Bỏ room tín dụng: Chưa thể thực hiện ngay nhưng cần sớm có lộ trình

Bỏ room tín dụng: Chưa thể thực hiện ngay nhưng cần sớm có lộ trình

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục khẳng định chưa thể chấm dứt hoàn toàn biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) vì nhiều lý do. Tuy nhiên không ít chuyên gia cho rằng, NHNN cần sớm có lộ trình dỡ bỏ cơ chế này theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.

Nguồn:Báo kiểm toán

Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Chưa thể bỏ room tín dụng vì nhiều lý do

“Nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho từng tổ chức chức tín dụng (TCTD)” là yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Thực hiện yêu cầu này, từ năm 2023 trở về trước, NHNN giao chỉ tiêu TTTD đối với từng TCTD, trong đó, nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài được TTTD theo kiểm soát tín dụng tại thời điểm cuối năm và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy mô tín dụng nhỏ được TTTD theo kế hoạch ngân hàng xây dựng để phù hợp với đặc thù hoạt động của nhóm ngân hàng này.

Trên cơ sở đó, ngay từ cuối năm 2023, NHNN đã chủ động giao toàn bộ chỉ tiêu TTTD năm 2024 để hỗ trợ TCTD chủ động xây dựng phương án kinh doanh; không hạn chế chỉ tiêu TTTD đối với nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài để phù hợp với đặc thù, quy mô tín dụng.

Để tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về dỡ bỏ dần việc giao chỉ tiêu TTTD, cuối tháng 8/2024, khi soát xét lại tăng trưởng dư nợ của từng đơn vị, NHNN cũng tiếp tục thông báo một số nhóm các TCTD (gồm: ngân hàng liên doanh, ngân hàng hợp tác xã, một số ngân hàng 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính) được chủ động TTTD trong năm 2024 với điều kiện: Không bị Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng cảnh báo về an toàn hoạt động (nợ xấu, thanh khoản).

Tuy nhiên, đến nay, NHNN chưa thể chấm dứt hoàn toàn biện pháp giao chỉ tiêu TTTD. Lý do là bởi hiện nay, gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế qua kênh tín dụng ngân hàng vẫn rất lớn. Vì vậy, nếu để các ngân hàng TTTD mà không có biện pháp kiểm soát thì hệ lụy như giai đoạn trước năm 2011 có khả năng lặp lại, gây bất ổn vĩ mô, rủi ro lạm phát gia tăng, đồng thời rủi ro nợ xấu tăng cao, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, hệ thống TCTD còn đang trong quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, từng bước nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế.

“Do vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô” - NHNN khẳng định tại báo cáo gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh từng cho rằng: “Về nguyên tắc thị trường, không cần phải dùng hạn mức tín dụng. Nhưng trước mắt, chúng ta vẫn cần công cụ này để cải thiện một số vấn đề vốn cần nhiều thời gian, trong đó có việc đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng”.

Cũng theo TS. Võ Trí Thành, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam mà các tổ chức quốc tế đưa ra đang ở mức 120-130% cho thấy rủi ro bắt đầu lớn và đây là lý do khiến NHNN vẫn phải áp trần tín dụng. “Nếu tín dụng tăng quá mức thì đòn bẩy tín dụng cũng tăng quá nhanh, rủi ro hệ thống ngân hàng và nền kinh tế rất lớn” - TS. Võ Trí Thành nhận định.

Trông đợi một lộ trình phù hợp

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - lại cho rằng, NHNN nên bỏ room tín dụng và hãy để cho các ngân hàng tự quyết định hạn mức TTTD của mình.

“Hãy để cho nền kinh tế tự quyết định “liều lượng” tín dụng tùy thuộc vào khả năng hấp thụ vốn thay vì theo đuổi mục tiêu cứng nhắc. Các ngân hàng chỉ có thể đưa ra mức tăng trưởng cao khi sức khỏe tài chính của họ đảm bảo. Nếu tăng trưởng nóng, ngân hàng có thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường về nợ xấu” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Ủng hộ việc xóa bỏ hạn mức TTTD trong thời gian tới, PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - nhấn mạnh: Room tín dụng là biện pháp hành chính, không thể áp dụng trong thời gian quá lâu, hãy để cho các ngân hàng có thể chủ động trong kế hoạch kinh doanh.

Như vậy, bỏ room tín dụng là yêu cầu phải làm nhưng bỏ ở thời điểm nào thì cần một lộ trình cụ thể và quan trọng, phải có các công cụ thay thế giúp giải tỏa nỗi lo về những rủi ro đối với nền kinh tế và an toàn hệ thống ngân hàng.

PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế và TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - đều điểm tên những công cụ thị trường giúp nhiều nước kiểm soát TTTD tốt như tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động (LDR), dự trữ bắt buộc, hệ số an toàn vốn (CAR)… Đây là những công cụ mà NHNN có thể kiểm soát được cung tín dụng ra nền kinh tế, theo gợi mở của các chuyên gia.

Đặc biệt, với hệ số CAR, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - khuyến nghị: Đây là công cụ để NHNN hoàn toàn có thể kiểm soát tốc độ TTTD của các ngân hàng. Ngân hàng phải nâng vốn chủ sở hữu tương ứng với tỷ lệ TTTD. Điều này sẽ khiến các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao không bị thiệt thòi, không bị bó buộc bởi room tín dụng, đồng thời đòi hỏi các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ an toàn vốn thấp phải gia tăng bộ đệm vốn cũng như tính thanh khoản.

Từng nhiều lần tham gia kiểm toán NHNN và công tác điều hành chính sách tiền tệ, một kiểm toán viên nhà nước cho rằng, các quốc gia phát triển trên thế giới có cơ chế quản lý và giám sát tốt không áp dụng room tín dụng đối với mỗi ngân hàng. Còn tại Việt Nam, trước mắt, NHNN có thể chưa bỏ hoàn toàn room tín dụng, nhất là với những ngân hàng chưa được xếp hạng tốt. Thế nhưng, đối với các ngân hàng được xếp hạng tốt, NHNN nên nghiên cứu, xem xét, cho phép các ngân hàng tự quyết định mức TTTD và có thể kiểm soát hoạt động này bằng các công cụ khác.

Báo kiểm toán
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang