Giải pháp nào để năng lượng Việt Nam chuyển sang "xanh"?

Giải pháp nào để năng lượng Việt Nam chuyển sang "xanh"?

Giá năng lượng, kêu gọi đầu tư, tăng tính cạnh tranh và minh bạch thị trường điện là những thách thức lớn để thực hiện quy hoạch năng lượng quốc gia đến năm 2050. Tại tọa đàm “Tìm giải pháp thực hiện quy hoạch ngành năng lượng, đáp ứng cam kết Net Zero” do báo Công Thương tổ chức, TS Võ Trí Thành đã nêu 3 nguyên tắc và 2 nhóm giải pháp để định hướng giải quyết các điểm nghẽn nêu trên.

Nguồn:Petrotimes

Vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức công bố 3 quy hoạch quan trọng gồm Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch dự trữ năng lượng và Quy hoạch điện VIII. Ba quy hoạch trên thể hiện mục tiêu lớn của Việt Nam đối với việc phát triển năng lượng xanh, kinh tế xanh. Nhưng để thực hiện được các quy hoạch nêu trên hay nói cách khác là thành công chuyển dịch năng lượng của đất nước còn rất nhiều điểm nghẽn từ kế hoạch thực hiện đến vấn đề cơ chế chính sách.

Giải pháp nào để năng lượng Việt Nam chuyển sang

TS Võ Trí Thành (bên trái) tham gia tọa đàm

Trao đổi tại tọa đàm về giá điện, TS Võ Trí Thành cho rằng, giá điện tại Việt Nam, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi này là tính thời điểm sao cho cân bằng các mục tiêu trong quy hoạch năng lượng nêu ra, quyền tiếp cận năng lượng, an ninh năng lượng, khả năng tiếp nhận của các tầng lớp dân cư… Để giải quyết các vấn đề trên cần tuân thủ 3 nguyên tắc.

Trong đó, nguyên tắc thứ nhất là không nên trợ cấp, trợ cấp quá mức đối với các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên sơ cấp truyền thống (than đá, dầu khí) mà chúng ta đang tận khai thác mà cần dành nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng sang xanh, sạch.

Nguyên tắc thứ hai là minh bạch các chi phí một cách rõ ràng. Ví dụ như nhiều năm qua các tập đoàn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh còn rất nhiều nhiệm vụ chính trị, xã hội. Khi các nhiệm vụ này vẫn trộn lẫn với nhau thì khó mà minh bạch được.

Nguyên tắc này rất quan trọng về mặt truyền thông cũng như khả năng thuyết phục công chúng bởi với một đất nước có thu nhập tốt hơn Việt Nam thì có thể người dân sẽ chấp nhận giá điện đắt hơn bởi chi phí sản xuất năng lượng sạch cao hơn nhưng điều kiện tiên quyết là phải minh bạch, phản ảnh đúng chi phí thực sự.

Một nguyên tắc nữa là cần phải có sự hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp cho tầng lớp yếu thế trong xã hội như các hộ nghèo, diện chính sách, hoàn cảnh khó khăn trong vấn đề tiếp cận năng lượng.

Còn về giá, thị trường điện cần phải xây dựng được tính cạnh tranh, cần tăng dần tính thị trường. Chính sách cũng liên quan rất nhiều đến giá hỗ trợ kêu gọi đầu tư. Do công nghệ thay đổi rất nhanh, nếu nhà nước có chính sách trợ cấp tạm gọi là quá mức thì thiệt hại cho Nhà nước hay cả xã hội ta phải gánh chịu là rất lớn. Nhưng nếu chính sách mà không đủ thì cũng không hấp dẫn được nhà đầu tư.

Bởi vậy, cần phải thực hiện theo đúng 3 nguyên tắc nêu trên và cần phải có tính dự báo, linh hoạt để khi công nghệ thay đổi quá nhanh thì nhà nước không bị “hớ”. Bài học về giá FIT trước đây cho thấy đó chính là thách thức rất lớn đối với những người làm chính sách.

TS Võ Trí Thành lưu ý, trong thể chế thực thi không chỉ nhanh hơn, minh bạch hơn, báo cáo giải trình dễ dàng hơn mà còn sử dụng thế nào cho hiệu quả hơn. Chúng ta đã biết để huy động một nguồn vốn lớn cho chuyển dịch năng lượng đã khó rồi nhưng để hấp thụ được lượng tài chính lớn này đôi khi còn khó hơn. Đây là vấn đề điều tiết, kỹ năng xử lý của các bên liên quan sao cho tương thích với nhau. Bài học vừa qua của chúng ta đã thấy rõ điều này.

Giải pháp nào để năng lượng Việt Nam chuyển sang

Toàn cảnh tọa đàm “Tìm giải pháp thực hiện quy hoạch ngành năng lượng, đáp ứng cam kết Net Zero".

Đối với các giải pháp triển khai các quy hoạch liên quan đến ngành năng lượng, TS Võ Trí Thành cho rằng trong quy hoạch ngành năng lượng có 2 nhóm ưu tiên lớn vừa xử lý các mục tiêu căn cơ phát triển năng lượng nói chung (trong đó có ngành điện) vừa bảo đảm an ninh năng lượng xanh lại đồng thời đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Theo đó, nhóm giải pháp thứ nhất là phải tái cấu trúc ngành điện Việt Nam theo hướng thị trường hơn, cạnh tranh hơn, minh bạch hơn. Nếu làm được việc này chúng ta đã phát đi tín hiệu không chỉ gắn với quy hoạch mà còn gắn với “cách chơi” của Việt Nam với thị trường và các nhà đầu tư tạo nên niềm tin với Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch năng lượng.

Tiếp đó, bên cạnh nền tảng nêu trên chúng ta phải thu hút đầu tư. Việt Nam cần sự hỗ trợ từ quốc tế, cần sự vào cuộc của khu vực tư nhân trong nước cũng như thế giới. Đặc biệt đối với ngành công nghệ kỹ thuật phức tạp như năng lượng cần phải có tính “kỹ trị”.

TS Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Nếu chúng ta thật sự khát vọng phát triển đất nước thành một quốc gia có nền kinh tế xanh, hùng mạnh thì quá trình chuyển đổi ngành năng lượng cần tất yếu thực hiện được 2 nhóm giải pháp nêu trên”.

Petrotimes
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang