Doanh nghiệp tư nhân - Vị thế mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Doanh nghiệp tư nhân - Vị thế mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có sự phát triển mạnh mẽ, số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh nhu cầu và nỗ lực phát triển trong bối cảnh đất nước còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước, góp phần nâng tầm vị thế đất nước bằng những “cuộc chơi” đẳng cấp quốc tế.

Nguồn:Báo điện tử Nhà báo & Công luận

Kinh tế tư nhân đóng góp ngày càng lớn

Trên thế giới, các cường quốc kinh tế luôn sở hữu những tập đoàn, công ty tư nhân đóng vai trò đầu tàu, là nền tảng đảm bảo sự phát triển vững mạnh của quốc gia. Tỷ lệ đóng góp trên GDP của khu vực kinh tế tư nhân tại các quốc gia phát triển luôn ở mức cao.

Thống kê từ Tạp chí Fortune năm 2018 cho thấy, 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất nước Mỹ có tổng doanh thu đạt 12,8 nghìn tỷ USD, đóng góp 2/3 GDP và sử dụng 28,2 triệu lao động trên toàn cầu. Dữ liệu của CEO Score cho thấy, năm 2017, 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc ghi nhận doanh thu lên đến 677,8 tỷ USD, tương đương 44,2% tổng GDP của cả nước năm 2017.

Tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông… 

Từ ngày 3/6/2017 đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về chất, lượng và quy mô. Vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 42 - 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế.

Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và thế giới. Trong giai đoạn trong và sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp kinh tế tư nhân đều đóng vai trò trụ cột, góp sức gánh vác những trọng trách lớn cho đất nước, đồng thời tạo nên “đòn bẩy” để đưa kinh tế nhanh chóng hồi phục và bứt phá.

doanh nghiep tu nhan  vi the moi trong ky nguyen vuon minh cua dan toc hinh 1

Ở mỗi lĩnh vực kinh tế - xã hội đều có dấu ấn của những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Sun Group, Vingroup, Thaco, Masan, FPT… Những doanh nghiệp lớn này được coi là “rường cột” của đất nước, có vai trò đầu tàu dẫn dắt và tạo bệ phóng nền kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, dấu ấn rõ nét của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây là sự xuất hiện và nổi lên của các tập đoàn kinh tế lớn, trong đó có các tập đoàn kinh tế tư nhân khi họ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, đô thị và có những cam kết mạnh mẽ khi đầu tư dài hạn vào các địa phương.

Kinh tế tư nhân đã thể hiện vai trò tiên phong trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, sự linh hoạt của tư nhân đã cho thấy lợi thế quan trọng trên thị trường của khối kinh tế này. Chẳng hạn như khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thay đổi chiến lược chuyển hướng về thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Sơn Hà cho biết, ba năm qua thật sự là quãng thời gian khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhưng việc thay đổi chiến lược thị trường, sự đoàn kết trong doanh nghiệp đã giúp Sơn Hà từng bước đạt và vượt nhiều mục tiêu kế hoạch đặt ra. “Cộng đồng doanh nghiệp rất mong Nhà nước coi doanh nghiệp tư nhân là thành phần kinh tế quan trọng trong việc khơi thông các nguồn lực hỗ trợ như tín dụng, đất đai, nhân lực... đồng thời cải cách thủ tục hành chính hiệu quả để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển”, ông Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ.

Sau hơn 30 năm đổi mới, từ vị trí không được thừa nhận, bị hạn chế phát triển, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, với việc từng bước được “cởi trói” và dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trải qua nhiều thăng trầm, khu vực kinh tế tư nhân đã được công nhận là “động lực quan trọng để phát triển kinh tế”. Đến nay, khu vực này đã chiếm tới hơn 42% GDP và phấn đấu tăng tỷ trọng lên khoảng 55% GDP năm 2025, khoảng 60 - 65% GDP đến năm 2030.

Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp 30% ngân sách nhà nước (NSNN). Thu NSNN từ sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh hơn 15%/năm, cao khoảng gấp hai lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nộp NSNN từ sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước suy giảm.

Với 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và 5,4 triệu hộ kinh doanh, khu vực tư nhân đã trở thành một lực lượng hùng hậu đóng góp lớn nhất vào đầu tư và tăng trưởng GDP của đất nước, gấp đôi khu vực FDI, gấp rưỡi khu vực kinh tế nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân cũng tạo ra 45 triệu việc làm, chiếm 85% tổng số việc làm trong nền kinh tế.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân được thể hiện rất rõ khi Việt Nam ngày càng có nhiều tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào rất nhiều các công trình hạ tầng quy mô lớn, có cả những dự án sân bay, cảng biển, đường cao tốc hay những lĩnh vực khó như hạ tầng năng lượng, sản xuất ô-tô, điện thoại thông minh... “Khi chúng ta gỡ được các vướng mắc, khơi thông nguồn lực doanh nghiệp tư nhân thì chúng ta giải phóng được nguồn lực rất lớn để phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân

Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025, kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 55% vào tăng trưởng kinh tế. Dù còn nhiều dư địa phát triển, tuy nhiên khu vực này đang đối mặt với nhiều khó khăn, cần được khơi thông để phát huy hết tiềm năng.

Có thể nói, 2023 là một năm vô vàn khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Khi dịch bệnh đi qua, doanh nghiệp lại tiếp tục bị suy yếu bởi thị trường biến động, cắt giảm nhu cầu. Có những thời điểm, cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới thì có 169 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Chỉ số sản xuất nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam liên tiếp giảm dưới mức 50 điểm - mức chỉ số trung bình, cho thấy hoạt động sản xuất liên tục giảm sút.

Ông Nguyễn Tiến Thắng, Phó Tổng Thư ký Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đánh giá, với khó khăn kéo dài từ thời điểm bùng nổ dịch bệnh cho đến khủng hoảng kinh tế và xung đột địa chính trị, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, sức mua trên thị trường nội địa giảm sâu đã khiến tâm lý các doanh nghiệp tư nhân e dè, thận trọng. Sức tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân giảm mạnh, niềm tin kinh doanh bị ảnh hưởng đáng kể.

Bên cạnh đó, quy mô của doanh nghiệp tư nhân cũng giảm sút nghiêm trọng. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Số doanh nghiệp thành lập mới có thời điểm chỉ bằng một nửa số doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động. Nhưng quan trọng hơn, doanh nghiệp tư nhân đang nhỏ về quy mô và chất lượng. Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không muốn lớn là vì nhiều rủi ro về mặt thể chế, đặc biệt doanh nghiệp phải đối mặt rủi ro pháp lý do hệ thống pháp luật không cụ thể, không rõ ràng, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả. Đâu là những điểm cần sớm khắc phục để khơi dậy khí thế, niềm tin doanh nghiệp doanh nhân”.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phục hồi và phát triển, nhưng ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, vẫn khó để có thể tiếp cận hiệu quả: “Nếu như doanh nghiệp không tiếp cận được sự hỗ trợ về đất đai, về nguồn vốn, về lao động… thì cũng không có nguồn lực để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây chính là điểm nghẽn của pháp luật trong việc phát triển doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng”.

Bên cạnh những trở ngại khách quan, nguyên nhân nữa được các doanh nghiệp chỉ ra là môi trường kinh doanh thiếu thuận lợi, vướng mắc, bất cập trong quy trình, thủ tục hành chính, nhiều quy định hiện hành còn mâu thuẫn, chồng chéo. Điều này tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh, làm chậm tiến trình phát triển của doanh nghiệp.

doanh nghiep tu nhan  vi the moi trong ky nguyen vuon minh cua dan toc hinh 3

 

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, kinh tế tư nhân đã được coi trọng hơn nhưng vẫn cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để đánh giá đúng khả năng và vai trò của thành phần kinh tế này. Có thể khẳng định rõ ràng khu vực kinh tế tư nhân là một động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Chúng ta đã xây dựng được thể chế kinh tế theo hướng tạo thuận lợi tự do kinh doanh, nhưng làm sao phải tạo ra sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước để phát triển.

Còn theo GS Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đang có sự mất cân đối trong bức tranh phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam khi các tập đoàn lớn đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 4%), trong khi các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đa số. Chính vì thế, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần thúc đẩy hình thành những “sếu đầu đàn” tư nhân để thu hút và lôi kéo được đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mô hình kinh doanh tạo tác động. Chỉ khi đó, lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mới có cơ hội lớn lên và cạnh tranh một cách bình đẳng.

Tại một hội thảo diễn ra mới đây, GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản khuyến nghị, sau nhiều thập kỷ phát triển, một trong những điều quan trọng nhất đối với Việt Nam lúc này chính là khơi thông tiềm năng từ khu vực kinh tế tư nhân. Đã có rất nhiều chính sách được ban hành, nhưng điểm yếu của Việt Nam chính là khâu thực thi chính sách. Kinh nghiệm của Nhật Bản hay Singapore cho thấy, mỗi chính sách đều được tham vấn rất kỹ càng từ khu vực doanh nghiệp. Việc thực thi được giám sát chặt chẽ bảo đảm tuân thủ hiệu quả và chất lượng thực thi. Chỉ khi đó chính sách mới kịp thời gỡ vướng và mang lại động lực phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp.

Báo điện tử Nhà báo & Công luận
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang