Luật Đầu tư công 2024: Đột phá trong quản trị nhà nước

Luật Đầu tư công 2024: Đột phá trong quản trị nhà nước

Luật Đầu tư công 2024 thể hiện vai trò quản trị nhà nước, thúc đẩy thực thi nhanh gọn, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Nguồn:The LEADER

Luật Đầu tư công 2024 có nhiều cơ chế mới giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Ảnh: Hoàng Anh

Luật Đầu tư công 2024 có nhiều cơ chế mới giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Ảnh: Hoàng Anh

Quá trình quyết định chủ trương đầu tư của dự án đầu tư công quan trọng quốc gia, theo quy định của luật cũ, phải trải qua 11 bước, cuối cùng sẽ trình Quốc hội xem xét và thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB LAW, điều này tạo ra một điểm nghẽn bởi phải đợi đến kỳ họp của Quốc hội mới có thể trình chủ trương hoặc chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư công quan trọng quốc gia.

Tương tự, đối với các dự án đầu tư công nhóm A, B, C sử dụng nguồn ngân sách địa phương, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc về cơ quan dân cử, tức hội đồng nhân dân các cấp, cũng hoạt động theo kỳ họp, gây ra sự chậm trễ về tiến độ, thời gian quyết định chủ trương đầu tư công.

Tháo gỡ điểm nghẽn này, Luật Đầu tư công 2024 mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, đã quy định nâng mức vốn tối thiểu của dự án quan trọng quốc gia từ 10 nghìn tỷ đồng lên 30 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm A, B, C được chuyển giao về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và các ủy ban nhân dân các cấp.

Bên cạnh đó, thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn với vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được điều chuyển từ Ủy ban thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ.

Ông Hà nhận định, chính sách mới thể hiện sự phân quyền rất quyết liệt, giúp giảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan, qua đó xóa bỏ tắc nghẽn đầu tư công, kiến tạo không gian phát triển.

“Nếu như quan điểm trước đây khi xây dựng luật là thực hiện chức năng quản lý nhà nước một cách chặt chẽ thì bây giờ Luật Đầu tư công 2024 thể hiện rõ nét tinh thần kiến tạo”, Luật sư Hà cho biết.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng việc bổ sung, các cơ quan hành chính được giao thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, B, C và quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng đi kèm với việc báo cáo với Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp vào kỳ họp gần nhất thể hiện sự cân bằng, một mặt đẩy mạnh phân cấp phân quyền để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, mặt khác đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình để nguồn vốn đầu tư công được sử dụng đúng mục đích, tạo tác động tích cực và lan tỏa.

Bên cạnh quy định phân cấp, phân quyền, Luật Đầu tư công 2024 cũng cho phép tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng, thay vì chỉ cho phép đối với dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia.

Trước đây, chính sách này đã được áp dụng tại một số địa phương có cơ chế đặc thù, thể hiện tính hiệu quả cao. Bởi lẽ, khâu giải phóng mặt bằng tiêu tốn rất nhiều thời gian, thường là khâu gây ra sự trì trệ, vướng mắc khi triển khai đầu tư công, đặc biệt các dự án liên quan đến diện tích lớn và vùng dân cư.

“Luật Đầu tư công 2024 phản ánh bản chất về yêu cầu của quản trị nhà nước, đòi hỏi tính tốc độ, linh hoạt, phân cấp phân quyền để giảm bớt thời gian không cần thiết, ứng phó với biến động của nền kinh tế”, ông Thành tổng kết.

Đánh giá cao Luật Đầu tư công 2024, tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế cũng lưu ý cần tiếp tục thực thi hiệu quả công tác kiểm toán để rà soát vướng mắc, rút ra bài học, từ đó tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện các chính sách.

Như vậy, tính hiệu quả và độ lan tỏa của đầu tư công sẽ tiếp tục được nâng cao, đảm nhiệm đúng vai trò là một trong ba trụ cột của tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.

The LEADER
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang