Nâng cao giá trị thương hiệu dệt may Việt Nam

Nâng cao giá trị thương hiệu dệt may Việt Nam

Trong những năm qua, ngành dệt may Việt Nam luôn cán đích ở mức tăng trưởng đạt hai con số, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD trong năm 2017 và dự kiến đạt 34 tỷ USD trong năm 2018.

 


Mặc dù ngành dệt may Việt Nam hiện đang đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu hàng may mặc, nhưng chúng ta lại chưa có thương hiệu sản phẩm may mặc nào mang tầm quốc tế, tạo ra giá trị thặng dư cao. Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may (DNDM) cần sớm có chiến lược xây dựng những thương hiệu mạnh cũng như phát triển các giá trị thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Kết quả hình ảnh cho Nâng cao giá trá» thÆ°Æ¡ng hiá»u dá»t may Viá»t Nam

Bên cạnh đó, dù đã đạt được các thành tựu đáng khích lệ, như bảo đảm mức độ tăng trưởng dương về cả giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận; là một trong những ngành đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội với 7.000 doanh nghiệp, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho gần ba triệu lao động… nhưng ngành dệt may Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khi đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Ở thị trường trong nước, các DNDM phải đối diện thường xuyên với nạn hàng nhái, hàng giả.

Tại thị trường nước ngoài, các sản phẩm dệt may Việt Nam đang gặp khó khăn trong cạnh tranh bởi các hàng rào thương mại với các chính sách bảo hộ hàng trong nước của nhiều quốc gia. Từ thực tế nêu trên, đòi hỏi các DNDM phải có những thay đổi cho phù hợp với bối cảnh mới, mà một trong những vấn đề then chốt là các doanh nghiệp cần xây dựng những thương hiệu dệt may mạnh, đồng thời có định hướng chiến lược để nâng cao và phát triển các giá trị thương hiệu - tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hàng chục tỷ USD hàng may mặc ra thị trường thế giới, nhưng giá nhập khẩu nguyên phụ liệu đã chiếm tới 16 đến 17 tỷ USD. Điều đó cho thấy, chúng ta đang phụ thuộc rất lớn nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu mà chưa tạo ra được giá trị gia tăng cao. Mặt khác, dệt may Việt Nam mới chủ yếu dừng ở mức chuyên may gia công mà chưa nghiên cứu, phát triển thương hiệu một cách đúng mức, có bài bản. Trong đó, phải hướng dần vào việc sản xuất hàng ODM, OBM (thiết kế, sản xuất gắn thương hiệu và có thị trường tiêu thụ riêng) để tạo ra giá trị gia tăng.

Chính vì vậy, bên cạnh việc đầu tư, đổi mới công nghệ hiện đại (công nghệ 4.0), nâng cao công tác quản trị, thiết kế sản phẩm,… nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước thì việc nâng cao nhận thức, năng lực khai thác và phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu, sản phẩm của các DNDM sẽ chiếm vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, cần phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn đánh giá giá trị thương hiệu thông qua việc khảo sát, đánh giá, định giá; phát triển thương hiệu; xây dựng chiến lược ngắn hạn và dài hạn… Khi xây dựng phát triển thành công giá trị của các thương hiệu, điều tất yếu sẽ mang lại giá trị thặng dư rất lớn cho các doanh nghiệp do sản phẩm sẽ được bán với giá cao hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại khác.

Ngoài ra, trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường, yêu cầu các doanh nghiệp phải có những chiến lược hiệu quả để cạnh tranh. Việc dựa vào lợi thế lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công rẻ… đã không còn phù hợp để các doanh nghiệp khai thác trong bối cảnh hội nhập. Thay vào đó, các DN phải quan tâm, đầu tư xứng đáng để tạo lập, phát triển những thương hiệu mạnh, nâng cao giá trị của các thương hiệu, tạo sức lan tỏa, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Theo ND

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang