Sôi động hàng nhãn riêng
Khảo sát tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho thấy hầu hết các siêu thị lớn như Big C, Co.op mart hay Lotte Mart đều trưng bày rất nhiều sản phẩm HNR của mình. Tại siêu thị Big C, người tiêu dùng không khỏi choáng ngợp bởi mật độ dày đặc với 150 HNR nhãn hiệu WOW từ dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng đến sữa chua, thạch dừa, bánh flan, màng bọc thực phẩm, bình nước; thực phẩm chế biến eBon với 50 sản phẩm. Không thua kém, từ năm 2016 hệ thống siêu thị Lotte Mart bắt đầu đưa ra thị trường sản phẩm HNR Choice L với hơn 1.000 mặt hàng từ đồ gia dụng, thời trang, điện máy... đến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Người tiêu dùng mua sản phẩm HNR Wow của siêu thị Big C. Ảnh: Thu Hương
Không chỉ siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài mới đưa ra thị trường sản phẩm HNR mà DN bán lẻ trong nước cũng làm theo cách này. Ngay từ năm 2004, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng bầy bán sản phẩm HNR. Hiện Co.opmart có hơn 300 mặt hàng với gần 3.000 mã hàng, từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ đến hóa phẩm, hàng gia dụng, may mặc HNR. Hệ thống siêu thị Vinatex của Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng đã tạo nên HNR Vinatex Fashion với các sản phẩm quần áo dành cho nam, nữ và trẻ em.
Thực tế cho thấy khi các siêu thị đưa ra HNR, mặt hàng này đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng bởi giá bán thấp hơn hàng chính hãng từ 15-30% mà chất lượng tương đương. Lý giải về giá bán hàng nhãn riêng luôn rẻ, Giám đốc phụ trách HNR hệ thống siêu thị Co.op Mart Võ Hoàng Anh cho rằng: Sản phầm HNR có giá thấp là do siêu thị chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa nên không phải tốn chi phí quảng cáo, ngoài ra siêu thị có thể chủ động giảm mức lãi để có mức giá rẻ. Dự kiến trong vòng 3 năm tới, việc tiêu dùng HNR sẽ trở nên phổ biến. “Lúc đó, cứ 4 sản phẩm bán tại siêu thị sẽ có 1 sản phẩm là HNR của nhà phân phối” – ông Hoàng Anh nhận định.
Không “đe dọa” nhà sản xuất
Việc các nhà phân phối đẩy mạnh việc tiêu thụ HNR đã khiến không ít người cho rằng, DN sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn bởi vừa phải cạnh tranh với các nhà sản xuất khác vừa phải đối chọi với chính sản phẩm DN gia công cho siêu thị.
Thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, về hình thức HNR có vẻ đang cạnh tranh với sản phẩm do DN sản xuất, song áp lực này không quá lớn. Bởi DN sản xuất là bên chủ động nguồn cung sản phẩm và họ có thể chỉ nhận gia công một vài mặt hàng phổ thông, riêng các mặt hàng có tính chiến lược hoặc đặc thù riêng thì DN không sản xuất HNR cho siêu thị.
Phó Tổng Giám đốc Hệ thống Siêu thị Big C Nguyễn Thái Dũng khẳng định, HNR không thể “đe dọa” các DN sản xuất vì HNR chỉ được bầy bán tại các siêu thị hiện đại, qua đó tạo ra đặc trưng riêng để thu hút khách hàng. Ngoài ra, người tiêu dùng hiện vẫn giữ thói quen mua sắm tại chợ truyền thống là nơi tiêu thụ chủ yếu của DN sản xuất.
Do đó, việc sản xuất HNR không những không đe dọa các DN sản xuất mà ngược lại nó là “chất xúc tác” buộc DN phải liên tục đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, người tiêu dùng luôn được sử dụng sản phẩm mới, chất lượng cao, giá thành rẻ, trong khi các nhà sản xuất cũng được hưởng lợi nhờ kết hợp với các nhà bán lẻ để tăng lượng hàng bán ra. Như vậy, HNR còn là “phép thử” để DN đánh giá sản phẩm của mình có còn được người tiêu dùng chấp nhận sử dụng nữa hay không.
“Việc phát triển HNR không phải là hành động “thôn tính” DN sản xuất mà là hoạt động tương hỗ nhau, bổ sung lựa chọn cho người tiêu dùng. Hiện trong hệ thống siêu thị Hapro đang bày bán sản phẩm thịt nguội, xúc xích, rượu mang nhãn hiệu Hapro do các DN thành viên Hapro sản xuất, qua đó giúp DN phát huy hết năng lực sản xuất, không phải cạnh tranh, tăng doanh thu và lợi nhuận do không phải mất chiết khấu cho nhà cung ứng”.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thị Hải Thanh
Theo KTĐT