Nông dân không thể tự làm thương hiệu xuất khẩu

Nông dân không thể tự làm thương hiệu xuất khẩu

Việt Nam luôn đứng trong top đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu vẫn còn nhiều bất cập. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm trong nước cũng như gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. 


Cây chè – được đánh giá là một trong những nông sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, chè cũng chính là mặt hàng điển hình về xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô mà không có thương hiệu. Câu chuyện ở Thái Nguyên – vùng sản xuất chè lớn nhất nước nhưng lượng xuất khẩu còn rất khiêm tốn và chủ yếu là xuất thô. Không chỉ nông dân mà ngay cả doanh nghiệp vẫn loay hoay với bài toán phát triển thương hiệu.

Rất nhiều cơ sở sản xuất và chế biến chè, vì không muốn phụ thuộc vào tư thương nên chủ doanh nghiệp đã lặn lội tự mình đi quảng bá khắp nơi nhằm tìm đầu ra cho các hộ dân liên kết với cơ sở của mình. Thế nhưng sau từng ấy năm, dù là vùng chè có tiếng nhưng tự thân người nông dân vẫn chưa thể làm được thương hiệu cho chính sản phẩm của họ.

20180321195622321321_img1930.jpg

Câu chuyện ở Thái Nguyên – vùng sản xuất chè lớn nhất nước nhưng lượng xuất khẩu còn rất khiêm tốn và chủ yếu là xuất thô.

Ông Nguyễn Đức Trọng, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trước đây chúng tôi cũng xây dựng thương hiệu nhưng vì kinh phí chúng tôi chi phí cho sản xuất là chúng tôi đã hết vốn rồi, thế mà để đăng ký được thương hiệu với số tiền rất lớn và khoảng thời gian rất dài như thế rất ảnh hưởng nó ko đáp ứng được nên buộc chúng tôi phải sản xuất và tìm nhà phân phối cho mình nên buộc phải qua bên thứ ba tìm nhà phân phối để cho giảm bớt cái chi phí trong quá trình sản xuất của mình.”

Trong khi nông dân vốn không có kỹ năng làm thị trường thì ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng gặp khó khăn trong việc phát triển thương hiệu.

Các chuyên gia nhận định, nhờ các yếu tố thổ nhưỡng, chất lượng chè Thái Nguyên rất tốt, ít có vùng đất nào có được. Thế nhưng còn quá nhiều vấn đề cần khắc phục, ngoài việc chất lượng chưa đồng đều thì mẫu mã, bao bì, thông tin sản phẩm còn chưa đầy đủ. Điều này đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng và là rào cản lớn cho việc xây dựng thương hiệu.

Theo chuyên gia Sri Lanka, ông Thusil Tissera cho rằng, bao bì nhãn mác truyền thống hiện tại đang bán ở trên thị trường nội địa nhưng với mẫu mã như vậy chúng ta không thể đưa ra nước ngoài xuất khẩu vì thứ nhất là thông tin về sản phẩm không đủ, thứ hai là không có tính hấp dẫn. Với người nước ngoài thì thông tin và hình ảnh về thương hiệu cũng như nhãn hàng rất quan trọng, vì họ cần đầy đủ tất cả những thông tin cần thiết, từ thành phần đến xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm. 

Câu chuyện về cây chè cho thấy rõ một thực trạng, hiện có khá nhiều mặt hàng nông sản mới chỉ xây dựng được thương hiệu nhưng tồn tại dưới dạng chỉ dẫn địa lý chứ chưa nâng tầm thành thương hiệu đặc trưng của một quốc gia. Và một ví dụ tương tự, đó chính là nhãn lồng Hưng Yên, sản phẩm này mới chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước, chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến.

Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý và có những biện pháp hữu hiệu, nhằm hỗ trợ các địa phương khẳng định thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm đặc sản trong nước. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất hay người dân chưa hiểu hết giá trị của việc đăng ký bảo hộ nên đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đặc trưng riêng của một vùng.
Diện tích chè Thái Nguyên trên 21 nghìn ha, sản lượng đạt 220 nghìn tấn chè búp tươi/năm, trong đó 80% tiêu thụ tại thị trường nội địa. Do thương hiệu chưa có dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp nên dù có xuất khẩu thì các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè chủ yếu là xuất thô. Và vì xuất thô nên giá bán rất thấp. Trong cả chuỗi phân phối, phần giá trị gia tăng lại nằm ở khâu trung gian thuộc về các công ty nước ngoài.

Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết:“Khi chúng ta bán hàng cho họ phần lớn chúng ta bán nguyên liệu thô và về họ ko biết chè đấy ở đâu cả, về người ta trộn vào và mang thương hiệu của nước ngoài, cho nên người ta bán cái giá từ 3 USD thậm chí lên tới vài chục USD, thì cái phần chênh lệch ấy phần giá trị gia tăng ấy công ty nước ngoài hưởng cả, VN bán nguyên liệu thô nên chúng ta ko được bao nhiêu. Nông dân chỉ được 17-20% trong bánh tiền ấy thôi.”

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng:“Quan trọng là chúng ta phải đảm bảo các yếu tố quản trị trong cái sx chè sạch, đặc biệt trong khâu chế biến chúng ta yêu cầu chế biến sâu hơn, ra rất nhiều các sản phẩm trên cơ sở đó chúng ta làm tốt công tác thị trường để sản phẩm chè của Việt Nam hiện nay mới đi khoảng 64 nước trên thế giới, tiến tới chúng ta có thể mở rộng hơn thị trường quốc tế.”

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nông sản Việt Nam cần khai thác được thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó, phải thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất Vietgap, phát triển hệ thống xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị hàng hóa./.

Theo ANTT

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang