Chính sách sửa đổi thông thoáng hơn
Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia vào hội nhập sâu với thế giới khá nhanh. Điều này đã giúp cho tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn ở mức cao, kể cả 3 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế (2021-2023). Bên cạnh cơ hội thì rủi ro cũng cận kề khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.
Tuy nhiên, Việt Nam được các chính khách, tập đoàn nước ngoài đánh giá có chính trị ổn định, chính sách được sửa đổi nhanh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển các dự án. Đồng thời, Việt Nam cũng đi đầu trong thực hiện các cam kết với thế giới như: sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, tiến đến Net Zero vào năm 2050.
Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (thành phố Biên Hòa) nơi có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư điện mặt trời áp mái để sử dụng năng lượng xanh. Ảnh: Hương Giang
Theo TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, cơ quan quản lý để lắng nghe những ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung các dự thảo luật. Các ý kiến đã được ghi nhận để hoàn thiện các luật, như vậy khi luật được thông qua, áp dụng vào cuộc sống, tạo động lực cho sự phát triển.
Nhiều luật, nghị định, nghị quyết, chỉ thị, thông tư được ban hành sớm, kịp thời đã giúp cho Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng kinh tế cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, năm 2021, nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 tăng trưởng âm thì GDP của Việt Nam tăng 2,58% so với năm trước đó. Năm 2022, GDP tăng 8,02% (lập kỷ lục trong 10 năm); năm 2023 GDP tăng 5,05% và dự kiến năm 2024, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 6,8-7%.
Vào tháng 3-2024, đoàn giám sát của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát đối với UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia tại Đồng Nai. Trong ảnh: Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khảo sát, kiểm tra thực tế tại công trường dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1. Ảnh: Phạm Tùng.
Thời gian qua, Quốc hội đã thống nhất sửa đổi, bổ sung và nhanh chóng ban hành hàng loạt luật quan trọng như: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử… để đồng bộ trong hệ thống pháp luật về xử lý các vấn đề vướng mắc. Từ đó, tạo nền tảng cho thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản, tài chính… phát triển an toàn, lành mạnh hơn.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trải qua đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà, thế tăng trưởng, phát triển khá.
Cụ thể, nước ta đứng thứ 35 trong 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô kinh tế 435 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng vào top 20 nước thu hút đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Kết quả trên của nước ta đã được cộng đồng thế giới đánh giá cao và cũng trở thành nơi hấp dẫn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, Việt Nam vượt qua được khó khăn, hồi phục nhanh so với các nước khác là do có sự đồng thuận phối hợp giữa Chính phủ, Quốc hội thay đổi mạnh mẽ trong cách sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng theo PGS-TS Trần Đình Thiên, quy trình xây dựng các chính sách và giải pháp mà Chính phủ, Quốc hội thực thi gần đây theo hướng “tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường” đã giúp kinh tế phục hồi và tăng trưởng tích cực.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, có những bước tăng trưởng khá so với thế giới là do Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời nhận diện rõ những vướng mắc. Từ đó, sửa đổi, bổ sung và ban hành những chính sách mới, tạo thuận lợi cho kinh tế phát triển.
Mở đường cho kinh tế phát triển
Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình thế giới và khu vực vẫn sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Cạnh tranh giữa các nước lớn và sự phân tuyến trong quan hệ quốc tế tiếp tục gay gắt. Các vấn đề trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới. Dự kiến, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt từ 2,7-3,2% so với năm 2023.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường trao đổi với Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng các thành viên đoàn giám sát của Quốc hội trong chuyển khảo sát thực tế tại Khu tái định cư ở xã Long Đức (huyện Long Thành) phục vụ dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào tháng 3-2024. Ảnh: Phạm Tùng
Những vướng mắc về cơ chế, chính sách từng bước được khơi thông đã giúp cho kinh tế Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục có những bước tăng trưởng khá. Cụ thể, các chỉ tiêu về kinh tế trong 10 tháng của năm 2024 đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Đơn cử, chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 648 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ; vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gần 27,3 tỷ USD…
Tại Đồng Nai, kinh tế cũng có những bước tăng trưởng khá, do nhiều khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ thông qua các luật, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư được ban hành kịp thời. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 7,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng gần 13%, kim ngạch xuất khẩu tăng 9,2%...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai là trung tâm giao thông của vùng Đông Nam Bộ. Trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia, cũng như nhiều dự án quan trọng của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chia sẻ, thời gian qua, Đồng Nai đã tập trung tháo gỡ các khó khăn để triển khai nhanh các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp một số vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách vượt quá khả năng của tỉnh nên phải đợi các bộ ngành, Chính phủ, Quốc hội có những tháo gỡ mới triển khai tiếp được.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội khóa XV, hàng chục luật trên các lĩnh vực đã được đưa ra thảo luận, sửa đổi, bổ sung và thông qua. Trong đó, có những luật quan trọng đã được các đại biểu Quốc hội làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành, thông qua sớm hơn dự kiến. Mục đích nhằm hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi cho đất nước phát triển.
Tại Đồng Nai, tỉnh đã ban hành các quy định hướng dẫn triển khai luật, nghị định, thông tư liên quan đến các luật trên để các địa phương, doanh nghiệp triển khai dự án được thuận lợi.
Các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án cũng kỳ vọng Chính phủ, Quốc hội tiếp tục cho sửa đổi, bổ sung các luật khác để tạo sự đồng nhất trong thực thi. Đồng thời, các quy định tiếp tục được đơn giản, rút ngắn thời gian phê duyệt và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.