TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh kiến nghị Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các doanh nghiệp giữ vị trí then chốt của nền kinh tế (Ảnh: PT)
Liên quan đến dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được xây dựng, đã có các kiến nghị đóng góp. Cụ thể, Điều 9 về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các doanh nghiệp kiến nghị: “Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia trong từng thời kỳ. Chính phủ ban hành Điều lệ, Quy chế quản lý tài chính của các doanh nghiệp này”.
Tại Điều 28, Đầu tư bổ sung vốn, về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cũng có thêm kiến nghị: “Đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia, việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thì cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định, cho ý kiến hoặc thực hiện theo Đề án tái cấu trúc, sắp xếp, cơ cấu lại do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Về các kiến nghị nêu trên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) trao đổi với PetroTimes nhấn mạnh tinh thần, nguyên tắc sửa Luật lần này nhằm tách quyền quản lý Nhà nước và quyền sở hữu vốn, gắn với việc Nhà nước trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, quản lý dõi theo dòng vốn, không quản lý hoạt động doanh nghiệp như một pháp nhân. Cùng với đó, dự thảo Luật làm rõ chức năng, phân cấp quyền liên quan đến vốn Nhà nước và tạo tính tự chủ, linh hoạt, chủ động cho DNNN.
Tuy nhiên, theo ông Thành, từ ý tưởng đến cụ thể hóa trong dự thảo Luật không hề đơn giản. Liên quan đến các kiến nghị, chúng ta cần phân biệt vốn nhà nước khác với vốn tư nhân, dù ở cấp nào cũng chỉ là đại diện sở hữu, liên quan đến quyền hạn ràng buộc, trách nhiệm, năng lực, giám sát hiệu quả và giải trình.
Vì nhiều tầng lớp đại diện, rủi ro và trách nhiệm nên vấn đề luôn tồn tại là các lo ngại về năng lực và xung đột lợi ích, cấp độ giải trình. Về nguyên tắc, giải trình về hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước là giải trình với toàn thể đồng bào mà đại diện ở đây là Quốc hội.
Đối với các doanh nghiệp then chốt trong nền kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng các ý kiến đề xuất nêu trên là có lý, bởi doanh nghiệp hoạt động ở tầm vi mô, không thể bao quát hết các vấn đề tổng thể trong khi nhiệm vụ của nhóm doanh nghiệp này có sự phức hợp lớn liên quan đến nhiều yếu tố không chỉ ở hiệu quả đồng vốn, do đó cần đưa ra quyết định dựa trên cách nhìn nhận bao trùm.
“Mục đích đầu tư vốn của Nhà nước ở các doanh nghiệp then chốt không chỉ nhằm tạo ra lợi nhuận mà còn nhằm đảm bảo an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực khác phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Lần sửa luật này hướng đến giúp DNNN được hoạt động tự chủ linh hoạt như các doanh nghiệp khác trên thị trường, phát huy hết các chức năng, nhiệm vụ hiện có”, ông Thành nhìn nhận.
|
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, DNNN cần phải được hoạt động như một doanh nghiệp thực sự, được đảm bảo quyền kinh doanh và cạnh tranh (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, sự tự chủ đó cũng cần điều tiết một cách cân bằng, do đó, TS. Võ Trí Thành gợi mở 3 cách tương tác phối hợp trong chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm, linh hoạt tùy trường hợp, lĩnh vực đối với các doanh nghiệp được xác định là then chốt của nền kinh tế.
Cách một, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định từ trên xuống; Cách hai, doanh nghiệp tự nhận thấy lĩnh vực/vấn đề nào đó rất hay có lợi ích cho đất nước, nên đề xuất, báo cáo lên Thủ tướng phê duyệt; Cách ba, doanh nghiệp chủ động thực hiện đầu tư theo đúng chiến lược, quy hoạch lập ra cho doanh nghiệp; với cách này, ông Thành cho rằng cần có cơ chế bù đắp tổn thất, rủi ro cho doanh nghiệp và có giám sát của Chính phủ, tạo sự tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, chủ động cao nhất.
Như vậy, TS. Võ Trí Thành kiến nghị Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các doanh nghiệp giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia trong từng thời kỳ, đồng thời Chính phủ lựa chọn nhân sự, năng lực và xây dựng lòng tin.
Ông Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường, DNNN cần phải được hoạt động như một doanh nghiệp thực sự, được đảm bảo quyền kinh doanh và cạnh tranh.
Theo ông Thành, sở hữu nhà nước gắn với tư nhân luôn tồn tại những mâu thuẫn mà chúng ta chỉ có thể giảm thiểu và không thể giải quyết hoàn toàn. cần hạn chế những nguyên nhân tạo ra mâu thuẫn cố hữu, thông qua lựa chọn nhân sự đáp ứng năng lực yêu cầu; để DNNN được hoạt động với đầy đủ tính tự chủ, linh hoạt; giảm thiểu sự giám sát…
“Điểm khó ở đây là quản lý lỏng quá sẽ khiến các vấn đề có tính gốc rễ bùng lên, nhưng quản lý chặt quá sẽ bóp nghẹt sự tự chủ của doanh nghiệp. Không có giải pháp tốt 100% để đảm bảo sự cân bằng tối ưu là điểm khó nhất trong Luật. Thời gian này là giai đoạn chúng ta cần vừa học, vừa làm. Thị trường không bảo ‘ông muốn thì tôi chờ’ mà chúng ta cần đẩy nhanh quá trình sửa Luật, tạo ra cơ chế thông thoáng, tăng quyền tự chủ, tự quyết và sáng tạo để DNNN phát huy tối đa vai trò, nhất là nhóm doanh nghiệp then chốt”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.