Sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường nếu các doanh nghiệp không giảm lượng khí thải carbon. Ngoài ra, các chính sách của bộ ngành cũng cần hướng đến phát triển xanh để thích ứng với những rào cản quốc tế.
Giữa bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, phát triển bền vững trở thành vấn đề cấp thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại "Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu" được tổ chức bởi Báo Điện tử VOV, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam là quốc gia có mức độ phát thải CO2 trên tăng trưởng GDP cao trong khu vực châu Á, trong đó, lĩnh vực về năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm phát thải khí nhà kính.
Vì vậy, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, đang là hướng đi tích cực nhằm giảm thiểu những tác động rủi ro của biến đổi khí hậu.
Nêu ý kiến tại diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng, kinh tế xanh không phải là tiết kiệm mà phải hiểu là kinh tế bền vững, thậm chí có triển vọng làm giàu cho doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta. Bởi đây là xu thế toàn cầu, thế giới đang ngày càng khắt khe với các tiêu chuẩn xanh cho hàng hoá, sản phẩm,… Vì vậy, chuyển đổi xanh không chỉ đơn giản giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp mở ra cơ hội hội nhập cho kinh tế Việt Nam vào thị trường thế giới.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế, nêu ra 5 lý do chính cần "tăng trưởng xanh" tại Việt Nam: (1) Vấn đề về sức khỏe khi mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa môi trường và sức khoẻ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng; (2) Hiệu quả về kinh tế - xã hội cao hơn; (3) Tăng năng lực cạnh tranh, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài; (4) Tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Các chính sách cũng cần phát triển "xanh"
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã xác định mục tiêu, giải pháp nâng cao vai trò và đóng góp của tăng trưởng xanh. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh năm 2024 là khoảng 1,8% GDP, tạo cơ sở để tiến tới mục tiêu 3,3% - 3,5% GDP vào năm 2030. Vì vậy, để phát triển xanh, trước hết cần giảm thải khí nhà kính.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang có các chương trình để tính toán mức độ phát thải của từng ngành, lĩnh vực, từ đó, đưa ra các chỉ số giảm phát thải cần đạt cho mỗi ngành, hướng tới chuyển đổi sản xuất, xanh hóa các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Giữa bối cảnh này, các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn từ rào cản thương mại như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
Ông Việt chia sẻ một thực tế rằng: "Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư vào Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam không có chính sách đồng bộ để đáp ứng yêu cầu cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn không chỉ về xuất khẩu mà còn có nguy cơ làm thu hẹp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam".
Có thể nói, nếu các doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị tường, gặp khó khăn cả về chi phí thuế và cả vấn đề uy tín. Bên cạnh đó, các chính sách định hướng và người tiêu dùng cũng sẽ lựa chọn và loại bỏ dần các sản phẩm không trong danh mục xanh.
Trước thực trạng trên, ông Việt cho biết: "Các chiến lược chung đến các chính sách của bộ ngành cũng cần hướng đến phát triển xanh để thích ứng với những rào cản quốc tế".
Đồng thời, ông nhấn mạnh, chính cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đang tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, mở rộng thị trường, tiếp cận các thị trường khó tính hơn, cũng như nâng cao khả năng tích hợp công nghệ sạch.
Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức cần vượt qua, gồm: chi phí tăng cao, thuế carbon và áp lực tài chính lớn. Việc tuân thủ khí nhà kính cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, quy trình và quản lý mới.
Bổ sung thêm giải pháp trong việc quản lý chất thải carbon, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, nêu, áp dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải carbon ở Việt Nam, đặc biệt trong chuỗi giá trị năng lượng sạch là một lĩnh vực mới nhưng đầy tiềm năng.
Hiện nay, các nỗ lực chủ yếu tập trung vào tái chế ở cuối vòng đời sản phẩm, nhưng chưa tận dụng hết các lợi ích môi trường và xã hội mà các chiến lược kinh tế tuần hoàn có thể mang lại trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển bền vững của chuỗi giá trị năng lượng sạch, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu.
Họ cần xác định một tầm nhìn chung và thực hiện các hành động phối hợp từ khâu sản xuất, tiêu thụ đến tái sử dụng và tái chế, qua đó không chỉ giúp mở rộng quy mô năng lượng sạch mà còn tránh được những tác động tiêu cực không mong muốn đến môi trường và xã hội.