400 cửa hàng với doanh thu 10.000 tỷ đồng
Áp lực trong cuộc chạy đua bán lẻ dược phẩm của FPT Retail dường như đã giảm đi đáng kể khi Thế giới Di động vừa công bố giảm tỷ lệ sở hữu tại chuỗi An Khang (trước đây là Phúc An Khang). Có thể, Thế giới Di động tạm thời “rút” khỏi ngành này, bởi họ cần làm nhiều việc quan trọng hơn, đặc biệt với chuỗi cửa hàng thực phẩm Bách hóa Xanh.
Cuối năm 2017, giới kinh doanh mường tượng đến kịch bản so kè giữa FPT Retail và Thế giới Di động trong mảng kinh doanh mới là dược phẩm, khi cùng tuyên bố mua lại các chuỗi cửa hàng dược phẩm hiện có. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh của Thế giới Di động đang phải điều chỉnh, do họ không thể cùng một lúc hoàn thành quá nhiều tham vọng.
Với tham vọng dẫn đầu ngành bán lẻ dược phẩm, FPT Retail sẽ mở 400 cửa hàng Long Châu đến năm 2022 .
“Thế giới Di động có thể muốn tập trung vào thị trường thực phẩm có quy mô không dưới 50 tỷ USD, nên chọn cách dồn nguồn lực cho Bách hóa Xanh vốn đã chịu lỗ rất nhiều. Trong khi đó, với chuỗi thuốc An Khang, họ chỉ vừa bắt đầu tham gia”, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPT Retail chia sẻ về việc Thế giới Di động giảm tỷ lệ sở hữu chuỗi An Khang xuống dưới 49%.
FPT Retail sẽ phải “nhanh chân” mở rộng quy mô chuỗi thuốc Long Châu trước khi có thêm đối trọng trên thị trường. Với 10 cửa hàng hiện có, họ đã kết thúc quãng thời gian thử nghiệm và sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng từ năm 2018, với tốc độ mở mới bằng chuỗi bán lẻ FPT Shop (100 cửa hàng/năm). Khi sở hữu 400 cửa hàng Long Châu đến năm 2022, bà Điệp dự tính, doanh thu mang lại không dưới 10.000 tỷ đồng.
Đại diện FPT Retail cũng đưa ra hàng loạt dẫn chứng chứng tỏ vị thế và tham vọng dẫn đầu ngành bán lẻ dược phẩm của Công ty. Theo dữ liệu của đội ngũ nghiên cứu và nguồn tin từ các chuỗi cửa hàng thuốc, doanh thu trung bình mỗi tháng của Long Châu hiện đạt khoảng 134.000 USD/cửa hàng, trong khi chuỗi Pharmacity là 11.000 USD, Phano là 18.000 USD, Eco là 25.000 USD và An Khang là 32.000 USD. 60% doanh thu của chuỗi này đến từ các sản phẩm tân dược, phần còn lại phụ thuộc vào dược mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế.
Tham vọng của FPT Retail là tăng tỷ lệ doanh thu đến từ thực phẩm chức năng, bởi theo bà Điệp, mặt hàng này có biên lợi nhuận gấp khoảng 10 lần so với các sản phẩm còn lại. Thêm vào đó, quy mô thị trường dược phẩm ở mức 5 tỷ USD/năm được chia cho đều 3 “đầu mối”, từ nhà thuốc tại bệnh viện, tại phòng khám tư nhân và tại các chuỗi như Long Châu.
“Chúng tôi đều đã có và thực hiện những kế hoạch thâm nhập, tăng tỷ lệ hiện diện thương hiệu tại cả bệnh viện và phòng khám tư để chiếm khoảng 30% thị phần ngành dược trong 4 năm tới”, bà Bạch Điệp nói.
Thêm vào đó, mức tăng trưởng hàng năm của ngành dược phẩm không dưới 13% và không phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” nền kinh tế, nên FPT Retail tin tưởng sẽ dẫn đầu ngành này.
Yêu cầu minh bạch sản phẩm
Được biết, chiến lược cạnh tranh về giá sẽ được FPT Retail chú trọng. Hiện trung bình giá các mặt hàng tại chuỗi Long Châu thấp hơn kênh bệnh viện 10-20% và có mức lãi/tổng đơn hàng so với các cửa hàng có thương hiệu như Phano, An Khang… trên 50%. Tuy nhiên, bà Điệp cũng thừa nhận, chuỗi đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức liên quan đến “nguồn hàng còn rất lộn xộn”, yêu cầu đặc thù về trung tâm phân phối và địa điểm.
Ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị cho rằng, thị trường bán lẻ dược phẩm nhìn từ bên ngoài là hấp dẫn, nhưng tìm hiểu kỹ hoặc thâm nhập sâu, mới thấy, mở vài điểm thì được, còn kinh doanh chuỗi là không dễ. Bán lẻ từng mặt hàng có những đặc thù về phương thức thu mua, lưu kho, vận chuyển, bảo quản, trưng bày, quy trình sử dụng/tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ khách hàng trước, trong và sau khi mua, thời hạn sử dụng...
Về thị trường, bán lẻ từng mặt hàng khác nhau về nhu cầu, tâm lý tiêu dùng, thói quen mua, quy trình sử dụng sản phẩm, đối tượng tiêu dùng, độ minh bạch của thị trường, mức độ cạnh tranh, quy mô thị trường, khả năng thâm nhập kênh phân phối...
Với riêng ngành dược, bên cạnh những yếu tố trên, còn có một số đặc thù, có thể gọi là rào cản, đối với việc phát triển chuỗi, như không dễ xin giấy phép mở điểm mới, dẫn đến không thể tăng quy mô nhanh như các ngành khác; ít nhân viên, nên có một số hoạt động không thể quản lý bằng hệ thống phần mềm (đưa hàng ngoài vào bán, nâng giá, bán hàng giả...) và rủi ro cao (sản phẩm liên quan đến sức khỏe).
“Một cá nhân mở 1 - 2 cửa hàng thì dễ, nhưng tập đoàn lớn sẽ gặp thêm khó khăn nữa về hiệu quả. Do khó phát triển điểm bán một cách nhanh chóng như những ngành hàng tiêu dùng bình thường, nên tốc độ tăng trưởng doanh thu rất chậm so với các mục khác trong danh mục đầu tư. Phân bổ kiểu gì cũng khiến hiệu quả kinh doanh của ngành mới này trở nên nhỏ bé và ‘khó coi’ tại báo cáo tài chính trong nhiều năm”, ông Đỗ Hòa chia sẻ.
Theo Đầu tư