2017 được đánh giá là một năm không sôi động trên thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) so với 2016, nhưng cũng để lại dấu ấn đặc biệt với hàng loạt các giao dịch lớn liên quan đến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Cùng nhìn lại thị trường M&A năm 2017 và dự báo xu hướng cho năm tới, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Công ty AVM Vietnam, đơn vị đồng tổ chức Diễn đàn M&A Vietnam thường niên.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Công ty AVM Vietnam
Ông nhận định như thế nào về thị trường M&A trong năm 2017?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, tuy nhiên nhìn chung, bức tranh thị trường M&A trong năm 2017 tương đối trầm hơn so với năm 2016 cả về số lượng lẫn giá trị các thương vụ. Những thương vụ tỷ đô trong năm 2017 cũng giảm hơn hẳn so với năm ngoái.
Các xu hướng chủ yếu trên thị trường vẫn là các lĩnh vực như hàng tiêu dùng nhanh (thực phẩm, bia, sữa) bán lẻ, bất động sản. Trong đó, một số thương vụ lớn, đáng chú ý có thể kể đến như Thai Beverage chi 4,8 tỷ USD để mua lại 53% cổ phần Sabeco, JCC chi 1 tỷ USD mua lại 10% cổ phần Vinamilk, China Fortune chi 65 triệu USD mua 100% Vina Đại Phước...
Cùng với đó, trong năm 2017, các nhà đầu tư Thái vẫn giữ vị trí nổi bật nhất trên thị trường M&A về giá trị giao dịch do sự gần gũi về mặt địa lý, văn hoá. Xu hướng của các nhà đầu tư này tiếp tục quan tâm vào các ngành bán lẻ, đồ uống, đóng gói và xi măng. Tiếp đến là các nhà đầu tư Nhật quan tâm đến các ngành thực phẩm, đóng gói, xây dựng, tài chính và bất động sản.
Trong năm vừa qua, việc đẩy mạnh thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước đã tạo động lực cho các thương vụ M&A lớn. Trong khi đó, hoạt động chuyển nhượng tại khu vực tư nhân, lại có xu hướng giảm do thiếu các nguồn hàng đủ quy mô, chất lượng, hấp dẫn các nhà đầu tư. Quá trình giao dịch với các thủ tục phức tạp bị kéo kéo dài là nguyên nhân chính cản trở hoạt động chuyển nhượng.
Ông có thể lý giải lý do tại sao khiến thị trường M&A 2017 trầm hơn so với năm 2016? Liệu xu hướng này có được tiếp tục trong năm 2018 tới?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do trong năm 2016, khối tư nhân đã ghi nhận nhiều dự án M&A với giá trị lớn như việc chuyển giao của BigC, Metro. Trong khi đó, năm 2017, không còn nhiều các thương vụ lớn như vậy nên giá trị và số lượng thương vụ M&A có sự giảm đi.
Bên cạnh đó, sau một giai đoạn phát triển sôi động, số lượng các công ty đủ quy mô và chất lượng để hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cũng giảm. Nguồn cung hàng tại khu vực tư nhân có xu hướng chững lại do các thương hiệu mạnh gần như đã có chủ trong giai đoạn trước.
Do đó, thị trường cần thời gian để các doanh nghiệp mới phát triển đủ lớn và trở thành mục tiêu thâu tóm của các nhà đầu tư.
Tất nhiên với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đâu đó cũng có nhà đầu tư quan tâm nhưng giá trị chuyển nhượng không nhiều nên không có sự tác động quá lớn dến thị trường.
Bên cạnh đó, hiện tại Nhà nước vẫn đang nắm cổ phần lớn ở các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, hàng không… Do đó, hoạt động của M&A có tăng trưởng mạnh mẽ hay không trong thời gian tới còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quyết liệt của Chính phủ trong việc thoái vốn các doanh nghiệp này.
Nhưng nền tảng để tiếp tục duy trì sự phát triển của thị trường M&A như sự tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, chi phí lao động hợp lý, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, môi trường kinh doanh cải thiện, quá trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và sự phát triển của khu vưc kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Đây sẽ là những yếu tố căn bản, thúc đẩy hoạt động M&A trong năm 2018 tiếp tục phát triển ổn định.
Theo ông xu hướng M&A được các nhà đầu tư quan tâm và có cơ hội bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới là gì?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Có thể nói trước hết là xu hướng các nhà đầu tư quan tâm đến những doanh nghiệp nhà nước thoái vốn. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, các doanh nghiệp này chỉ cần có một thị phần ổn định, bề dày lịch sử phát triển, giá trị tài sản, thương hiệu, đặc biêt là có triển vọng tăng trưởng tốt thì các nhà đầu tư chắc chắn sẽ tham gia, thậm chí chấp nhận giá cao với điều kiện phải có cơ hội phát triển.
Thứ hai, các doanh nghiệp đầu tư thường có xu hướng muốn nắm quyền chi phối doanh nghiệp sau M&A. Do đó, với những doanh nghiệp không thoái hết vốn hoặc chỉ thoái vốn một phần nhỏ, các nhà đầu tư sẽ rất ít tham gia.
Trong thời gian tới, có thể nhìn thấy rõ “khẩu vị” của các nhà đầu tư vẫn tiếp tục quan tâm đến các phân khúc thị trường như bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh, giáo dục, vật liệu xây dựng.
Nguyên nhân là do các sản phẩm này được cung cấp trực tiếp ra thị trường, chiếm thị phần lớn, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ thích những ngành liên quan đến bán lẻ, cung cấp sản phẩm cho người sử dụng cuối cùng.
Đây là những ngành có thể thấy rõ sự tăng trưởng, vì thể các họ muốn thâm nhập vào thị trường 90 triệu dân của Việt Nam thông qua các công ty này sau chuyển nhượng. Do đó, có thể nói là bằng giá chuyển nhượng nào họ cũng sẽ chấp nhận. Trường hợp tại Sabeco là một ví dụ. Ngược lại, các ngành sản xuất phải cạnh tranh trực tiếp với xuất khẩu lại không được các nhà đầu tư mặn mà tham gia.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc các nhà đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế trên thị trường M&A đang tiềm ẩn nguy cơ Việt Nam sẽ mất đi nhiều thương hiệu sản phẩm quốc gia, ông có nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Tôi cho rằng, đối với M&A vấn đề không phải là nên hay không mà cần nhìn nhận nó là một quy luật của thị trường. Doanh nghiệp hoạt động đến một mức độ nào đó không còn hiệu quả, kinh doanh đi xuống hoặc không còn khả năng cho tăng trưởng nữa thì nên nghĩ đến giải pháp bán đi hoặc chấp nhận mất quyền kiểm soát để doanh nghiệp có bước phát triển mới mang lại hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó, M&A không phải mục đích mà là công cụ thực hiện. Do đó không nên quá đặt nặng vào giá trị thương vụ mà hãy quan tâm đến chất lượng thương vụ như thế nào sau chuyển nhượng. Giá trị doanh nghiệp có được tăng lên, người tiêu dùng có được hưởng lợi? đó mới là điều quan trọng hơn cả.
Đánh giá về hiệu quả của một thương vụ M&A cũng như về hoạt động của thị trường này cần phải nhìn ở góc độ tài chính. Cái được sau mỗi thương vụ là số tiền mang lại lớn hơn nhiều so với số tiền lợi nhuận khi chúng ta vẫn giữ doanh nghiệp đó.
Sabeco mỗi năm chia cổ tức chỉ lãi 2-3 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, giả sử nếu thoái hết vốn, Nhà nước thu về 10 tỷ đô. Với số tiền này, nếu Việt Nam đi vay nước ngoài thì số lãi phải trả còn cao hơn rất nhiều so với cổ tức thu được.
Đương nhiên, sẽ vẫn có những cái mất mà dư luận đặt ra như thương hiệu quốc gia về bia. Song đây chỉ là vấn đề mang tính tinh thần, suy cho cùng vẫn phải tính toán đến phương án mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, rộng hơn là hiệu quả cho xã hội.
Các doanh nghiệp nước ngoài vào thâu tóm các công ty Việt có thể giúp doanh nghiệp quản trị tốt hơn, mang lại nhiều giá trị cho xã hội hơn. Và sau cùng là người tiêu dùng được hưởng lợi vì có nhiều sự lựa chọn với những sản phẩm chất lượng hơn.
Vấn đề đáng lo ngại nhất ở đây là việc các doanh nghiệp này kiểm soát thị trường, độc quyền, tăng giá bán sản phẩm sau chuyển nhượng. Tuy nhiên, theo tôi, việc này là không đáng ngại vì sự canh tranh trên thị trường hiện nay rất lớn, hơn nữa Nhà nước luôn có cơ chế để quản lý vấn đề này.
Các doanh nghiệp trong nước cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường M&A hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Để cạnh tranh được đối với các doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước cần phát huy được những lợi thế của mình về khả năng am hiểu thị trường, văn hoá, đặc điểm tiêu dùng của người Việt.
Đồng thời, đầu tư cho phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh từ sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, cải thiện công tác quản trị theo hướng minh bạch, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tạo nhiều điều kiện hơn nữa cho các nhà đầu tư trong nước tham gia vào các thương vụ lớn như hỗ trợ vốn vay ngân hàng, ưu tiên về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nước để thuận lợi cho các doanh nghiệp nội tham gia M&A.
Theo ông cần có những giải pháp gì để giải quyết các thách thức như đã đề cập để thúc đẩy các thương vụ M&A trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Quốc Việt: Theo tôi, để thúc đẩy hoạt động M&A, Chính phủ cần có đột phá về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, minh bạch thông tin, đồng thời quyết liệt hơn nữa trong việc thoái vốn các công ty nhà nước.
Mặt khác, khi các doanh nghiệp tên tuổi của Nhà nước đã hoàn thành việc thoái vốn và bán cho nhà đầu tư chiến lược thì vai trò của khối tư nhân là rất quan trọng để quyết định nguồn cung cho M&A. Do đó, Nhà nước cần thúc đẩy, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, làm động lực cho sự tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Theleader
Nội dung đang cập nhật...
Giấy phép số: 218/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp
Địa chỉ: Tầng 3, nhà D, Khách sạn La Thành, số 226 Vạn Phúc, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0877459777 - Email: nhat.cao@bcsi.edu.vn
Website: www.bcsi.edu.vn
Copyright © 2016 by BCSI