Tác động cả tích cực và tiêu cực
Khi các sản phẩm hàng hóa bị áp thuế của hai bên (Mỹ và Trung Quốc) mới chỉ ở diện hẹp, gồm các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc và một số sản phẩm nông nghiệp của Mỹ đều là các sản phẩm không thuộc thế mạnh của Việt Nam. Do đó, tác động trực tiếp và tức thời lên xuất khẩu Việt Nam sẽ không quá lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tích cực, DN Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội tại thị trường Mỹ, khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao. Cũng như vậy, ở thị trường Trung Quốc, mặc dù nhiều loại hàng hóa mà Trung Quốc có thể áp thuế cao đối với Mỹ nhưng không phải là thế mạnh của Việt Nam, thì cũng không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng được thị trường này.
Tuy nhiên, ở chiều tiêu cực, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác. Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc. Cùng với đó, thị trường nội địa của Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh và diễn biến có thể sẽ phức tạp hơn nhiều. Ngoài ra, trường hợp một phần hàng hóa lẽ ra xuất khẩu sẽ buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, nên xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này cũng có thể sẽ khó khăn hơn.
Xét ở bình diện rộng hơn, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến luồng thương mại thế giới bị dịch chuyển, cạnh tranh sẽ phức tạp hơn nhiều ở các thị trường khác và trên thị trường Việt Nam. Đó là chưa kể tới những diễn biến phức tạp khác về dòng đầu tư, nguồn cung, cầu trên thế giới, thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán dưới tác động phức hợp từ cuộc chiến này. Như vậy, trong lâu dài, có thể thấy, tác động tích cực và tiêu cực đều có thể có, nhưng tiêu cực có lẽ sẽ nhiều hơn. Điều này cũng không quá khó hiểu, một cuộc chiến thương mại trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay sẽ không có lợi cho bất kỳ ai.
Cần chủ động để ứng phó
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và có độ mở cao, phụ thuộc khá lớn vào các biến động của thị trường thế giới. Do đó, DN Việt Nam không có nhiều lựa chọn trong bối cảnh này.
Tuy nhiên, để giảm nhẹ tác động, theo tôi, đối với các DN xuất khẩu, có lẽ việc quan trọng nhất là theo dõi sát sao tình hình thị trường. Không chỉ ở Mỹ hay Trung Quốc mà ở cả các thị trường khác. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng việc điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, nguồn cung và thị trường một cách linh hoạt nhất có thể, tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ có ngoài thị trường Mỹ và Trung Quốc. Mặt khác, đối với các DN bán hàng trong nước, ngoài chuyện bám sát tình hình, chúng ta cũng cần nghĩ đến việc liên kết lại cùng nhau, thông tin lẫn nhau và cùng hành động khi cần thiết. Ví dụ, chúng ta có thể sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp như kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài. Thị trường Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, cũng đang là một thị trường đầy tiềm năng và nhiều triển vọng mà không ít DN nước ngoài mong muốn chiếm lĩnh và chinh phục. “Nếu làm tốt được điều này và nếu các DN chú trọng hơn tới thị trường nội địa, Việt Nam có thể giảm nhập siêu và việc phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ không còn trở thành áp lực. Đương nhiên, tác động từ những cuộc chiến thương mại bên ngoài sẽ khó có thể ảnh hưởng tới sự sống còn của DN” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, bên cạnh những thách thức cũng sẽ luôn có những cơ hội tiềm ẩn, mà một DN khôn ngoan cần biết cách để đón bắt và tận dụng. “Hơn lúc nào hết, các DN Việt Nam hãy nhanh chóng dồn sức lực, trí tuệ để nâng cao trình độ, đầu tư vào công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình. Đó là nội lực, là sức mạnh giúp DN tồn tại và vượt qua mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong thời đại khoa công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay”- đó là những chia sẻ của người đứng đầu VCCI.
Theo KTĐT