Tạo đột phá để nền kinh tế "tăng tốc"

Tạo đột phá để nền kinh tế "tăng tốc"

Để "về đích" các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, qua đó tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng, đòi hỏi năm 2025 cần có những đột phá trong việc khơi thông, phát huy các động lực tăng trưởng. Đây là chia sẻ của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh với phóng viên Báo Kiểm toán.

Nguồn:Báo Kiểm toán

Năm 2024, GDP của Việt Nam tăng 7,09%. Ảnh minh họa

Năm 2024, GDP của Việt Nam tăng 7,09%. Ảnh minh họa

Thưa ông, nhìn lại năm 2024, ông đánh giá như thế nào về “bức tranh” kinh tế Việt Nam trong năm qua?

Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước, với kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm tăng 7,09% so với năm trước, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Đối với khu vực doanh nghiệp (DN), số lượng DN gia nhập thị trường so với số lượng DN rút khỏi thị trường đã có tín hiệu tích cực qua từng quý. Tính chung cả năm 2024, số lượng DN gia nhập thị trường gấp 1,18 lần số DN rút lui khỏi thị trường. Đặc biệt, một trong những “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế năm qua là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lập mốc kỷ lục mới, đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 25 tỷ USD. Về đầu tư nước ngoài (FDI), tín hiệu tích cực là nguồn vốn FDI thực hiện tăng khá cao, tăng 9,4% so với năm trước, với giá trị đạt 25,35 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 2020 đến nay; cùng với đó, trong năm qua, Việt Nam là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ bán dẫn đến năng lượng tái tạo…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, bức tranh kinh tế trong năm qua vẫn còn một số điểm quan ngại. Chẳng hạn, về đầu tư, năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt 661.300 tỷ đồng, bằng 84,6% kế hoạch năm, thấp hơn tỷ lệ 87,3% của năm trước. Về đầu tư ngoài nhà nước, trước đại dịch Covid-19, vốn đầu tư thực hiện của khu vực ngoài nhà nước thường có tốc độ tăng trên 10% mỗi năm, phản ánh vai trò rất quan trọng của nguồn vốn này đối với thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2024, vốn đầu tư thực hiện của khu vực ngoài nhà nước có dấu hiệu khởi sắc, nhưng chưa huy động được hết tiềm năng cho phát triển, với giá trị đạt hơn 2,06 triệu tỷ đồng, tăng 7,7%. Về tiêu dùng - động lực tăng trưởng có quy mô lớn nhất có sự chững lại, thể hiện qua chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,9%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với mức tăng 6,8% của năm 2023. Điều này phản ánh khó khăn của người dân vẫn còn hiện hữu, niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, người dân thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn…

Thưa ông, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao) và quyết tâm để đạt được mức cao hơn, tăng trưởng trên hai con số. Nhìn vào năm 2025, ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn là 6,5 - 7%. Trong khi đó, tăng trưởng GDP trong 3 năm 2021-2023 khá thấp, lần lượt là 2,58%, 8,02% và 5,05% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì thế, để đạt mục tiêu tăng trưởng của cả giai đoạn, năm 2025, tăng trưởng GDP cần phải đạt được mức tăng trên 9%, tuy nhiên ngay cả mục tiêu tăng trưởng trên 8% cũng là rất thách thức, trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất ổn và trong nước cũng còn nhiều khó khăn.

Về tình hình thế giới, năm 2025, dự báo tình hình kinh tế thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, bất định, khó lường, bao gồm các cuộc xung đột thương mại tiềm tàng, căng thẳng địa chính trị, áp lực tỷ giá… sẽ tác động nhiều mặt tới kinh tế nước ta.

Ở trong nước, nhìn chung hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN vẫn còn nhiều khó khăn bởi chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao; thị trường xuất khẩu phục hồi chậm, còn nhiều bấp bênh, sức mua và nhu cầu trong nước còn hạn chế; DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng và các nguồn lực khác... Một số lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế như thị trường bất động sản còn chậm phục hồi, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng…

Trong bối cảnh như trên, đâu là những giải pháp quan trọng cần phải thực hiện để nền kinh tế có thể tăng tốc, bứt phá trong năm 2025, thưa ông?

Để nền kinh tế bứt phá, đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025, tôi cho rằng cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, như tinh thần Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh.

Theo đó, đối với các động lực tăng trưởng truyền thống, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông quan trọng; cùng với đó là phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực FDI. Để đẩy mạnh xuất khẩu, bên cạnh sự nỗ lực của các DN, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ DN như hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới, hỗ trợ DN đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu… Để đẩy mạnh tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, cần thực hiện hiệu quả các chương trình thúc đẩy phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu thụ hàng Việt Nam; nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, để tăng cường thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế…

Song song với việc phát huy tốt các động lực tăng trưởng truyền thống, cần tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Cùng với đó là hỗ trợ DN ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy DN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững…

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là cùng với việc phấn đấu đạt được tốc độ tăng trưởng cao, quan trọng hơn là cần chú trọng đến chất lượng tăng trưởng. Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 16%, làm thế nào để dòng tiền chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh một cách an toàn, hiệu quả, để tạo ra giá trị thặng dư cao, góp phần tích cực cho tăng trưởng bền vững; hạn chế dòng tiền đi vào những khu vực mang tính chất đầu cơ như vàng, chứng khoán, tiền ảo… Quan trọng nữa là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đo bằng hệ số ICOR - phản ánh để tăng thêm 1 đồng GDP thì cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Báo Kiểm toán
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang