Nhận thức đúng đắn về cạnh tranh và hội nhập
Về tổng quan, AVR cho rằng thời gian qua, ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng tốt so với các ngành công nghiệp khác, cũng như so với mức tăng trưởng GDP. Thị trường hiện nay đã có sự mở của hoàn toàn cho các nhà bán lẻ (NBL) nước ngoài. Trên thị trường đang có nhiều NBL nước ngoài hoạt động và điều này tạo một sân chơi, thúc đẩy cạnh tranh, làm cho các NBL trong nước phải năng động, phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, phải “chiến đấu” để đối mặt với thực tế đó chứ không phải nằm im, chờ chết.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Vinmart. Ảnh | Quốc Hợp
Theo bà, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang đối mặt với những khó khăn gì và cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần bán lẻ trong nước?
DN bán lẻ trong nước có những khó khăn như quy mô nhỏ bé, phát triển sau, nguồn lực về tài chính hạn chế. Mặt khác, qua hơn 10 năm phát triển, thị trường bán lẻ đã có những bước phát triển đáng ghi nhận nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề phải đối mặt như chất lượng nguồn nhân lực, tính chuyên nghiệp chưa cao, logistics cho bán lẻ vẫn yếu kém, chi phí cao cho hệ thống kho bãi, vận tải, làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh. Ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực liên quan tới internet của các DN bán lẻ Việt Nam còn thấp, trong khi đây lại là thế mạnh của các DN bán lẻ nước ngoài. Chuyển đổi về mặt số (Digital Transformation) trong bán lẻ là một đòi hỏi cấp bách đối với các DN bán lẻ trong nước.
Trong bối cảnh trên, điều gây ấn tượng nhất, hay nói cách khác là điều thành công nhất mà các NBL Việt có được là nhận thức đúng đắn về cạnh tranh và hội nhập. Họ chấp nhận thực tế, chấp nhận cạnh tranh, không lảng tránh, mơ hồ như thời gian trước. Hiện nay, nhiều NBL trong nước là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, có chiến lược phát triển tốt. Thí dụ, hệ thống của Saigon Co.op, hệ thống bán lẻ Satra, hệ thống VinMart và Vinmart +, Fivimart, v,v. luôn có chiến lược, chiến thuật thay đổi theo tình hình thị trường, mở rộng hệ thống với tầm nhìn dài hạn đi kèm với việc nâng cao chất lượng. Bản thân DN biết rất rõ mình thiếu gì, yếu gì. Phải nỗ lực khắc phục điểm yếu và mạnh dạn thay đổi, cởi mở trong suy nghĩ, tư duy, chiến lược để hội nhập quốc tế và dám làm. Các NBL FDI dĩ nhiên họ “hoành tráng” hơn, vì họ cách xa mình hàng trăm năm phát triển và có nhiều thế mạnh cả về nguồn lực tài chính, mạng lưới, thương hiệu và kinh nghiệm. Nhưng chúng tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào sức trẻ, vào ý chí vươn lên và nỗ lực của các DN bán lẻ trong nước và sẽ đồng hành với họ, trợ giúp họ.
Cần có chính sách hỗ trợ ngành bán lẻ trong nước
Trước những khó khăn đó, theo bà, Nhà nước cần làm gì để hỗ trợ những doanh nghiệp bán lẻ trong nước mà không vi phạm những cam kết của WTO và những hiệp định thương mại tự do khác?
Quan điểm của AVR là không trông chờ vào bảo hộ, nhưng từ phía các NBL trong nước vẫn mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngành bán lẻ nội địa phát triển. Tôi khẳng định, chính sách để ủng hộ DN trong nước vẫn còn nhiều, mà không hề trái với các cam kết WTO và các FTA thế hệ mới.
Việc đầu tiên Nhà nước có thể làm là hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các DN bán lẻ đang trong tình trạng hầu như 100% nhân viên tuyển vào đều phải đào tạo lại, mất thời gian và tốn kém, làm suy giảm sức cạnh tranh. Nhà nước cũng cần hỗ trợ về thông tin, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu cho các DN bán lẻ Việt Nam, kết nối giữa các NBL với người sản xuất và người tiêu dùng... AVR cũng đã từng có đề xuất một số điểm để hỗ trợ các NBL trong nước, trong đó có ưu đãi đầu tư đối với ngành bán lẻ, khuyến khích cho vay tín dụng với các NBL nhỏ và vừa.
