Quy tắc, thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp nhỏ khó tận dụng FTA

Quy tắc, thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp nhỏ khó tận dụng FTA

Khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa hiện nay khi tiếp cận các hiệp định thương mại tự do (FTA) là do các quy tắc, thủ tục trong hầu hết các FTA rất phức tạp.


Tại hội thảo “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa tận dụng các FTA” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 7/6 tại TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cho biết, theo kết quả khảo sát trên 200 DN tại 4 nước ASEAN trong đó có Việt Nam, có 50% DN cho rằng các FTA chỉ có tác dụng giảm thuế quan, 35% DN được khảo sát cho rằng các FTA giúp giải quyết hàng rào phi thuế và 20% DN cho biết không hiểu rõ về các FTA.

d1811de908d0f948bcd3eae4e51d7730_hinh.jpg

Các DN vừa và nhỏ vẫn đang gặp khó khăn khi tận dụng FTA để xuất khẩu. Ảnh minh họa

Cũng theo kết quả khảo sát này, 70% DN cho biết không có thông tin, không biết hỏi ai về các thông tin liên quan đến FTA; 70% DN cũng cho biết không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về tìm hiểu các thông tin về FTA; 38% cho biết không được đào tạo kiến thức về quy trình xuất khẩu và cách xác định nguồn gốc xuất xứ.

Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương)- cho biết: Hiện các DN nhỏ và vừa (SME) đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, với tỷ lệ GDP từ 20- 50% ở phần lớn các nền kinh tế APEC. Tuy nhiên, chỉ có một số ít các SME tham gia vào các hoạt động thương mại ở nước ngoài do còn hạn chế khi tận dụng các FTA để tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Rajan Sudesh Ratna, Chuyên viên kinh tế, Bộ phận Thương mại, đầu tư và sáng tạo, UNESCAP Bangkok, dù vấn đề của các SME được đề cập nhiều trong các FTA nhằm hướng giảm thủ tục, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh để DN tham gia vào xuất khẩu nhưng thực tế DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự tận dụng được.

Khó khăn cho các SME tiếp cận các FTA là do các quy tắc, thủ tục trong hầu hết các FTA rất phức tạp. Điển hình như Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPPtrước đây có tới hơn 30 chương với hơn 1.000 trang, trong đó riêng quy định về quy tắc xuất xứ là 120 trang. Như vậy, làm sao các DN nhỏ và siêu nhỏ có thể nắm và hiểu hết được tất cả các quy định”, ông Rajan Sudesh Ratna nhấn mạnh.

Cần các hoạt động hỗ trợ tiếp cận FTA cụ thể

Là quốc gia đã ký cam kết 15 FTA, khả năng tận dụng các FTA DN tại Hàn Quốc được đánh giá là khá cao. Ông Jang Jindeok, Phó trưởng phòng Hợp tác FTA, Tổng cục Hải quan Hàn Quốc - cho biết, ở Hàn Quốc, các hoạt động hỗ trợ các SME tiếp cận với các FTA được triển khai trên hệ thống FTA PASS. Đây là hệ thống hỗ trợ các SME về quy tắc xuất xứ vì tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ không dễ với những DN này.

“Kể từ khi được triển khai, hệ thống FTA PASS đang được 10.000 DN nhỏ và vừa của Hàn Quốc sử dụng với hơn 100.000 văn bản mỗi năm. Các văn bản này chủ yếu liên quan đến nguồn gốc xuất xứ. Hệ thống này không chỉ đánh giá tự động yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, đưa ra giấy chứng nhận xuất xứ điện tử phù hợp với yêu cầu của Hải quan Hàn Quốc mà còn giúp quản lý và lưu trữ thông tin về nguồn gốc xuất xứ để kiểm tra và truy xuất được. Hệ thống này cũng có những chức năng hữu ích để hỗ trợ các DN thực hiện một cách dễ dàng hơn”, ông Jang Jindeok cho biết thêm.

Tại Indonesia, để hỗ trợ các DN tiếp cận được các FTA, nước này có  trung tâm về FTA tại 5 thành phố lớn nhằm phổ biến và tư vấn và cunng cấp các dịch vụ hỗ trợ về FTA cho DN. Đây là các hình thức hỗ trợ có chi phí thấp, nhanh chóng nhất,  khi DN gặp phải vấn đề gì cũng sẽ được tư vấn từ các trung tâm này. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tư vấn độc lập từ các trường đại học tại Indonesia cũng tham gia để hỗ trợ cho các DN về FTA, các hoạt động hỗ trợ tập trung vào các vấn đề DN nhỏ và vừa gặp phải theo đặc thù của từng ngành nghề…

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, trong quá trình thực thi các FTA quan trọng nhất là phải xác định được khó khăn và yêu cầu của SME là gì để đưa vào lộ trình hướng dẫn, hỗ trợ nhằm giúp các DN có thể tham gia tích cực và hiệu quả khi thực thi FTA.

Theo Công Thương

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Trở lại đầu trang