Phản bác luận điệu xuyên tạc cá tra ở thị trường EU, nhìn từ doanh nghiệp

Phản bác luận điệu xuyên tạc cá tra ở thị trường EU, nhìn từ doanh nghiệp

Giá cá tra nguyên liệu tăng cao trong lúc sản phẩm cá tra bị xuyên tạc gây khó ở thị trường EU, các DN phản ứng như thế nào? 


Chúng tôi đến Cty CP XNK Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX) ở khu công nghiệp Trà Nóc, DN vừa nuôi vừa chế biến xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ và EU, kim ngạch năm ngoái 30 triệu USD, kế hoạch năm nay 35 triệu.

Phó tổng giám đốc CASEAMEX Nguyễn Chí Thảo nhẹ nhàng: “Thị trường EU đã nhiều lần xảy ra luận điệu xuyên tạc sản phẩm cá tra Việt Nam, chứ không phải mới lần đầu. Để phản bác lại luận điệu xuyên tạc, chúng tôi tiếp tục chứng minh sản phẩm có chất lượng cao”. Theo ông Thảo, CASEAMEX đã mời khách hàng đến tham quan các trại nuôi cá, nhà máy chế biến để tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất đảm bảo chất lượng cũng như môi trường được bảo vệ tốt.

Trại nuôi cá bên sông

Từ thành phố Cần Thơ vượt sông Hậu mênh mông sang trại nuôi cá tra của CASEAMEX ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).

Anh Đặng Tư, trưởng trại cá Mỹ Hòa, giới thiệu trại rộng 9,7ha mặt nước với 14 ao nuôi. Đây là vùng bãi bồi, bên dòng sông Hậu ào ạt nước lớn ròng, xanh tươi cây cối. Nước nuôi cá lấy trực tiếp từ sông Hậu, sau mỗi vụ nuôi cá kéo dài 8 tháng, theo anh Tư, nước trong ao nuôi được bơm qua ao lắng xử lý cho trong rồi mới xả ra sông.

16-01-34_01-nh-tu-ben-o-nuoi-c

 

Anh Đặng Tư bên ao nuôi cá ở trại Mỹ Hòa

 

Các vụ nuôi cá nối tiếp nhau theo vòng tuần hoàn không có điểm dừng và anh Tư làm trưởng trại thấm thoắt đã 6 năm. Trại có tổng cộng 28 người, những người ở xa thì nghỉ trong ngôi nhà tường do CASEAMEX xây dựng giữa vùng ao nuôi. Quanh nhà cây cối xanh tươi, có cả vườn rau.

Đứng ở trại nuôi cá, nhìn qua sông Hậu thấy bờ bên kia thành phố Cần Thơ nhà cao tầng giăng chân trời. Thật là hai thế giới khác biệt, bên kia náo nhiệt còn bên này im ắng vẻ hoang dã, gió thổi lồng lộng, không khí trong lành. Chỉ tay sang bờ kia, anh Tư nói, quê anh ở phường Hưng Phú (Cái Răng, Cần Thơ) đối diện với trại.

“Lương tháng của tôi 6 triệu đồng, thêm tiền cơm và điện thoại 1 triệu đồng nữa”, anh Tư bộc bạch. Vợ anh cũng sang đây làm việc, nấu cơm nước cho trại, lương tháng 3 triệu đồng. Hai đứa con gửi nhờ ông bà trông coi, hàng tuần vợ chồng thay nhau về thăm. Sống ở trại nuôi cá, tiền điện sinh hoạt và cả tiền cá, rau ăn hàng ngày không tốn nên vợ chồng anh thanh thản, lo giữ môi trường sạch sẽ để trại tồn tại lâu dài, ngày càng khá giả.

Trại Mỹ Hòa thuộc loại rộng trung bình trong tổng số 11 trại nuôi cá của CASEAMEX, rải từ thành phố Cần Thơ sang các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Đặc điểm chung là đều ở bãi bồi ven sông hoặc các cồn cù lao giữa sông, thuận tiện nước vô ra. CASEAMEX còn có trung tâm sản xuất cá giống, đã tự túc được 20% giống cho vùng nuôi của Cty.

Phó TGĐ CASEAMEX Nguyễn Chí Thảo cho biết, 11 trại rộng 150ha. Trong đó, Cty trực tiếp tổ chức nuôi 70%, còn lại liên kết với nông dân. Các trại cũng mới chủ động được chừng 80% nguyên liệu cho công suất của nhà máy chế biến, phần còn thiếu phải mua thêm.  

Giữ chất lượng, mở thị trường

Nhà máy chế biến cũng là trụ sở của CASEAMEX ở khu công nghiệp Trà Nóc, nằm trên bờ sông Hậu. Tàu thuyền chở cá nguyên liệu về, cập bến là lên sân nhà máy, đi một đoạn vô dây chuyền sản xuất.

Năm 2010, CASEAMEX từng gây xôn xao cả nước với vụ nhập 40 tấn rùa tai đỏ của Mỹ. Nhập ngày 31/3/2010 và ngày 5/4/2010, qua cảng Cát Lái ở thành phố Hồ Chí Minh đưa về nuôi nhốt tại tỉnh Vĩnh Long. Số lượng cụ thể là 23.088 con, đến giữa tháng 7 còn sống 18.778 con, xấp xỉ 30 tấn. CASEAMEX nhập về tính bán cho các nhà hàng kiếm món lời chừng 50% giá vốn, tuy nhiên, đây là giống ngoại lai bị cấm nhập nên sau đó, phải tiêu hủy. Nói chuyện buôn bán rùa tai đỏ cũng chứng tỏ lúc đó, việc chế biến xuất khẩu cá tra của CASEAMEX gặp khó khăn.

16-01-34_02-che-bien-c-phile

 

CASEAMEX chế biến phi-lê cá tra đông lạnh

 

Cũng sau vụ đó, CASEAMEX chuyên chú hơn vào chế biến cá tra xuất khẩu, mở thêm các trại nuôi cá để chủ động nguyên liệu. Hôm nay, nhà máy chế biến cá tra công suất một ngày 100 - 150 tấn hoạt động rộn ràng. Con cá tra nguyên liệu còn sống quẫy đuôi, đi qua các công đoạn của dây chuyền chế biến, tới đầu kia thành phi-lê đông lạnh, đóng gói xuất khẩu.

Sản phẩm cũng chỉ có phi-lê đông lạnh. Như thế, mới chừng 36% khối lượng con cá được chế biến xuất khẩu, còn lại 64% phụ phẩm cũng có giá trị được làm gì? Phó TGĐ Nguyễn Chí Thảo cho biết, phần phụ phẩm ấy bán cho các nhà thầu chứ CASEAMEX chưa chế biến được thành sản phẩm.

Phi-lê đông lạnh của CASEAMEX xuất sang thị trường chính là Mỹ và EU, thêm một số thị trường khác tổng cộng có lúc tới 30 thị trường. Kim ngạch xuất năm 2016 là 30 triệu USD, vượt kế hoạch 25% nhưng lợi nhuận lại giảm so với năm trước.

Khó khăn nhất hiện nay là gì? Ông Thảo nói ngay: vốn cho sản xuất. Từ sản xuất giống, nuôi cá đến chế biến xuất khẩu cần vốn lớn nhưng năng lực của Cty có hạn mà vay vốn tín dụng cũng có hạn nên “lúc nào cũng thiếu vốn”. Mong muốn đầu tư công nghệ chế biến phụ phẩm thành sản phẩm có chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế của con cá tra cũng do thiếu vốn mà “cái khó bó cái khôn”. Còn thị trường trong nước, do nhu cầu của người tiêu dùng ưa cá tươi sống nên cũng khó phát triển.

“Năm 2017, chúng tôi đặt kế hoạch xuất khẩu 35 triệu USD, chủ yếu giữ chất lượng để giữ thị trường Mỹ và EU, đồng thời phát triển thêm thị trường Trung Quốc”, ông Thảo kết luận.

Theo NNVN

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang