Ngày Tết ông Công ông Táo: Một số sông, hồ ở Hà Nội "ngập" rác

Ngày Tết ông Công ông Táo: Một số sông, hồ ở Hà Nội "ngập" rác

Hàng ngàn, hàng vạn con cá chép sống "đính kèm" túi ni-lông được thả trôi khiến nhiều sông, hồ ở Thủ đô phải gồng mình gánh lượng rác thải lớn do con người xả ra khi tiễn ông Táo về trời.


Thanh niên tình nguyện thu dọn rác thải do người dân xả ra khi thả cá tại khu vực cầu Long Biên. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, theo phong tục, người dân Việt tiễn ông Táo về trời, trình báo với Ngọc Hoàng những việc hay, dở trong gia đình và nhân gian trong suốt một năm.

Thế nhưng có lúc, có nơi, nét đẹp văn hóa này đang bị thực hiện sai, lệch, không những ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường.

Dịp này, hàng ngàn, hàng vạn con cá chép sống "đính kèm" túi ni-lông được thả trôi khiến nhiều sông, hồ ở Thủ đô phải gồng mình gánh lượng rác thải lớn do con người xả ra khi tiễn ông Táo về trời. 

Nhiều bậc cao niên cho rằng, vì quanh năm ở trong bếp nên Táo quân biết hết mọi chuyện hay, dở, tốt, xấu của mọi người.

Vì thế, để "Vua bếp" phù trợ cho cả gia đình được nhiều may mắn trong năm mới, các gia đình thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất cẩn thận với mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu trắng, hương, đèn, nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả và đặc biệt không thể thiếu là hai mũ cánh chuồn cho Táo ông và một mũ không có cánh chuồn cho Táo bà, 3 cái áo bằng giấy cùng một con cá chép kho hay rán hoặc bằng giấy để làm phương tiện cho “Vua bếp” lên chầu trời. Trên Thiên đình, ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. 

Hiện nay, ở nhiều gia đình vào Ngày Tết ông Công ông Táo, con cá được dâng cúng là cá sống, bữa cơm mặn cũng rất thịnh soạn. Sau khi cúng xong, các gia đình cử người mang cá ra sông, ra hồ để thả; tro đốt quần áo, mũ của Táo ông, Táo bà cũng phải mang ra sông, hồ để đổ.

Nhiều người quan niệm, có như thế, Táo ông, Táo bà mới về đến Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng sự thành kính của gia chủ và phù hộ cho gia chủ gặp may trong cuộc sống. 

Việc làm trên đã khiến không ít sông, hồ ở Hà Nội như: hồ Thanh Nhàn, hồ điều hòa Võ Thị Sáu, hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu... vào ngày 23 tháng Chạp bị ô nhiễm. Nhiều người vô tư vứt túi ni-lông ra đường, thành cầu, bờ hồ hay thậm chí ném thẳng xuống sông, hồ khiến nơi đây tràn ngập túi ni-lông và giấy rác.

Ngày 23 tháng Chạp, trên cầu Chương Dương, hướng từ Hà Nội sang Long Biên, phóng viên đã chứng kiến cảnh một phụ nữ khoảng hơn 40 tuổi, một tay điều khiển xe máy, một tay cầm túi ni-lông bên trong đựng cá chép sống quẳng xuống sông Hồng, rồi tăng ga đi thẳng.

Còn tại cầu Long Biên trưa 23 tháng Chạp, nhiều người dân sau khi thả cá xuống sông Hồng đã không tuân thủ luật giao thông đường bộ mà quay đầu xe đi ngược chiều khiến giao thông một số điểm bị tắc nghẽn cục bộ và gây mất an toàn giao thông trên cầu. 

Theo ghi nhận của phóng viên, những hình ảnh thiếu ý thức đó không phải xảy ra ở tất cả các nơi trên địa bàn Thủ đô. Tại không ít sông, hồ ở Hà Nội vào sáng 23 tháng Chạp năm Bính Thân, người dân đã có ý thức bỏ rác vào thùng chứ không vứt túi ni-lông bừa bãi như mọi năm.

Dịp này, Đoàn Thanh niên quận Hà Đông (Hà Nội) phối hợp với Đoàn Thanh niên các phường, trường học trên địa bàn phân công đoàn viên túc trực tại khu vực cầu Đen, cầu Trắng, hồ Văn Quán và một số địa điểm khác trên địa bàn quận để nhắc nhở người dân thả cá, không xả rác và bỏ rác vào thùng đúng nơi quy định. 

Bên cạnh đó, quận Hà Đông còn bổ sung một số thùng rác di động dọc sông Nhuệ và khu vực xung quanh các ao, hồ lớn; tổ chức lực lượng thu gom rác thường xuyên. Trên cầu Long Biên, dù trời rét, hàng chục thành viên nhóm tình nguyện Cá Chép vẫn có mặt dọc 2 bên cầu để vận động người dân thả cá nhưng không xả túi ni-lông ra môi trường. Nhóm tình nguyện còn giúp người dân thả cá và gom rác. 

Em Phạm Thị Kim Dung, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: Trước ngày lễ tiễn ông Táo về trời, em và các bạn đã đọc được thông tin trên mạng về nhóm tình nguyện Cá Chép và đã đăng ký tham gia. Ngay từ sáng sớm 23 tháng Chạp, nhóm tình nguyện viên đã có mặt trên cầu Long Biên cầm băng rôn, khẩu hiệu trải rộng hai bên đường trên cầu.

Vừa tuyên truyền người dân không nên xả rác vàng mã đã đốt, hay vứt túi ni-lông bừa bãi, các tình nguyện viên còn thu gom túi ni-lông của một số ít người dân không có ý thức bỏ lại trên thành cầu sau khi thả cả xuống sông Hồng. 

Trưa 23 tháng Chạp, hệ thống loa truyền thanh ở nhiều xã, phường trên địa bàn Thủ đô cũng phát đi những thông tin tuyên truyền về ý nghĩa ngày Tết ông Công, ông Táo kết hợp với việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ cảnh quan, để góp phần xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp./. 

Theo TTXVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang