Lấy lại "thời hoàng kim" cho chợ truyền thống

Lấy lại "thời hoàng kim" cho chợ truyền thống

Từng là hình thức phân phối được ưa chuộng hàng đầu song hiện nay, việc phát triển chợ truyền thống ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn. Cần nhiều giải pháp để chợ truyền thống lấy lại được 'thời hoàng kim' của mình.

Nguồn:Nhân dân

Chợ truyền thống vẫn là hình thức phân phối được ưa chuộng.

Chợ truyền thống vẫn là hình thức phân phối được ưa chuộng.

Phương thức phân phối không thể thay thế

Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 355/KH-UBND ngày 5/12/2024 về việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2025.

Theo Kế hoạch, dự kiến, năm 2025, thành phố sẽ đầu tư xây chợ mới, xây dựng lại 34 chợ, trong đó xây mới, gồm: quận Bắc Từ Liêm 4 chợ; quận Hà Đông xây mới chợ La Cả; Quận Tây Hồ xây mới Chợ-Trung tâm thương mại Xuân La; huyện Thanh Trì 5 chợ; huyện Đan Phượng xây mới chợ Trung Châu; huyện Hoài Đức xây mới chợ dân sinh xã Minh Khai; huyện Phúc Thọ xây mới chợ Thanh Đa; huyện Phú Xuyên xây mới chợ Trung tâm xã…

Sự quan tâm của Thủ đô Hà Nội đến chợ truyền thống cho thấy, phương thức phân phối này sẽ vẫn rất quan trọng trong hệ thống thương mại nội địa nước ta. Theo số liệu của Bộ Công Thương đưa ra thì chợ truyền thống vẫn chiếm 80% thị trường bán lẻ, với 8.500 chợ, trong khi siêu thị là 1.080 và 240 trung tâm thương mại.

TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, mặc dù chợ truyền thống có thể thu hẹp theo mức độ phát triển đô thị và thương mại điện tử, song tại Việt Nam chợ truyền thống vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân. Chưa kể hiện nay, chợ truyền thống vẫn bảo đảm cung ứng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân, giải quyết đầu ra cho sản xuất.

“Chợ truyền thống có đặc tính là giao dịch rất nhanh và vô cùng thuận tiện, phù hợp với thói quen tiêu dùng của nhiều gia đình Việt Nam. Cho nên dù hệ thống phân phối hiện đại có phát triển đến mấy thì chợ truyền thống vẫn có vị trí riêng trong thương mại nội địa”, ông Đinh Dũng Sỹ chia sẻ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng so với thời điểm trước đại dịch Covid-19, hiện nay, khách đi chợ truyền thống đang có xu hướng giảm do chuyển dịch thói quen mua sắm. Nhiều người dân, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ ngày càng có xu hướng chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, mua sản phẩm nguồn gốc rõ ràng. Trong khi chợ truyền thống vẫn còn tình trạng bán không đúng giá, hàng giả, không rõ nguồn gốc; khiến một số khách hàng quay lưng.

Kênh bán lẻ này cũng chịu sức ép cạnh tranh của siêu thị, trung tâm mua sắm và các sàn thương mại điện tử với nhiều chương trình khuyến mãi được tung ra để thu hút khách hàng và dần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Một phần nguyên nhân còn do bất cập trong kinh doanh và công tác quản lý chợ, từ đầu tư cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, mô hình quản lý, nhận thức của ban quản lý, chính tiểu thương đến quy hoạch phát triển thương mại địa phương.

Thế nhưng sòng phẳng mà nói, chợ truyền thống vẫn có những thế mạnh mà các loại hình khác khó có thể “đánh bại”. Khảo sát của Trường Đại học Kinh tế-Luật cho hay, người dân hài lòng nhất với giá cả khi mua sắm ở chợ truyền thống. Người dân cũng cho rằng sản phẩm tại đây tươi ngon hơn những kênh mua sắm trực tuyến. Chợ truyền thống còn có thế mạnh là đa dạng mặt hàng, người bán “chuyên sâu” về một mặt hàng nhất định. Chợ truyền thống còn là nếp sống của một số người tiêu dùng, là nét văn hóa đẹp không thể thay thế hoàn toàn bởi kênh mua sắm khác.

Cần phối hợp giữa online và offline để phát triển chợ truyền thống.

Cần phối hợp giữa online và offline để phát triển chợ truyền thống.

Nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống

Chợ Bến Thành là một trong những ngôi chợ có lịch sử lâu đời và cũng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh. Trong đợt dịch Covid-19, chợ Bến Thành là một trong những chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi gần 50% sạp hàng tại chợ đóng cửa ngừng kinh doanh vì không có khách.

Tuy nhiên hiện nay, hơn 91% số lượng sạp hàng trong chợ đã được tiểu thương mở kinh doanh. Theo Ban quản lý chợ Bến Thành, mỗi ngày chợ đón khoảng 3.000-4.000 lượt khách đến tham quan mua sắm, cao điểm dịp lễ, tết… lượng khách lên đến 6.000-8.000 lượt mỗi ngày. Đa phần là khách du lịch nội địa và quốc tế.

Lý giải nguyên nhân của điều này, đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành cho biết, trước áp lực cạnh tranh của các kênh bán lẻ hiện đại và online, chợ Bến Thành cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động kinh doanh ở chợ. Cuối năm 2023 vừa qua, chợ Bến Thành là một trong những chợ đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình livestream bán hàng với các KOL, KOC, Tiktoker, AI… mang lại doanh thu kỷ lục cho nhiều tiểu thương.

Bài học từ chợ Bến Thành cho thấy, chợ truyền thống hoàn toàn có thể quay lại thời “hoàng kim” nếu bắt kịp xu thế trên thị trường. Ông Đinh Dũng Sỹ cho rằng, thời gian qua, ở nhiều địa phương, việc quy hoạch chợ truyền thống chưa được thành công khi gần như người tiêu dùng không đến những chợ mới mà vẫn đến những chợ cũ, thậm chí là chợ cóc. Do đó, người làm quy hoạch cần phải biết văn hóa chợ truyền thống, đó là những việc rất đơn giản, như: sự nhanh chóng, sự thuận tiện và đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ứng dụng thương mại điện tử để gia tăng lượng khách hàng đến chợ.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết thêm, điểm mạnh của chợ truyền thống Việt Nam chính là nét văn hóa đặc trưng, có thể gắn với phát triển du lịch và hình thức du lịch này được rất nhiều du khách nước ngoài ưa chuộng. Do đó, theo TS. Võ Trí Thành, việc phát triển chợ truyền thống của Việt Nam cần gắn chặt với văn hóa truyền thống, với du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về văn hóa chợ để phát triển loại hình thương mại này.

Các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng bức tranh tương lai của các chợ truyền thống là kết hợp cả 2 phương thức offline và online, offline là để tiếp thị khách hàng, còn online là để duy trì quan hệ và tiếp tục phát triển khách hàng. Tiểu thương phải sử dụng các công cụ mới, các mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ phải thường xuyên tổ chức các chương trình offline hấp dẫn như các sự kiện khuyến mãi, kết hợp mua sắm vui chơi… để kéo khách hàng từ online xuống offline. Có như vậy, sức hấp dẫn của các chợ truyền thống mới tăng lên.

Nhân dân
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang