"Tách quản lý vốn nhà nước với quản lý nhà nước là đúng đắn"
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Chủ trương tách quản lý vốn nhà nước với quản lý nhà nước là đúng đắn. Nếu để một cơ quan đảm nhận 2 “vai”, chắc chắn là không bình đẳng và khó cạnh tranh lành mạnh, có thể làm méo mó thị trường.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có chức năng đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, chứ không phải là một cơ quan hành chính. SCIC hoạt động bình đẳng như các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác, tuân thủ các quy định của thị trường và là công cụ mang tính thị trường rất lớn.
Cần làm rõ nội hàm quản lý vốn nhà nước, đầu tư vốn nhà nước. SCIC chỉ là cổ đông, không can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Vai trò của SCIC tại các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào năng lực đại diện chủ sở hữu vốn, chọn và giới thiệu người đại diện. Khi Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp, thì thành vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, hòa cùng vốn của các cổ đông khác hình thành vốn của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, SCIC có quyền rút hay để lại doanh nghiệp qua chia cổ tức, cổ phiếu thưởng…
Để SCIC phát huy đúng vai trò, với đặc thù là tổ chức đại diện vốn cho Nhà nước, theo tôi, trong Dự thảo Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13, cần có 1 - 2 điều quy định cho SCIC.
"Tiếp tục thúc đẩy cải cách và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước"
Ông Nguyễn Đức Kiên, chuyên gia kinh tế
Khi đánh giá DNNN, phải xem xét 2 khía cạnh: thực hiện nhiệm vụ chính trị, an ninh kinh tế và sản xuất, kinh doanh. Khi doanh nghiệp có hoạt động theo yêu cầu của Nhà nước, sản xuất, kinh doanh phi lợi nhuận, thì cần cho doanh nghiệp hạch toán vào chi phí sản xuất. Chức năng của các doanh nghiệp phải rõ ràng. Các ngành xương sống trụ cột nếu cần thì giữ, còn lại tiếp tục giảm vốn, bán vốn; doanh nghiệp công ích thì nên để lại địa phương; các doanh nghiệp quốc phòng, công an, ngân hàng... có đặc thù về cơ quan đại diện vốn nhà nước; còn lại, nên chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC.
"Tuân thủ luật chơi của thị trường"
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng ADB
Tư duy quản lý vốn nhà nước vẫn nặng tính hành chính, cần chuyển dịch sang tư duy thị trường. Để làm được, trước hết, cần trả lời câu hỏi: “Việt Nam muốn các doanh nghiệp đi đến đâu”, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp.Trên thực tế, có những nhóm doanh nghiệp nhà nước mang đặc thù khác nhau. Vì vậy, nên phân nhóm doanh nghiệp, bởi mỗi nhóm cần những giải pháp tái cơ cấu khác nhau.
Trong quá trình tái cơ cấu DNNN, việc tách bạch quản lý nhà nước và quản lý vốn nhà nước cần tiếp tục được thúc đẩy, ngoại trừ những ngành, lĩnh vực đặc thù. Vốn nhà nước nên được quản lý, vận hành như đồng vốn của các khu vực kinh tế khác. Nhà nước cũng là một nhà đầu tư, tuân thủ các luật chơi của thị trường.
Ở nhiều nền kinh tế, thể chế và các quy định của họ cho phép sử dụng công cụ đầu tư nhà nước hiệu quả để đạt được mục tiêu chiến lược. Việt Nam nên tham khảo mô hình Temasek của Singapore, bởi 2 nước có sự tương đồng về quy mô nền kinh tế. Bối cảnh toàn cầu hiện nay đặt ra vấn đề lợi ích chiến lược an ninh kinh tế, không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam, mà ở quy mô toàn cầu. Việt Nam phải nghĩ đến bài toán này và phải có công cụ để làm được, đó có thể là SCIC hoặc các DNNN khác.
Thế giới đã thay đổi, ta hãy nhìn dài rộng ra để đón đầu.
"Để SCIC có chất nhà đầu tư chuyên nghiệp"
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
SCIC đã được phê duyệt chiến lược phát triển, trong đó có nhiều tư tưởng tốt. Với những tổ chức như SCIC, cần tách bạch “trò chơi” có tính thị trường cao với đặt hàng theo nhiệm vụ nhà nước…
Để SCIC có “chất” nhà đầu tư chuyên nghiệp, cải tổ SCIC theo chiến lược đã được phê duyệt, đòi hỏi cải cách thể chế áp dụng với Tổng công ty, qua đó doanh nghiệp có thể tái cấu trúc, nâng cao năng lực.
Hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn, một trong hai vai trò quan trọng của SCIC, cần được thúc đẩy, ưu tiên vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả, những lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ và đầu tư “mở đường”. SCIC có lợi thế thu hút các nguồn vốn đầu tư tài chính, tạo sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển.