Tháo gỡ “điểm nghẽn” để kinh tế bứt phá

Tháo gỡ “điểm nghẽn” để kinh tế bứt phá

Trong năm qua, kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nhất là lượng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng cao. Dẫu vậy, tác động lan tỏa của FDI trong chuyển giao công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn nhiều hạn chế.

Nguồn:Thời báo ngân hàng

“Hoa nở” trong điều kiện không thuận lợi

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về nội tại và bên ngoài. Bên ngoài, kinh tế thế giới trải qua một năm nhiều biến động khó lường. Trong nước, khó khăn, thách thức đầu tiên có thể kể đến là xử lý những vướng mắc, bất cập trong nội tại nền kinh tế đã tồn đọng, tích tụ nhiều năm qua; đồng thời phải ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh, đặc biệt là hậu quả của bão số 3 (Yagi). Song, Việt Nam đã bền bỉ, nỗ lực vượt qua từng khó khăn để phấn đấu đưa nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Tính chung cả năm 2024, GDP tăng 7,09% so với năm trước, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt 25,35 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Lạm phát cũng được kiểm soát ở mức phù hợp, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 so với năm trước tăng 3,63%- được kiểm soát tốt hơn cả mục tiêu đề ra là 4-4,5%.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý; lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được đảm bảo, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu. Đáng chú ý, Việt Nam thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đây là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc, về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh cơ hội, theo các chuyên gia, kinh tế nước ta đang đối mặt với 3 nhóm rào cản, đó là quá trình ra quyết định, thực thi quyết định để xử lý bất cập về thể chế và các rào cản quá chậm khiến nguồn lực không được xử dụng hiệu quả; cơ sở hạ tầng chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; nguồn nhân lực đông về số lượng, kém về chất lượng khi có tới 71,7% lao động chưa qua đào tạo. Bên cạnh đó, dù không thể phủ nhận những đóng góp lớn của khu vực doanh nghiệp FDI vào sự phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung, Honda, Metro… nhưng điều này lại đang làm dấy lên mối lo ngại về một nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI sẽ khiến nền kinh tế mất dần tự chủ và nội lực ngày càng trở nên suy yếu. Đây là điểm nghẽn “cố hữu” đã diễn ra trong nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích, tác động lan tỏa của FDI trong chuyển giao công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Các doanh nghiệp nội địa chưa thực sự tham gia sâu vào các chuỗi có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI mới tập trung ở nhóm ngành có công nghệ thấp, trung bình và nhóm ngành dịch vụ. Báo cáo về chỉ số hiệu quả FDI của các nước ASEAN cho thấy, về trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng ở vị trí thấp, xếp thứ 90/100, trong đó công nghệ nền tảng (Technology Platform) thứ 92/100, năng lực đổi mới sáng tạo xếp thứ 77/100, FDI và chuyển giao công nghệ xếp thứ 73/100, với đầu tư cho R&D chỉ chiếm 0,2% GDP xếp hạng 84/100.

Tận dụng cơ hội từ FDI để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển

Tận dụng cơ hội từ FDI để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển

Tạo sức lan tỏa cho doanh nghiệp trong nước

Từ những yếu tố trên có thể thấy, việc cần làm ngay là, trên cơ sở quy hoạch tổng thể ngành, vùng, địa phương, cần tiến hành rà soát việc thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI để điều chỉnh, cơ cấu lại cho hợp lý. Đồng thời, điều chỉnh chiến lược thu hút FDI, tập trung ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu, ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Để khai thác tối đa các cơ hội của quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu cần xây dựng chính sách đồng bộ và tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI. Trong đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp FDI thì phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả quản trị, quản lý…

Cùng chung nhận định này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, trong giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ này và cả trong nhiệm kỳ tiếp theo, việc thúc đẩy đầu tư công sẽ là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng, song việc đẩy mạnh đầu tư tư nhân cũng sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Để thúc đẩy đầu tư tư nhân, trong bối cảnh khó khăn và hạn chế về các gói kích thích kinh tế, Chính phủ cần triển khai các chương trình bình ổn giá cả, thúc đẩy hàng Việt Nam chất lượng cao và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân cần thực chất, vừa thúc đẩy cung vừa hỗ trợ cầu, giúp giảm giá thành sản phẩm và nâng cao giá trị nội địa trong hàng xuất khẩu. Đồng thời, cần phải có chính sách khơi dậy tiềm năng phát triển thị trường trong nước.

Ngoài ra, khu dịch vụ của nước ta vừa là thị trường tiêu dùng của hơn 100 triệu dân trong nước, vừa liên quan đến dịch vụ thu hút khách du lịch nước ngoài. Nếu khơi thông được yếu tố này, chúng ta cũng đã tạo ra được một giá trị tăng trưởng rất lớn, vì nó chiếm trên 50% GDP. “Tăng thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, tăng năng suất lao động, đưa mức năng suất lao động của Việt Nam lên cao, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu”, TS. Võ Trí Thành đề xuất.

Thời báo ngân hàng
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang