Giai đoạn 2023 - 2024, Việt Nam đứng trước cơ hội hiếm có để tham gia vào các chuỗi cung ứng giá trị cao, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, song cũng phải đứng trước thách thức, cạnh tranh rất lớn. Dù vậy, khát vọng trở thành một quốc gia phát triển vẫn luôn cháy bỏng, sục sôi ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất. Chớp lấy thời cơ, tận dụng nguồn lực bên ngoài để nâng cao nội lực, tạo ra sức bật mới là yêu cầu cấp thiết mà bối cảnh đang đặt ra, thúc đẩy chúng ta phải quyết liệt thực hiện đến cùng.
Không chỉ cần chứng minh mình là điểm đến đầu tư hấp dẫn, từ đó trở thành nơi hội tụ của dòng vốn FDI chất lượng cao, khẳng định vị thế quốc gia trong kỷ nguyên mới của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam còn cần đồng thời nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế. Trong đó, chủ chốt là hình thành đội ngũ doanh nghiệp “đầu tàu” có khả năng dẫn dắt và lan tỏa, tạo nên những thương hiệu quốc gia bền vững, mang trong mình khát vọng, hình ảnh của nền kinh tế đất nước.
Những biến động kinh tế và chính trị toàn cầu giai đoạn từ sau đại dịch Covid-19 đến nay đã phơi bày rủi ro của chuỗi cung ứng khi phụ thuộc vào một nguồn cung cấp hoặc một thị trường duy nhất. Điều này đã thúc đẩy nhiều tập đoàn đa quốc gia tính toán lại về chiến lược chuỗi cung ứng và dần tái cấu trúc chúng theo hướng khu vực hóa, đa dạng hóa nhà cung cấp; thể hiện rõ nhất ở nỗ lực đưa cơ sở sản xuất, đặc biệt là trong các ngành quan trọng như bán dẫn về nước hoặc chuyển sang các quốc gia, vùng lãnh thổ có chung hệ giá trị và tiêu chuẩn. Bối cảnh này mở ra cơ hội rất lớn cho các nước tiềm năng, trong đó có Việt Nam, trong việc trở thành một nhân tố quan trọng của chuỗi cung ứng mới đang dần được thiết lập lại.
Năm 2023, mối quan hệ đối ngoại tốt đẹp giữa Việt Nam và các quốc gia lớn có ưu thế về công nghệ trên thế giới được kỳ vọng là lực đẩy tạo ra làn sóng FDI mới vào nước ta. Sự gia tăng vốn đăng ký lẫn giải ngân trong thời gian qua phản ánh sự quan tâm và tin tưởng liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng thị trường và môi trường kinh doanh của Việt Nam trong dài hạn.
Sau tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết đưa ra nội hàm mới là “hợp tác đầu tư nước ngoài” chứ không còn đơn thuần là “thu hút đầu tư nước ngoài” như trước đây. Trên thực tế, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay đã được chọn lọc kỹ càng hơn theo hướng ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn và tạo lan tỏa với khu vực trong nước. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn với công nghệ hiện đại đã và đang đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.
Trước đây, Việt Nam chú trọng thu hút FDI về mặt số lượng, bởi giai đoạn đầu, nước ta mong muốn có nhiều nhà đầu tư vào cung ứng vốn, đồng thời sử dụng lao động trong nước. Nhưng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam, việc thu hút FDI phải hướng đến chuyển giao công nghệ, tạo ra sự liên kết và chuỗi giá trị. Với định hướng trên, trong cuộc chơi mới, các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò là những doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, lan tỏa và tạo thành chuỗi giá trị. Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới theo đó cũng gắn với tiêu chí hàng đầu là công nghệ, với mục tiêu có thể đưa doanh nghiệp trong nước trở thành “vệ tinh”, tham gia vào sản xuất các khâu phụ trợ và nắm bắt công nghệ cao từ doanh nghiệp FDI.
Làn sóng FDI mới đang mở ra cơ hội rất đặc biệt cho Việt Nam. Nguồn lực phát triển này chứa đựng trong nó tiềm năng tạo động lực to lớn để tạo những bước phát triển nhảy vọt. Nhưng muốn để không lỡ nhịp “cuộc chơi lớn”, Việt Nam cũng phải kịp thời “tân trang” nguồn lực. Cốt lõi là cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về thu hút FDI để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng nguồn vốn. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.
Trong đó, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, cần đánh giá các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp thay thế để sau khi áp dụng thuế này có thể tiếp tục duy trì và thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, công nghệ cao. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu tất yếu, là động lực đột phá để Việt Nam rút ngắn khoảng cách, đứng trên vai người khổng lồ tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững trên toàn cầu đang đặt ra yêu cầu rất lớn, đòi hỏi từ tư duy quản lý, điều hành, hoạch định chính sách đến sự phối hợp ở mọi khâu trong chuỗi cung ứng phải hướng tới đảm bảo các cam kết về giảm phát thải, tăng trưởng xanh. Đây là những vấn đề quan trọng quyết định Việt Nam tiếp tục thu hút FDI tới mức nào, thu hút vốn FDI chất lượng cao nhiều hay ít, ở tất cả các lĩnh vực.
Đứng trước cơ hội cận kề, Việt Nam cần tranh thủ thời gian để chớp lấy, hiện thực hóa các cơ hội, tránh để lãng phí nguồn lực quan trọng này. Ngay trong năm 2024, Việt Nam cần nhìn ra các xu hướng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn nước ngoài, từ đó nắm bắt cơ hội. Chấp nhận thay đổi và thực hiện những chiến lược có mục tiêu là cách để các quốc gia như Việt Nam có thể định vị mình là nhân tố chủ chốt trong kỷ nguyên mới của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bối cảnh mới cũng đặt ra yêu cầu phát triển mạnh hơn khối kinh tế tư nhân với những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện, góp phần tạo nên môi trường hấp dẫn thu hút và giữ chân dòng vốn FDI, đồng hành cùng doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị. Vai trò của kinh tế tư nhân cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn khi khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; nhiều sáng kiến, đổi mới và sự đột phá được xuất phát chính từ các doanh nghiệp tư nhân.
Sức bật từ doanh nghiệp nội
Nền kinh tế Việt Nam có quy mô còn khá khiêm tốn, độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng từ các biến động, dù là nhỏ của thế giới, trong khi khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc đến từ bên ngoài còn hạn chế. Vì vậy, nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, hầu hết các quốc gia thực hiện công nghiệp hóa thành công đều có vai trò của hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp “đầu tàu” hay “sếu đầu đàn”, tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong giai đoạn nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng cần có sức bật mới cho những bước phát triển tiếp theo gắn với khát vọng hùng cường, thịnh vượng, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết không chỉ khẳng định dấu ấn sự phát triển, ghi nhận đóng góp của đội ngũ doanh nhân, mà quan trọng hơn là đề ra những yêu cầu, đòi hỏi mới và cả một niềm hy vọng về sự đóng góp mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa của lực lượng nòng cốt này trong việc hiện thực hóa khát vọng của quốc gia, dân tộc.
Phải khẳng định rằng, đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp có tác động qua lại rất sâu sắc với hình ảnh và vị thế của đất nước. Trên thực tế, đã có nhiều thương hiệu trên thế giới mà chỉ cần nhắc tới người ta sẽ nghĩ ngay đến đất nước của họ. Và ngược lại, khi nói về đất nước ấy thì sẽ nghĩ ngay những thương hiệu, sức mạnh sản xuất kinh doanh của những doanh nhân - doanh nghiệp đó.
Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao như Vingroup, FPT, T&T Group, THACO, Vietjet, Vinamilk, TH… với thương hiệu không chỉ được ghi nhận ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới sẽ cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tư nhân lớn, những tập đoàn với thương hiệu mạnh mang tầm quốc tế, góp phần tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các biến động của thị trường. Các doanh nghiệp lớn mạnh cùng với sự phát triển của đất nước, thực hiện được khát vọng để Việt Nam thực sự đi cùng với thời đại, thậm chí có những việc chúng ta có thể tiên phong trong thời đại. Giai đoạn hiện nay, phải thúc đẩy để đội ngũ doanh nghiệp có thể tạo ra được những bước ngoặt mang tính đột phá. Không chỉ dừng lại ở chỗ tuân thủ luật chơi, học hỏi những thông lệ tốt nhất mà còn hơn thế - đó là cách ứng xử với một tầm nhìn, khát vọng đi cùng với sự phát triển của đất nước.
Đối với doanh nghiệp lớn, Nghị quyết 41 không chỉ đòi hỏi sự dẫn dắt và sự lan tỏa, mà còn yêu cầu xây dựng và duy trì thương hiệu có liên quan đến thương hiệu quốc gia. Nghị quyết cũng nhấn mạnh vào hỗ trợ từ nhà nước, không chỉ trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn đặt nặng vào khía cạnh “an toàn” cho hoạt động kinh doanh và sản xuất của doanh nghiệp.
Nghị quyết cũng đã nhấn mạnh vào hệ thống giải pháp và sự tham gia của hệ thống chính trị trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt. Điều này thể hiện một cách tiếp cận toàn diện, không chỉ tập trung vào các biện pháp và nhận thức, mà còn chú trọng đến vai trò của chính trị trong việc đáp ứng các yêu cầu phức tạp của giai đoạn phát triển mới. Bởi để tranh thủ được cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần nhất là hệ thống pháp luật kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh và mang tính kiến tạo với các thủ tục hành chính, thủ tục tiếp cận đất đai, nguồn lực tài chính đơn giản và thuận tiện.
Sục sôi khát vọng phát triển
Trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới cải cách toàn diện nền kinh tế, thách thức của Việt Nam là vô cùng lớn. Lúc đó, dù chúng ta chưa hiểu hết về kinh tế thị trường, nhưng đã chọn cải cách theo hướng thị trường, mở cửa từ bên trong đến mở cửa ra bên ngoài. Không chỉ lựa chọn bước đi, mà thế hệ lãnh đạo đất nước đã chấp nhận rủi ro, dũng cảm thực hiện. Nếu không dám làm, nếu không trăn trở, bám sát thời cuộc thì không thể có bước phát triển như hiện tại. Tuy nhiên, một điểm cần phải lưu ý là, trước đây, bối cảnh rất khó khăn, hậu quả chiến tranh, cấm vận còn nặng nề, việc cải cách rất gian nan nên chúng ta cần phải thí điểm, đi từng những bước nhỏ; còn hiện nay, thế và lực của đất nước đã khác, chúng ta cần rút kinh nghiệm từ bài học cũ, thực hiện nhanh hơn, tốt hơn để tạo sức đột phá, lan tỏa lớn hơn.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: "Có một điều tôi muốn nhấn mạnh hơn là, trong lịch sử cải cách, đổi mới của Việt Nam, cứ mỗi khi gặp khó thì lại có những bước chuyển mình, đột phá mới. Đơn cử như khi đàm phán tham gia TPP hay CPTPP, Việt Nam là nước có thu nhập bình quân thấp nhất, thể chế kinh tế chưa hoàn thiện. Nhưng chúng ta vẫn quyết làm bằng được, vượt qua tất cả và hội nhập ngày càng sâu, rộng với khu vực và thế giới, trong đó có cả các nước lớn. Rõ ràng, có thể khẳng định, chỉ cần quyết liệt thực hiện đến cùng thì dù khó đến đâu, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu lớn."
Việc tạo dựng, duy trì, giữ vững niềm tin đối với sự phát triển của đất nước là thách thức không nhỏ. Nếu bàng quan, chỉ nhìn ngắn hạn, thì chắc chắn, công cuộc cải cách nền kinh tế sẽ không có được thành quả mong muốn. Giai đoạn hiện tại, điểm thuận lợi rất lớn là có một khát vọng cháy bỏng trở thành một quốc gia phát triển nung nấu ở nhiều thế hệ, từ giới chính sách, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cho đến giới trẻ… Ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, tôi vẫn thấy khát vọng này sục sôi. Việt Nam có thể tự tin trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 nhưng cần lưu ý vấn đề thời gian để tranh thủ được các cơ hội.
Cạnh tranh giữa các nước trong khu vực và trên thế giới là rất lớn và chúng ta còn phải nỗ lực hơn nữa để tạo sự hấp dẫn thực sự cho các dòng vốn, dòng đầu tư chất lượng. Khi trở thành nơi hội tụ của dòng vốn FDI mới, bản thân doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội để sáng tạo, tiếp tục tạo ra động lực mới cho tăng trưởng. Và việc tiến dần đến mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 sẽ không chỉ là hy vọng.
Việt Nam cần tận dụng thời gian, cải cách thể chế, thực thi quyết liệt, nhanh chóng và phát triển đội ngũ cán bộ chịu khó, dám làm, dám sáng tạo và dám chịu trách nhiệm để tạo bước ngoặt mới. Khi nội lực và năng lực cạnh tranh đủ mạnh thì dù tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn có thể căng buồm vượt sóng.