Phở, lá chuối và câu chuyện xuất khẩu “thô” thương hiệu

Phở, lá chuối và câu chuyện xuất khẩu “thô” thương hiệu

Người Thái có thể làm giàu trên sản phẩm truyền thống của Việt Nam, tại sao người Việt Nam không thể tận dụng tối đa “đứa con” mình sinh ra.


Nếu một ngày nào đó chiếc điện thoại Iphone của Mỹ do một nước khác sản xuất bằng công nghệ cao hơn, người Mỹ sẽ nghĩ gì? Và nếu một đặc sản truyền thống đã nổi tiếng của Việt Nam nhờ người Thái nâng tầm, chúng ta có thấy tổn thương?

Một công ty thực phẩm của Thái Lan đang thành công với sản phẩm phở Việt Nam đóng gói, họ bán 2 triệu sản phẩm mỗi ngày tại thị trường Châu Mỹ, có mặt trong các hệ thống bán lẻ danh tiếng như Walmart, Costco, Amazon, sản phẩm được đóng gói sang trọng và đương nhiên không có chổ cho tiếng Việt.

Phá» Äóng há»p bày bán trên Walmart Canada

Phở đóng hộp bày bán trên Walmart Canada

Điều đáng ngạc nhiên là phở Việt được người Thái đưa vào chuỗi sản xuất 4.0, minh chứng là nhà máy sản xuất ở Thái Lan xuất xưởng 200 ngàn sản phẩm mỗi ngày nhưng chỉ có 10 nhân công, còn khủng hơn khi doanh nghiệp này tiếp tục “sa thải” nhân công để tự động hóa hoàn toàn!

Sẽ không đúng nếu nói Việt Nam không có thương hiệu tiềm năng, nhưng sẽ đúng nếu nói chúng ta chưa có những chiến lược đủ tiềm năng để nâng tầm những thương hiệu như thế.

Từ lâu rồi, những gói phở gói bì bóng, một vài hình ảnh được chú thích là “chỉ mang tính chất minh họa cho sản phẩm” được bày bán từ thành phố đến nông thôn, không ai biết phở thật hay giả.

Nó hoàn toàn đối lập với “hộp phở” bằng giấy cứng đủ thẩm mỹ và lịch sự để làm quà tặng  “made in Thailand” có giá bán 5 USD trên thị trường quốc tế. Thương hiệu Việt đã làm giàu cho người ngoại quốc!

Câu chuyện ở đây là gì? Cũng chẳng ai biết trong hàng triệu hộp phở ấy có bao nhiêu phần trăm hương vị Việt Nam hay chỉ là một dạng sao chép, chỉ có điều cái tên vẫn là PHỞ (Noodles Soup) và phở thì không đâu trên thế giới bằng Việt Nam.

Tại Mỹ, phở Việt sánh ngang Pizza Ý, bánh burritos Mexico và shusi Nhật Bản. Trong khi mặt hàng truyền thống bỏ mặc cho người ngoài khai thác thì nhiều doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam vẫn trung thành với mì tôm, nước tương, nước mắm được PR bằng giá trị Nhật Bản, Hàn Quốc!

Những thứ có thể cho không như tấm lá chuối, quả ớt sừng, lá chanh hay cao Sao vàng làm vỡ vạc ra vô khối vấn đề kinh doanh. 1kg ớt sừng được bán trên Amazon có giá 670 nghìn đồng; gói lá chanh 50g bán 210 nghìn đồng; hay tấm lá chuối vô tác dụng ở Việt Nam có giá 500 nghìn đồng.

Nông sản cũng như khoáng sản, khoản lợi nhuận khổng lồ chỉ nằm ngoài biên giới quốc gia nếu chỉ xuất khẩu thô. Đất nước Singapore không có dầu mỏ, hầu như không có nước ngọt nhưng họ trở thành nơi bán xăng dầu cho thế giới, trong đó có Việt Nam, người dân nước họ không trả mức giá cao như ở ta.

Vậy nên một nền kinh tế mạnh không phải là nơi chỉ có chăm chỉ sản xuất, mà ở đó phải một hệ thống hoàn hảo làm nhiệm vụ chăm sóc sản phẩm làm ra. Nếu Việt Nam có những nhà phân phối như Amazon, Alibaba thì tấm lá chuối, quả ớt sừng, lá chanh và hằng hà sa số những sản phẩm khác trở nên có giá trị.

Người Thái có thể làm giàu trên sản phẩm truyền thống của Việt Nam, tại sao người Việt Nam không thể tận dụng tối đa “đứa con” mình sinh ra.

Theo enternews

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang