
Bệnh nhân trẻ tuổi mắc suy thận điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyên Hà
Nguyên nhân được xác định có liên quan đến thói quen sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học.
Khi người trẻ bất ngờ phát hiện bị suy thận
Tại Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu - Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày tiếp nhận 30-40 bệnh nhân mới, trong đó ngày càng nhiều người dưới 30 tuổi.
Anh T, 30 tuổi, từng nghĩ mình khỏe mạnh dù thường xuyên mất ngủ, buồn nôn và mệt mỏi kéo dài. Tưởng do stress, anh chủ quan không đi khám. Đến khi triệu chứng trở nặng, anh mới đến viện và được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối, buộc phải chọn giữa lọc máu định kỳ hoặc ghép thận.
TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu - Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, các triệu chứng như mất ngủ, thay đổi vị giác là dấu hiệu thận không còn khả năng lọc độc tố. “Bệnh thận mạn tiến triển âm thầm, khó phát hiện nếu không khám định kỳ” - bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Nhiều bệnh nhân trẻ lần đầu đến viện đã phải lọc máu cấp cứu. Khi phát hiện muộn, không chỉ rút ngắn thời gian điều trị bảo tồn mà còn giảm cơ hội ghép thận. Có người dù được người thân sẵn sàng hiến thận cũng không thể ghép do biến chứng suy tim.
“Nhiều thanh niên đang trong độ tuổi lao động phải gắn bó dài ngày với máy lọc thận” - bác sĩ Dũng chia sẻ.
Tương tự, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân T.V.B, 24 tuổi, cũng suy thận giai đoạn cuối sau thời gian dài sống với thói quen xấu: Thức khuya, uống nước ngọt thay nước lọc, ăn mì tôm thường xuyên, ít vận động. Khi phát hiện bệnh, B. đã phải từ bỏ công việc kinh doanh để gắn bó với máy lọc máu hai buổi mỗi tuần, cuộc sống hoàn toàn đảo lộn.
Cái giá đắt từ thói quen sống thiếu lành mạnh
Gần 850 triệu người trên thế giới, tương đương hơn 10% dân số, đang sống chung với bệnh thận mạn tính. Tại Việt Nam, khoảng 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh, nhưng 90% không hề biết mình mang bệnh cho đến khi bước vào giai đoạn muộn.
Bệnh thận mạn tính được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì diễn tiến âm thầm, không triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nếu không được phát hiện sớm, bệnh có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như suy tim, đột quỵ, thiếu máu… Dự báo đến năm 2040, bệnh thận mạn tính sẽ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 5 toàn cầu.
Tại Việt Nam, khoảng 800.000 người đã ở giai đoạn cuối, cần lọc máu hoặc ghép thận. Tuy nhiên, hệ thống y tế mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu này. Chi phí điều trị bệnh thận mạn tính hiện chiếm 4,7% ngân sách y tế và dự kiến tăng lên 9,2% vào năm 2026. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, hệ thống y tế có nguy cơ quá tải nghiêm trọng.
Tại Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, không hiếm gặp những bệnh nhân suy thận mạn ở độ tuổi còn rất trẻ. Có em chỉ mới 15 - 16 tuổi nhưng đã rơi vào giai đoạn cuối của bệnh thận mạn, buộc phải lọc máu cấp cứu để duy trì sự sống.
TS.BS Nghiêm Trung Dũng cho biết thêm: Đa số người bệnh đến trong tình trạng đã quá muộn, mọi thứ gần như khó có thể đảo ngược. Nếu được phát hiện sớm, hoàn toàn có thể làm chậm tiến triển bệnh thận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người chỉ biết mình mắc bệnh sau các đợt khám sức khỏe tổng quát hoặc khi làm thủ tục du học, đi làm.
Khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, không chỉ chi phí điều trị tốn kém mà thời gian điều trị bảo tồn cũng ngắn hơn. Nhiều trường hợp đến trong tình trạng phải lọc máu cấp cứu. Lúc đó, thận đã suy nặng, kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, suy hô hấp… Người bệnh không còn nhiều quyền lựa chọn phương pháp điều trị. Ngay cả khi có điều kiện ghép thận, sức khỏe quá yếu cũng khiến không thể thực hiện được.
Theo các bác sĩ, sự trẻ hóa của bệnh suy thận mạn đang có mối liên hệ chặt chẽ với lối sống thiếu lành mạnh của người trẻ hiện nay. Chế độ ăn nhiều muối, thường xuyên dùng thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống không rõ nguồn gốc, ngủ muộn, lười vận động… đều là các yếu tố nguy cơ làm rối loạn chuyển hóa và ảnh hưởng đến chức năng thận.