Ngổn ngang điều kiện kinh doanh vận tải ô tô

Ngổn ngang điều kiện kinh doanh vận tải ô tô

Hàng loạt rào cản trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa đường bộ tiếp tục được kiến nghị gỡ bỏ hoặc nới lỏng nhằm giảm gánh nặng chi phí cho các đơn vị, doanh nghiệp.


Cởi trói cho xe hợp đồng

Cho đến thời điểm này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là một trong những đơn vị cuối cùng góp ý về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Dự thảo Nghị định) đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến.

Dự thảo Nghị định liên quan sát sườn tới 24.580 doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vận tải ô tô này đã được Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - đơn vị soạn thảo nhiều lần chỉnh sửa trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đơn vị kinh doanh vận tải; Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các bộ, ngành trong hơn 1 năm qua.

Đề xuất cấp giấy vận tải cho từng chuyến hàng được VCCI cho là không khả thi

Đề xuất cấp giấy vận tải cho từng chuyến hàng được VCCI cho là không khả thi

Được biết, quan điểm xuyên suốt trong văn bản góp ý khá chi tiết của VCCI là Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 cần bám sát yêu cầu của khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư năm 

2014 - chỉ ban hành các điều kiện kinh doanh cần thiết để đảm bảo các lợi ích công cộng. “Các quy định nằm ngoài mục tiêu này cần được bãi bỏ”, Văn bản số 0204/PTM-PC do bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng ban thuộc Ban Pháp chế của VCCI khẳng định.

Cụ thể, VCCI đề nghị bỏ tất cả các quy định hạn chế quyền trong khoản 1, Điều 7 - kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được đề cập tại Dự thảo và thay thế toàn bộ bằng quy định, hình thức kinh doanh vận tải bằng hợp đồng là hình thức kinh doanh được xác lập dựa trên giao kết hợp đồng giữa các bên. Nội dung và cách thức thực hiện hợp đồng do các bên tự thỏa thuận, miễn là không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không xâm hại các lợi ích công công.

VCCI cho rằng, từ góc độ quản lý nhà nước, nhằm bảo vệ lợi ích công cộng trong hoạt động kinh doanh loại hình vận tải này, có thể thiết kế cơ chế quản lý thông qua các công cụ khả thi và ít can thiệp trực tiếp vào quyền tự do kinh doanh hơn như: quy định các điểm dừng, đón trả khách được phép; kiểm soát chất lượng xe đảm bảo các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và môi trường.

Cần phải nói thêm rằng, tại khoản 1, Điều 7, cơ quan soạn thảo đề xuất 7 yêu cầu để các doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ vận tải khách bằng hợp đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau; không được bán vé và thu tiền cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; không được gom khách lẻ; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức...

Đại diện VCCI cho rằng, các quy định trên có thể được thiết kế để phân biệt giữa vận tải bằng hợp đồng với các hình thức vận tải khác, đặc biệt là vận tải theo tuyến cố định nhưng lại vừa hạn chế quyền dân sự của các hành khách muốn đi chung xe để chia sẻ chi phí, vừa hạn chế quyền tự do của doanh nghiệp trong kinh doanh khai thác những tuyến đường có lợi thế kinh doanh.

Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Theo VCCI, ngoài các quy định cấm nêu tại khoản 1, các khoản khác của Điều 7 tại Dự thảo còn quy định nhiều thủ tục hành chính áp dụng cho hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng.

Dẫn chiếu 2 quy định tại Dự thảo - yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông tin về hành trình, thời gian thực hiện; lái xe phải mang theo hợp đồng vận tải, danh sách hành khách, VCCI cho rằng, các thủ tục này đã tạo ra gánh nặng chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, trong khi không rõ về mục tiêu quản lý hoặc nếu có thì cũng không hiệu quả, không khả thi.

“Vấn đề quan trọng là bản thân cơ quan nhà nước liệu có đủ nguồn lực để kiểm soát tất cả các chuyến xe của hàng ngàn doanh nghiệp hay không”, đại diện VCCI cho biết.

Ông Trần Đức Nghĩa, ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng cho rằng, nhiều quy định mới tại Dự thảo Nghị định chưa thật sự phù hợp. “Quy định đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe phải cấp và sử dụng giấy vận tải khi vận chuyển hàng hóa (khoản 7 và 8, Điều 9 của Dự thảo Nghị định) là không cần thiết, vì tất cả hàng hóa lưu thông đều phải có giấy tờ để chứng minh tính hợp pháp, đây là trách nhiệm giữa người thuê vận chuyển và người vận chuyển”, ông Nghĩa dẫn chứng.

Mặt khác, trong thực tiễn hoạt động vận tải hàng hóa, xe và lái xe có thể không về trụ sở hoặc nơi đỗ xe tập trung của doanh nghiệp khi đang khai thác dài ngày, tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng. Điều này càng cho thấy quy định cấp giấy vận tải cho từng chuyến hàng là không khả thi.

Một điểm bổ sung rất đáng chú ý khác tại Dự thảo Nghị định là Bộ GTVT đã công nhận hợp đồng vận tải điện tử là hợp pháp bên cạnh loại hợp đồng giấy trong loại hình kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa theo hợp đồng. Các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử phải thỏa mãn 10 điều kiện. Trong đó, đáng chú ý là không được cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử cho hộ kinh doanh vận tải, phương tiện cá nhân và các phương tiện không kinh doanh vận tải.

Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện hợp đồng vận tải điện tử, ngoài việc phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin tối thiểu của chuyến đi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT, họ phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này không cần thiết và chồng lấn với phạm vi của các quy định về hóa đơn. Bên cạnh đó, việc tham gia dịch vụ hợp đồng điện tử cũng cần mở rộng cho các hộ kinh doanh, nhất là khi chủ thể này đáp ứng đủ các điều kiện và có giấy phép kinh doanh vận tải.

Theo Đầu tư

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang