Phát triển năng lượng xanh - động lực dài hạn để Việt Nam duy trì tăng trưởng

Phát triển năng lượng xanh - động lực dài hạn để Việt Nam duy trì tăng trưởng

Phát triển năng lượng xanh, không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực dài hạn để Việt Nam duy trì tăng trưởng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nguồn:Lao động

Phát triển năng lượng xanh - động lực dài hạn để Việt Nam duy trì tăng trưởng

Phát triển năng lượng xanh là động lực dài hạn để Việt Nam duy trì tăng trưởng, đảm bảo an ninh năng lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh: Tuấn Phong

"Chìa khóa" để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu lần thứ 4 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Việt Nam tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng và thực hiện mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050.

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - Việt Nam, cho biết hiện cơ bản đã xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết cho tăng trưởng xanh.

“Năm 2025, Việt Nam đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước phấn đấu đạt trên mức 8% và tăng trưởng trên hai con số từ năm 2026. Điều này đòi hỏi điện năng sẽ tăng trưởng gấp 1,5 lần.

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam đã triển khai một loạt chính sách và kế hoạch chiến lược, trong đó nổi bật nhất là việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Nâng tổng công suất nguồn điện lên khoảng 183–236 GW (Gigawatt) vào năm 2030, nhằm đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của nền kinh tế” – ông Phòng thông tin.

Về chính sách, theo ông Hoàng Quang Phòng đến tháng 3.2025, Chính phủ đã ban hành một loạt các cơ chế chính sách như Nghị định số 57/2025 - Quy định về Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định số 58/2025 - quy định chi tiết Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

Các chính sách này đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho kế hoạch thực hiện xanh hóa, chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch của doanh nghiệp. Những chính sách trên đã góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp chủ động và mạnh dạn hơn trong lộ trình thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững.

Điện mặt trời mái nhà giúp doanh nghiệp giảm chi phí điện năng

Việt Nam hiện có hơn 380 khu công nghiệp và khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động. Đây là những "điểm nóng" tiêu thụ điện năng, đồng thời cũng là nơi ẩn chứa tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái rất lớn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương - từ thực tế triển khai, điện mặt trời mái nhà giúp doanh nghiệp giảm chi phí điện năng, nâng cao giá trị thương hiệu gắn với yếu tố xanh.

Dù tiềm năng và chính sách đều đã bước đầu định hình, ông Nguyễn Ngọc Trung cũng thẳng thắn nhìn nhận phát điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp còn nhiều rào cản.

Hành lang pháp lý chưa thực sự đồng bộ, khiến doanh nghiệp lúng túng khi đăng ký đấu nối và vận hành. Chi phí đầu tư ban đầu vẫn là gánh nặng lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hạ tầng kỹ thuật của nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận điện phân tán, trong khi thiết bị đo đếm hai chiều vẫn thiếu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu nhận thức và kinh nghiệm vận hành hệ thống năng lượng tái tạo.

Ông Trung đề xuất cần sớm hoàn thiện hướng dẫn cụ thể cho các nghị định mới, nhất là về mô hình tự sản xuất, tự tiêu thụ trong khu công nghiệp. Cần có các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi đầu tư như miễn giảm thuế, tín dụng xanh, khấu hao nhanh.

Ở góc độ hạ tầng, các chủ đầu tư khu công nghiệp cần phối hợp với ngành điện để nâng cấp lưới điện, lắp đặt thiết bị đo đếm thông minh, tạo điều kiện cho điện mặt trời hòa lưới hoặc vận hành độc lập.

Cuối cùng, ông Trung nhấn mạnh vai trò của hợp tác công – tư và quốc tế để huy động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi và đầu tư tư nhân, từ đó triển khai các dự án điện mặt trời một cách bài bản, quy mô và bền vững.

Phát triển năng lượng xanh, không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là động lực dài hạn để Việt Nam duy trì tăng trưởng, đảm bảo an ninh năng lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong chiến lược lớn đó, điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp nếu được phát triển đúng hướng hoàn toàn có thể trở thành mảnh ghép chiến lược, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam đi nhanh hơn, xa hơn và bền vững hơn.

Lao động
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang