Nghệ nhân trăm tuổi vẫn nặng lòng với quan họ cổ quê hương

Nghệ nhân trăm tuổi vẫn nặng lòng với quan họ cổ quê hương

Quan họ đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời người nghệ nhân già.


Về thôn Duệ Đông, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nhắc tới nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế ai cũng biết. Cụ là một trong hai nghệ nhân quan họ lớn tuổi nhất Bắc Ninh. Bằng tài năng và niềm đam mê, cụ đã sáng lập nên 3 câu lạc bộ quan họ cổ, tổ tôm điếm, thơ góp phần phát triển quan họ cổ của quê hương.

nghe nhan tram tuoi van nang long voi quan ho co que huong hinh 1

 

Nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế hát quan họ tại nhà.

Nay tuổi cao, giọng của cụ không còn giữ được lối hát vang, rền, nền, nảy nữa nhưng vẫn đầy nội lực. Cuộc đời cụ gắn với quan họ là mối lương duyên không thể tách rời.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kinh Bắc vốn nổi tiếng với những làn điệu dân ca trữ tình, mượt mà, đậm đà và quyến rũ phần nào góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê với quan họ của cụ. Từ nhỏ, cụ đã may mắn có được giọng hát trời phú nên đã theo hát ca trù. Tới năm 16 tuổi, cụ bắt đầu học hát quan họ.

Rồi cụ tham gia kháng chiến và trải qua 2 cuộc trường chinh, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Sau khi về hưu, cụ lại tiếp tục góp phần xây dựng văn hóa cho quê hương. Năm 1980, cụ đã báo cáo với Thường vụ Huyện ủy Tiên Du xin phép thành lập CLB nữ quan họ. Và 37 năm qua, cụ luôn tích cực truyền dạy kĩ thuật hát quan họ cổ cho các thành viên. 

 

nghe nhan tram tuoi van nang long voi quan ho co que huong hinh 2

Các thành viên trong CLB biểu diễn trong mùa lễ hội Lim.

Biết quy luật sinh, lão, bệnh, tử chẳng chừa ai, ngay từ khi thành lập CLB, cụ đã tập trung đào tạo người kế cận mình. Đó là lớp phụ nữ trung niên, những người đã rành rõ về quan họ.

Cụ cho biết: “Người hát được quan họ thì nhiều, nhưng để hát được quan họ cổ thì không mấy. Quan họ cổ đòi hỏi những kĩ thuật khác và khó hơn nhiều. Hát quan họ cổ quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi người hát phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Các chị em ở đây hát quan họ đã rất hay rồi nhưng để hát được quan họ cổ có người phải mất tới 16 năm mới thành thục".

Cô Huệ, nay là Bí thư chi bộ xã, cũng là 1 thành viên trong câu lạc bộ quan họ và là chủ nhiệm CLB. Hiện nay, khi cụ Kế tuổi đã cao và sức yếu thì những lớp thành viên đã được cụ chỉ dạy (như cô Huệ) sẽ có trách nhiệm dạy lại cho thế hệ trẻ vào mỗi tối thứ 6 và 7.

Lời thơ trong quan họ cũng không thể bất biến. Mỗi thời mỗi thế, cần phải cải biên lại cho phù hợp, cho dễ nhớ, dễ hát và dễ học hơn. Những gì thân thuộc và gần gũi với đời sống cũng dễ đi vào tâm trí. CLB thơ Tiên Sơn  được ra đời với mục đích chính như vậy.

 

nghe nhan tram tuoi van nang long voi quan ho co que huong hinh 3

Bằng khen nghệ nhân của cụ Nguyễn Thừa Kế.

“Ví dụ, ngày xưa người phụ nữ thường ngậm tẩu thuốc, nên có câu hát: Trăng thề còn đó trơ trơ/ Nhớ người ngậm tẩu mà ngơ ngẩn lòng” thế nhưng đến giờ mà hát như vậy thì không còn hợp nữa. Nên chúng tôi đã cải biên đi thành: Ngày xưa ngậm tẩu đam mê/ Ngày nay ngậm tẩu kẻ chê người cười.” cụ Kế chia sẻ.

Ngoài việc cải biên rất nhiều tác phẩm thì CLB thơ cũng đạt được những thành tích đáng kể, đã ra tập thơ “Bên dòng tiêu tương”.

Hiện nay, bên cạnh CLB hát quan họ truyền thống và thơ, cụ còn là người tham gia và sáng lập nên CLB tổ tôm điếm. Tổ tôm điếm là sự kết hợp giữa thú vui chơi tổ tôm kết và hát quan họ. Xây dựng được CLB tổ tôm điếm này đòi hỏi phải có một trình độ nhất định, am hiểu sâu sắc về cả tổ tôm lẫn hát quan họ.

Đến nay, cả 3 CLB này đã và đang duy trì, phát triển bền vững. Hàng năm, mỗi mùa lễ hội tới, các thành viên CLB góp phần phục vụ cho hội Lim truyền thống. Tuy đã trăm tuổi, nhưng cụ Nguyễn Thừa Kế vẫn luôn cố gắng phấn đấu, góp sức xây dựng các câu lạc bộ với mục đích bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống./.

Theo VOV

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang