Nhượng quyền thương hiệu 'Made in Vietnam' mới chỉ là khởi đầu

Nhượng quyền thương hiệu 'Made in Vietnam' mới chỉ là khởi đầu

Trong 10 năm gần đây, đã có khoảng 200 thương hiệu nhượng quyền tại Việt Nam, đồng thời Việt Nam được dự đoán là thị trường tiềm năng của lĩnh vực này.


Tuy nhiên, nhượng quyền thương hiệu là mô hình kinh doanh phát triển rất dễ nhưng cực khó để thực hiện, muốn thành công doanh nghiệp cần có chiến lược.

Kết quả hình ảnh cho nhượng quyền thương hiệu

Ảnh Internet

Đây là nhận định của các đại biểu tại hội thảo "Xây dựng quan hệ nhượng quyền bền vững, nền tảng thành công trong kinh doanh nhượng quyền" tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, ngày 4/5.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Retail & Franchise Asia, trong vài năm tới đây, hoạt động nhượng quyền sẽ ngày càng sôi động tại thị trường Việt Nam, tập trung chủ yếu vẫn ở đầu vào với sự đổ bộ của các thương hiệu quốc tế và khu vực vào thị trường Việt Nam với sức tiêu thụ của hơn 90 triệu dân.

Còn về khả năng xây dựng mô hình và thương hiệu nhượng quyền "Made in Vietnam" thì chỉ mới là khởi đầu.

Hiện nay, tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện những doanh nghiệp khởi nghiệp còn rất trẻ, thương hiệu rất mới nhưng đã nhận được lời đề nghị xin nhượng quyền thương hiệu.

Mặc dù đây là những tín hiệu tích cực đối với thương hiệu nhượng quyền "Made in Vietnam", nhưng các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng nội lực và hệ thống hỗ trợ vững mạnh, mới nên bắt đầu thực hiện nhượng quyền thương hiệu.

Chia sẻ về những thách thức khi thực hiện nhượng quyền thương hiệu, bà Lê Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần IQ Plus, đại diện thương hiệu Viva Star, cho biết, nếu giai đoạn đầu thực hiện nhượng quyền thương hiệu mà không có chiến lược và chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ gặp khó khăn khi đối tác nhận nhượng quyền thương hiệu can thiệp quá sâu vào quản lý, vận hành hệ thống thương hiệu.

Đơn cử như trong vấn đề thiết kế cửa hàng, nếu đơn vị nhận nhượng quyền thương hiệu đòi thay đổi, cải tiến quá nhiều sẽ dễ làm biến đổi nhận diện thương hiệu.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Liêm, chủ sở hữu thương hiệu LeeAndTee, cho rằng, không có quá trình chuẩn bị và một chiến lược phát triển rõ ràng, khi triển khai sẽ "mạnh ai nấy làm".

Đến khi tái cơ cấu lại tổ chức thương hiệu thì khó nhận được sự đồng thuận chung và các đối tác nhận nhượng quyền thương hiệu chưa sẵn sàng để thay đổi; trong đó, vấn đề dễ gây bất đồng giữa đơn vị nhượng quyền thương hiệu và đối tác nhượng quyền thương hiệu là chi phí quản lý diều hành, quảng bá thương hiệu...

Liên quan đến các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu, Luật sư Hồ Hữu Hoành, Công ty Luật Viet Franchise, cho biết, các thương hiệu nhượng quyền mới, thường bắt đầu các thương vụ nhượng quyền với tiêu chí không thu phí, hỗ trợ cơ sở vật chất... nhưng thương hiệu có giá trị thì bắt đầu thu phí.

Do đó, doanh nghiệp cần thực hiện hợp đồng nhượng quyền thương hiệu với những quy định cụ thể, cần có chính sách phòng tránh rủi ro và ổn định trong xây dựng thương hiệu nhượng quyền.

Nền kinh tế thế giới có xu hướng từ kinh tế sản xuất dịch vụ chuyển sang kinh tế cho thuê, nên mô hình kinh doanh nhượng quyền được phát triển mạnh mẽ và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia; trong đó, thị trường nhượng quyền phát triển theo ba xu hướng gồm: cá nhân, cộng đồng và địa phương.

Còn tại Việt Nam, thống kê của Bộ Công Thương, cho thấy có nhiều thương hiệu quốc tế cũng như trong nước nhượng quyền thành công, điển hình có thể kể đến một số ngành hấp dẫn nhà đầu tư như bán lẻ, ẩm thực, nhà hàng - khách sạn, thực phẩm - đồ uống...

Trong đó, thị trường nhượng quyền thương hiệu trong ngành bán lẻ được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng 25%/năm, với sự gia nhập của các thương hiệu quốc tế và khu vực ASEAN; còn ngành ẩm thực sẽ đạt mức tăng trưởng chuỗi khoảng 15%/năm...

Theo TTXVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang