Ứng phó linh hoạt với biến động tỷ giá

Ứng phó linh hoạt với biến động tỷ giá

Trước áp lực USD còn tiếp tục tăng giá sau năm 2024 đầy biến động, doanh nghiệp cần linh hoạt để ứng phó với biến số tỷ giá, giảm thiểu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Nguồn:Báo Đầu tư

Tỷ giá năm 2025 được dự báo tăng, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao để ứng phó linh hoạt. Ảnh: Đức Thanh

Tỷ giá năm 2025 được dự báo tăng, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao để ứng phó linh hoạt. Ảnh: Đức Thanh

Áp lực USD mạnh tiếp tục đè nặng

Giữa tháng 1/2025, Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh đồng bạc xanh, trở lại tiệm cận mốc 110 điểm. Con số dữ liệu việc làm của Mỹ công bố cuối tuần trước đã làm giảm triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã tăng thêm 256.000 việc làm vào tháng 12/2024, tích cực hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế là 160.000, dù con số việc làm trong tháng 11 đã được điều chỉnh giảm xuống còn 212.000. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,1%, thấp hơn so với mức kỳ vọng là 4,2%.

Với các số liệu này, nhiều chuyên gia đã loại bỏ khả năng Fed phải cắt giảm lãi suất khẩn cấp, khi các nhà giao dịch đặt cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025. Những dự báo hiện tại cho thấy, các nhà giao dịch kỳ vọng nhiều hơn vào khả năng chỉ có một lần cắt giảm 25 điểm cơ bản đối với lãi suất quỹ liên bang vào nửa cuối năm.

Bức tranh về tương lai kinh tế Mỹ có lẽ sẽ rõ nét hơn, khi Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1. Dù vậy, chính quyền Trump 2.0 được đánh giá sẽ có nhiều yếu tố khó lường. Tại chương trình WeTalk “Đầu tư gì 2025?” mới đây, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra nhận định về chính sách của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai. Theo ông Thành, một trong những quan điểm cốt lõi của ông Trump là Mỹ sẽ thất bại nếu các quốc gia khác ngừng sử dụng USD. Mong muốn của vị Tổng thống này là tạo ra thị trường Mỹ hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư trên thế giới, tạo thu nhập và việc làm cho người dân Mỹ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư VCBF cho rằng, chính quyền Mỹ sẽ tập trung rất nhiều để USD tiếp tục là đồng tiền chủ yếu trong dự trữ ngoại hối, thanh toán thương mại và các giao dịch tiền tệ trên toàn cầu. Dù chiếc ghế Chủ tịch Fed chưa có sự thay đổi, trong nội các mới, vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính được giao cho tỷ phú Scott Bessent - một nhà đầu tư và nhà quản lý quỹ phòng hộ người Mỹ. Đây cũng là điểm mà vị chuyên gia từ VCBF đặc biệt lưu ý.

Từ cuối tháng 9/2024 đến nay, mạch tăng của USD đã kéo dài. Trong nửa đầu tháng 1/2025, Chỉ số DXY đã tăng 0,61%. Tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh chỉ tăng 3 VND/USD. Tương ứng, tỷ giá tại các ngân hàng chỉ nhích nhẹ.

Trước đó, tỷ giá năm 2024 tăng 5,03%, có thời điểm tỷ giá tăng tới 7%. Đây là mức cao lịch sử, nhưng vẫn sụt giảm ít hơn so với đồng nội tệ của nhiều quốc gia khác. Đồng thời, theo đánh giá của NHNN, đây cũng là mức hài hòa, đảm bảo doanh nghiệp và nhà đầu tư không lo ngại, có tâm lý đầu cơ và găm giữ USD.

Theo số liệu từ nhiều tổ chức, NHNN đã bán ra dự trữ ngoại hối vào cuối năm 2024. Một chuyên gia kinh tế đến từ VIS Rating cho rằng, việc dự trữ ngoại hối về mức thấp nhất trong 5 năm gần nhất sẽ khiến dư địa để đối phó với những biến động về ngoại hối co hẹp lại. “Nếu dòng ngoại tệ chảy ra khỏi Việt Nam tăng lên và làm tỷ giá đồng Việt Nam sụt giảm mạnh, trong kịch bản đó, lãi suất tăng sẽ tác động làm suy yếu mức tăng trưởng và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa”, vị chuyên gia nhận định.

Doanh nghiệp cần ứng biến linh hoạt

Chưa tính đến kịch bản lãi suất biến động, tỷ giá VND/USD tăng đã nhanh chóng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp có các khoản vay nợ bằng USD, hay có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia mà đồng tiền bị mất giá.

Năm 2024, đứng trước biến động của tỷ giá, FPT đã mở rộng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đồng thời thực hiện vay nợ bằng đồng yên. Phần nguồn thu giảm do đồng yên mất giá được bù lại bằng lãi chênh lệch tỷ giá liên quan đến khoản vay. Đồng thời, các năm qua, FPT cũng thực hiện phòng ngừa rủi ro toàn bộ đối với khoản vay bằng USD.

Hay như trường hợp của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) - một doanh nghiệp đang vay nợ giá trị lớn bằng ngoại tệ do đặc thù các khoản đầu tư của ngành điện. Tại Hội nghị tổng kết năm 2024, lãnh đạo EVNGENCO3 cho biết, Tổng công ty thực hiện tái cấu trúc một phần khoản vay Dự án Nhà máy điện Mông Dương 1, với giá trị 81,5 triệu USD bằng vốn vay thương mại trong nước. Việc thực hiện cấu trúc lại nợ đã góp phần tiết giảm chi phí tài chính cả năm.

Theo ông Nguyễn Duy Anh, tỷ giá VND/USD tại Việt Nam nhiều năm qua giữ được mức tăng không quá lớn, khiến nhiều doanh nghiệp chưa quá quan tâm câu chuyện phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, ông Duy Anh cho rằng, doanh nghiệp nên dần chấp nhận với việc phòng ngừa rủi ro, bởi hoạt động này sẽ hạn chế được ảnh hưởng từ biến động bất thường đến lợi nhuận.

Hiện tỷ giá là một biến số vĩ mô khó lường. Tuy vậy, không thể phủ nhận lợi ích của nguồn vốn vay ngoại tệ. Không chỉ có nguồn vốn dồi dào, lãi suất các khoản vay ngoại tệ thường thấp hơn nhiều trong nước. Vinhomes đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị 500 triệu USD. Trung tuần tháng 12/2024, doanh nghiệp bất động sản này đã nhận được sự chấp thuận về nguyên tắc của Sở Giao dịch chứng khoán Singapore và chờ ngày niêm yết trong thời gian tới.

Báo Đầu tư
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang