Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ

Việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế cần gắn với đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ (KHCN) và cấu trúc lại nền kinh tế toàn diện khi mà mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chưa có chuyển biến căn bản.

Nguồn:Tạp chí Xây dựng

Tạo đột phá từ việc đổi mới sáng tạo KHCN

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 6,42% trong nửa đầu năm 2024, với dự báo GDP cả năm có thể đạt gần 7%, nhưng mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tạo được bước chuyển rõ rệt. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế và vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Các chuyên gia đã cùng phân tích tình hình hiện tại của mô hình tăng trưởng kinh tế, từ đó xác định các định hướng phát triển phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Đồng thời, nhiều chuyên ra đã đề xuất các giải pháp đổi mới thiết thực để chuyển đổi từ các mô hình truyền thống sang các mô hình bền vững và hiệu quả hơn, đồng thời cải cách mô hình tài chính và hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mô hình tăng trưởng kinh tế là chỉ báo thể hiện sự phát triển nhanh hay chậm của một quốc gia, động lực là yếu tố nào đóng vai trò quan trọng, yếu tố nào làm cho mô hình tăng trưởng có chất lượng, nền kinh tế có thay đổi về quy mô và chất lượng hay không.

Việt Nam đang hướng tới mô hình tăng trưởng theo chất lượng, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng suất, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững và có chiều sâu.

Việt Nam đang hướng tới mô hình tăng trưởng theo chất lượng, dựa vào KHCN. Ảnh minh hoạ. Nguồn: ITN.

Trên thực tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tốt ở mức trung bình, dù trải qua nhiều biến động địa chính trị trên thế giới, đại dịch Covid-19... Nhiều chỉ số về ổn định kinh tế vĩ mô thể hiện tương đối tốt như: Biến động tỷ giá, cán cân thương mại, bội chi ngân sách đều trong tầm kiểm soát của Nhà nước.

Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam dường như vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng theo chiều rộng với việc động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào đóng góp từ vốn và người lao động giá rẻ, trong khi đóng góp của TFP (Năng suất các nhân tố tổng hợp) vẫn còn hạn chế.

Điểm hạn chế khác của mô hình tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam là đầu tư cho KHCN còn hạn chế; thể chế cho KHCN và đổi mới còn bất cập, chưa đột phá; doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển) vẫn thấp...

Các mô hình tăng trưởng xanh, dựa vào kinh tế tuần hoàn chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng bền vững của quốc gia.

Bên cạnh đó, thị trường cấu phần chưa phát triển đầy đủ (chưa được công nhận); khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng (44% GDP), về cơ bản doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhỏ, ít tập đoàn lớn...

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, cần tạo đột phá từ việc đổi mới sáng tạo về KHCN, nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ (CMCN 4.0), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; hoàn thiện về thể chế, chính sách, có thí điểm, đặc thù, đột phá; sáng tạo trong huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài nhà nước; tạo lập nền tảng văn hoá sáng tạo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kép, tiêu dùng bền vững, văn hóa sống xanh…

Tăng cường đầu tư vào hạ tầng khung

Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò của khởi nghiệp sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội cho các bên liên quan trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm, hướng đến tạo ra các giải pháp thiết thực và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lại cho rằng, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế phải gắn với tái cấu trúc lại mô hình kinh tế một cách tổng thể và toàn diện, phải chấp nhận cái gì giữ lại, cái gì bỏ đi và cái gì cần tập trung vào đầu tư mới.

Nhấn mạnh về tái cấu trúc đầu tư công là vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực tài chính. PGS.TS Hoàng Văn Cường nêu dẫn chứng, trước đây đầu tư phân tán, chia sẻ, manh mún, còn nay phải đầu tư theo hướng tập trung. Đặc biệt, phải lập ra một lộ trình đi trước ít nhất là 5 năm đối với đầu tư công.

Cần đầu tư vào hạ tầng khung, nhất là giao thông. Ảnh minh hoạ. Nguồn: ITN.

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta không chỉ tập trung vào những dự án lớn mà cần đầu tư vào hạ tầng khung, nhất là giao thông, tạo ra các trung tâm trung chuyển để giảm chi phí logistics. Bên cạnh việc duy trì đầu tư công theo cách truyền thống, cần tạo ra sự chuyển đổi có phù hợp với các mô hình như mô hình sản xuất xanh, sản xuất sạch.

Việc đổi mới sáng tạo không nên để các doanh nghiệp tư nhân tự thực hiện mà cần có sự đồng hành và tham gia của Nhà nước, như tạo nguồn lực và đặt hàng cho các doanh nghiệp. Nhà nước cũng cần phải đón đầu các nguồn đầu tư mới (về KHCN, trí tuệ nhân tạo, sản xuất vi mạch bán dẫn,…) để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân tham gia vào các lĩnh vực đầu tư này.

Đặc biệt, trong đầu tư công cũng phải hướng đến tái cấu trúc để tạo khả năng hình thành các trụ cột mới cho các mô hình tăng trưởng. Nhất là đối với tái cấu trúc, các doanh nghiệp phải đảm bảo làm sao vừa có sức mạnh về kinh tế của Nhà nước thông qua các doanh nghiệp nhà nước, nhưng phải đảm bảo được bài toán nền kinh tế thị trường, để thị trường tự điều tiết.

Ngoài ra, cũng cần phải chú ý đến cơ chế quản lý của Nhà nước, hiện nay đang bị ràng buộc, làm hạn các doanh nghiệp trong khối này về khả năng năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu quả như khối doanh nghiệp tư nhân.

Chính vì vậy, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước còn phải thay đổi cả thể chế quản lý, cơ chế sử dụng lao động chất lượng cao, tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán… để không thua kém gì các cơ chế của doanh nghiệp tư nhân thì mới có thể đạt được những kết quả như kỳ vọng.

TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đánh giá, câu chuyện mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã được đặt ra hơn 10 năm nay. Kể từ năm 2012, Quốc hội đã thông qua chương trình tái cấu trúc ở 3 lĩnh vực (đầu tư công, tổ chức tín dụng, hệ thống tài chính ngân hàng). Sau đó là câu chuyện CMCN 4.0, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi kép, quốc gia khởi nghiệp... Tuy nhiên, những sự đổi mới này không dễ để thực hiện và bức tranh về mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chưa có sự thay đổi nào đột phá.

TS Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh đến câu chuyện về thể chế, tái cấu trúc, nguồn nhân lực, hạ tầng trong 10 năm qua vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Những mốc thời gian và con số đặt ra có thể vẫn chỉ là “khát vọng” với nền kinh tế của chúng ta khi áp lực thời gian đang đến rất gần.

Chỉ ra những thách thức, điểm nghẽn về cơ hội thời gian qua, TS Võ Trí Thành đồng thời nhấn mạnh, thể chế là động lực, là công cụ thay đổi hành vi. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách, xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh trong thời gian ngắn là không thể. Việt Nam cần phải vừa học hỏi, vừa xây dựng chính sách, vừa xây dựng thể chế chứ không thể chờ một khung pháp lý hoàn chỉnh rồi mới bắt tay vào làm.

"Chúng ta cần tận dụng xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, CMCN 4.0 là cơ hội vàng cho Việt Nam. Xu hướng này cũng rất phù hợp với tư duy, thói quen hành vi của người Việt. Điều quan trọng làm sao có thể khơi gợi được tính thích ứng và văn hóa của người Việt", TS Võ Trí Thành nêu quan điểm.

Tạp chí Xây dựng
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang