Định hướng chiến lược phát triển năng lượng
Từ tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị và Quyết định 2233/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch và bền vững.
Ông Lê Anh Chiến, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) chia sẻ: “Petrovietnam đóng vai trò chủ lực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp gần 11 tỷ m3 khí/năm, chiếm 35% sản lượng điện quốc gia và 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.”
Quang cảnh diễn đàn "Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"
Những con số này không chỉ khẳng định vị thế của Petrovietnam mà còn cho thấy tầm quan trọng của việc tối ưu hóa nguồn cung năng lượng. Định hướng chiến lược đến năm 2030 là xây dựng một hệ thống năng lượng thông minh, bền vững và tích hợp. Điều này bao gồm cả việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và hydrogen xanh.
Gần đây, việc phát triển chuỗi liên kết giá trị trong hệ sinh thái dầu khí góp phần tích cực cho các đơn vị thành viên của Petrovietnam nghiên cứu các giải pháp nhằm tối đa nguồn lực, đổi mới sáng tạo để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí và phát triển các sản phẩm mới, từng bước đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh trên toàn cầu.
Có thể kể đến Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nghiên cứu, sản xuất và xuất bán thành công 3 sản phẩm mới: BOPP, RFCC Naphtha, MixC4 và tối đa chỉ số RON để tăng sản lượng xăng Mogas 95; Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem) phát triển các sản phẩm hóa chất, hóa dầu có giá trị cao, thân thiện với môi trường như sản xuất PP Filler Masterbatch/Compound từ bột PP. Hay như, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã cụ thể hóa chủ trương phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, hợp tác với Công ty Sembcorp Utilities Ltd và đã tổ chức Lễ trao thầu Gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất, Dự án xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore, đồng thời tích cực mở rộng cơ hội hợp tác, xây dựng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung tại Đài Loan (Trung Quốc), tiến tới mở rộng ra các nước trong khu vực. Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) nghiên cứu sử dụng các sản phẩm khí làm nguyên liệu cho các tổ hợp hóa dầu, thu hồi và lưu trữ CO2, công nghệ sản xuất hydrogen và amoniac “xanh” góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…
|
Định hướng chiến lược đến năm 2030 là xây dựng một hệ thống năng lượng thông minh, bền vững và tích hợp. Điều này bao gồm cả việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và hydrogen xanh. |
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, để phát triển bền vững ngành Năng lượng, Việt Nam cần tập trung khai thác các nguồn lực tiềm năng như thủy triều, hải lưu nóng và đặc biệt là năng lượng hạt nhân. Việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận như chủ trương chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là bước chuẩn bị chiến lược cho tương lai, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và thúc đẩy đổi mới cấu trúc phát triển kinh tế.
Cơ hội chuyển dịch năng lượng, hướng tới thị trường cạnh tranh
PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, khẳng định: “Chuyển dịch năng lượng là xu thế không thể đảo ngược, mở ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức."
Các ngành như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học đang trở thành điểm sáng, với tiềm năng tạo ra những đột phá lớn trong việc giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường. Petrovietnam đã nhanh chóng bắt nhịp xu thế này bằng việc đầu tư mạnh vào các dự án năng lượng tái tạo và sản xuất hydrogen xanh. Tuy nhiên, giá thành công nghệ cao, hạ tầng chưa đồng bộ, cùng với những rào cản về chính sách đang là bài toán cần lời giải.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, sự hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia đi trước sẽ là chìa khóa để Việt Nam vượt qua những thách thức này. Cùng đó, các chính sách khuyến khích của Chính phủ như: hỗ trợ giá điện gió, điện mặt trời, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia, đang góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch năng lượng. Đây không chỉ là cơ hội kinh doanh lớn mà còn là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn.
So sánh giá điện với một số nền kinh tế
Việc xây dựng một thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ dừng lại ở việc thu hút vốn đầu tư mà còn đòi hỏi sự minh bạch trong cơ chế quản lý, định giá và phân phối năng lượng. Các chuyên gia năng lượng nhấn mạnh: “Minh bạch là nền tảng để tạo lòng tin từ các nhà đầu tư và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.”
Ngoài ra, hiệu quả vận hành thị trường được xem là yếu tố sống còn để tối ưu hóa nguồn lực, kích thích đổi mới sáng tạo và đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn giảm thiểu lãng phí tài nguyên. Tính bền vững của thị trường là mục tiêu tối thượng, đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Một hệ thống năng lượng "xanh" không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết quốc tế về giảm phát thải mà còn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa là chiến lược đối với Việt Nam. Với sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu, tương lai của thị trường năng lượng sẽ được định hình theo hướng minh bạch, hiệu quả và bền vững. Đây vừa là động lực để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững, vừa là nền tảng giúp quốc gia vươn lên khẳng định vị thế trên trường quốc tế vào năm 2045.