lăng quăng, diệt muỗi ngay tại chính nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị để hạn chế nguy cơ mắc SXH, bảo đảm sức khỏe an toàn cho chính bản thân và cộng đồng.