Mới đây Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước, trong đó có tạo điều kiện về quỹ đất và mặt bằng bán lẻ. Đến nay, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước đã nhận được những hỗ trợ nào, thưa bà?
DN phân phối bán lẻ mấy năm gần đây đã được hỗ trợ một phần nhỏ thông qua chương trình Xúc tiến thương mại và Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Riêng về quỹ đất và mặt bằng bán lẻ, theo tôi biết, chưa có hỗ trợ gì rõ rệt và cụ thể. Mặt bằng, quỹ đất cho bán lẻ là vấn đề đáng ngại, rất nhiều DN bán lẻ trong nước phải bỏ chi phí cao để thuê mặt bằng. AVR đã kiến nghị cần có chính sách để các nhà chung cư hay trung tâm thương mại nên dành lại những mặt bằng cho các NBL trong nước thuê với giá hợp lý để có chi phí tái đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh.
AVR đã có những giải pháp nào để hàng Việt Nam chiếm lĩnh hệ thị trường bán lẻ trong nước?
AVR luôn cổ động tinh thần người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Với các NBL thì mục đích tối thượng là đưa hàng hóa tốt nhất, dịch vụ hợp lý nhất đến người tiêu dùng. AVR thường xuyên khuyến khích các thành viên của mình ưu tiên bán hàng Việt. Đối với DN FDI ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, thực tế không có NBL nào chỉ bán mỗi hàng của nước mình mà luôn phải bảo đảm hàng địa phương ở một tỷ lệ đáng kể do nhiều lý do về văn hóa, thói quen tiêu dùng và hiệu quả kinh tế.
Nhưng cũng không có một sự ràng buộc nào buộc các NBL FDI bán hàng Việt cả. Vì vậy, ngoài việc kêu gọi họ ưu tiên hàng Việt, AVR còn động viên các NBL nước ngoài bảo đảm tỷ lệ hàng Việt chiếm đa số, ít nhất là không thấp hơn tỷ lệ hàng Việt trước các vụ mua bán, sáp nhập gần đây. AVR đã khuyến khích một số nhà phân phối - bán lẻ FDI như chuỗi BigC và chuỗi Metro (nay là MM Mega Market)... cam kết với Bộ Công thương bảo đảm tỷ lệ hàng Việt cao trong hệ thống của họ. Nhưng lâu dài, hàng Việt muốn chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống bán lẻ thì phải đi từ gốc rễ của vấn đề là nâng cao chất lượng, có sức cạnh tranh lớn. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây nhấn mạnh: Không nên chỉ trông chờ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt mà tự hàng Việt phải chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Thị trường bán lẻ trong nước gần đây có sự tham gia của những gã bán hàng trực tuyến khổng lồ của thế giới là Amazon, Alibaba... Doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến trong nước làm thế nào để cạnh tranh trong cuộc chiến được đánh giá là không cân sức này?
Làn sóng bán lẻ trực tuyến vào Việt Nam là một xu thế không thể đảo ngược. Đây là một vấn đề cần cảnh báo và các DN bán lẻ Việt Nam phải có sự chuẩn bị tốt, có cách làm để đứng vững trên thị trường. Hiện nay các nhà bán lẻ Việt hầu hết đều có kênh bán lẻ online, như Saigon Co.op với kênh mua sắm qua truyền hình HTV Co.op, qua internet và các phương tiện truyền thông khác, kênh bán lẻ trực truyến của Satra, Hapro, Nguyễn Kim, Kangaroo, Pico, HC, Adayroi của Vingroup, v.v. Có thể nói, cuộc chơi đang không cân sức, chẳng khác nào các võ sĩ Việt Nam thi đấu với những tay đấm hàng đầu thế giới. Nhưng các DN bán lẻ trong nước phải tìm mọi cách để tiến lên, không còn đường lùi. So với họ, chúng ta cũng có những thế mạnh riêng, như hiểu biết về thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, có sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước. Chúng ta nhỏ hơn nhưng lại là một lợi thế vì nhỏ sẽ dễ linh hoạt, ứng biến hơn.
Xin cảm ơn bà!
Theo Nhân dân